Friday, April 19, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiTQ đòi truy xuất rau, quả: Cảnh giác 'chiêu xấu'

TQ đòi truy xuất rau, quả: Cảnh giác ‘chiêu xấu’

Ngoài việc thay đổi, nâng cao chất lượng sản phẩm Việt Nam cũng phải yêu cầu truy xuất lại nguồn gốc rau, quả được nhập từ Trung Quốc.

Thận trọng và cảnh giác “chiêu xấu”

Không cho rằng việc truy xuất nguồn gốc hoa quả của Trung Quốc là hoàn toàn bất lợi, PGS.TS Nguyễn Minh Châu – Nguyên Viện trưởng Viện cây quả miền Nam lại xem đây là cơ hội để các doanh nghiệp sản xuất rau, quả Việt Nam thay đổi và trưởng thành.

“Về mặt tích cực, Quảng Tây yêu cầu truy xuất nguồn gốc hoa quả nhập khẩu từ Việt Nam là một cơ hội để ngành nông nghiệp trong nước tự nâng cấp mình. Khi đã làm được như vậy thì không phải chỉ có thị trường Trung Quốc mà Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để làm ăn với các nước khác.

Vì thế, tôi xem đây là khó khăn nhưng cũng là cơ hội để chúng ta chỉnh đốn lại sản xuất. Khi các quy trình sản xuất được bảo đảm, sản phẩm tạo ra an toàn, chất lượng, có thể đáp ứng được các yêu cầu, tiêu chuẩn của nước bạn thì hoa quả Việt mới đàng hoàng xuất sang Trung Quốc bằng con đường chính ngạch, không lo bị ép giá, bị trả về nữa”, PGS Châu nhấn mạnh.

Hơn nữa theo vị PGS, khi chúng ta có được sản phẩm tốt, rau, quả Việt Nam sẽ có nhiều hơn cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất vào thị trường các nước khác. Nếu làm được như vậy, rau quả Việt Nam sẽ không còn bị phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc nhiều và sản phẩm bán ra sẽ có giá cao hơn, người dân được lợi hơn.

Tuy nhiên, nếu nhìn ở mặt tiêu cực, nguyên Viện trưởng Viện cây quả miền Nam cũng không ngại đặt ra khả năng bị đối tác “chơi xấu”, ra điều kiện rồi trả về và ép giá… Vì theo PGS Nguyễn Minh Châu, việc đột ngột yêu cầu truy xuất nguồn gốc từ phía Trung Quốc là vấn đề lớn, có thể khiến nhiều doanh nghiệp bị “sốc” do chưa thể thay đổi được thói quen trong sản xuất hoặc không muốn thay đổi dẫn tới những ảnh hưởng nghiêm trọng, gây mất uy tín tới sản phẩm trong nước.

“Có thể đây cũng là một chiêu trò của Trung Quốc giống như xuất khẩu gạo vậy. Tức là đưa ra các tiêu chuẩn khó, ép người dân phải xuất tiểu ngạch để ép giá, mua rẻ…”, vị PGS lo ngại.

Từ lo ngại trên, PGS.TS Nguyễn Minh Châu cho rằng, phía cơ quan quản lý Việt Nam cũng phải yêu cầu truy xuất ngược lại với những sản phẩm rau, quả đang được nhập từ Trung Quốc về Việt Nam.

Phải làm trước

Nói về quan điểm của Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp) khi cho biết, khó truy xuất được nguồn gốc rau quả nhập từ Trung Quốc. Hơn nữa, đơn vị này cũng đã cử các bộ phận sang tận nơi, thực hiện kiểm nghiệm tại vườn để khẳng định táo, lê để 9 tháng vẫn ăn được là đều đảm bảo an toàn, không có thuốc bảo vệ thực vật.

PGS.TS Nguyễn Minh Châu cho rằng, lấy mẫu kiểm nghiệm là việc cần thiết tuy nhiên, chúng ta khó có thể giám sát chặt chẽ từng khâu trong suốt quá trình sản xuất, thu hoạch, bảo quản rồi xuất đi của từng sản phẩm nhập từ nước bạn.

Do đó, cần phải đưa ra các quy định cụ thể, các tiêu chuẩn, tiêu chí rõ ràng, kiểm soát ngay tại cửa khẩu Việt Nam. Việc này phải được thực hiện trước khi đóng dấu cho phép sản phẩm từ Trung Quốc được thông quan nhập vào thị trường Việt Nam.

“Chúng ta không thể cứ sang tận Trung Quốc để kiểm tra các cơ sở sản xuất rau, quả của họ được mà cần kiểm tra ngay tại các cửa khẩu, trước khi sản phẩm được đưa vào Việt Nam.

Việc này là cần thiết và Việt Nam cần thực hiện truy xuất trước với những tỉnh của Trung Quốc ra yêu cầu truy xuất với Việt Nam. Nếu sản phẩm của Việt Nam không đáp ứng được tiêu chuẩn của Trung Quốc có thể bị trả về nhưng ngược lại, sản phẩm của Trung Quốc không đảm bảo về chất lượng cũng tuyệt đối không cho nhập vào Việt Nam. Đây là điều kiện, cũng là nguyên tắc bảo đảm cho dân chúng hai nước được an tâm sử dụng sản phẩm hàng hóa của nhau”, ông Châu nói. 

Theo vị chuyên gia, để vượt qua được khó khăn trước mắt thì các địa phương có mặt hàng xuất khẩu phải thực hiện hỗ trợ cho nhà vườn.

Trước hết là yêu cầu các nhà vườn tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, hướng tới sản xuất rau, quả an toàn, chú trọng truy nguyên nguồn gốc sản xuất.

Bên cạnh đó, người sản xuất cũng cần phải được cấp Giấy chứng nhận quy trình VietGAP, việc kiểm tra, cấp giấy chứng nhận cũng tiến hành rất chặt chẽ, nghiêm ngặt. Và nhà vườn phải sản xuất ít nhất là một vụ theo tiêu chuẩn trên mới được cấp chứng nhận an toàn.

Hiện nay chúng ta đã có rất nhiều sản phẩm được sản xuất và đã được cấp chứng nhận VietGap từ năm 2010 như: Khóm (dứa), nhãn, chôm chôm, bưởi, cam, thanh long…

“Việc này không khó chỉ cần có thông tin, được hỗ trợ cộng thêm quyết tâm của người đứng đầu thì chắc chắn người nông dân sẽ làm được. Khi sản phẩm của chúng ta đủ tiêu chuẩn, đảm bảo an toàn vệ sinh, có thể cạnh tranh được thì việc truy xuất nguồn gốc với sản phẩm của nước khác cũng dễ dàng hơn”, vị chuyên gia cho biết.

RELATED ARTICLES

Tin mới