Wednesday, April 24, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 16/04/2018

Bản tin Biển Đông ngày 16/04/2018

Bản tin Biển Đông ngày 16/04/2018.

Hải quân Mỹ, Úc, Nhật tiến hành các chuyến thăm đến Philippines trong bối cảnh Trung Quốc phô trương lực lượng rầm rộ trên Biển Đông

Ngày 14/4, trang Rappler cho biết, trong bối cảnh Trung Quốc đang rầm rộ triển khai lực lượng hải quân nhằm phô trương sức mạnh trên Biển Đông, ba nước Mỹ, Úc và Nhật cũng đưa các tàu quân sự hiện đại của mình tới thăm cảng Philippines, cụ thể: Mỹ đưa tàu sân bay USS Theodore Roosevelt thuộc Nhóm tàu tác chiến số 9 của Hải quân Mỹ, Úc đưa tàu khu trục tên lửa hành trình HMAS Anzac và Nhật đưa tàu khu trục JS Akizuki. Rappler đưa tin, có khoảng 300 quan chức chính phủ, sỹ quan quân sự, doanh nhân, quan chức ngoại giao và nhà báo Philippines đã có mặt trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Mỹ tại Vịnh Manila vào tối ngày 13/4 để tham dự buổi lễ tiếp đón do Đại sứ Mỹ tại Philippines Sung Kim chủ trì. Tàu này đã có mặt tại Manila từ ngày 11/4. Hai tàu của Úc và Nhật đã tới gần khu vực Vịnh Subic để thực hiện hoạt động qua lại vô hại song cũng bất ngờ dành thời gian để tới thăm cảng Philippines. Chuẩn Đô đốc Stephen Koehler, Tư lệnh Nhóm tàu tác chiến số 9 của Hải quân Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phải khẳng định được rằng “hoạt động qua lại ở Biển Đông sẽ tiếp tục đem lại cơ hội tốt cho thương mại tự do và biển cả sẽ là nơi công bằng cho tất cả các bên. Hải quân của tất cả các nước đã và đang đi qua khu vực sẽ tiếp tục hoạt động này”.

Giới nghiên cứu quân sự Trung Quốc: cuộc phô diễn lực lượng của Hải quân Trung Quốc trên Biển Đông đã cho thấy nhiều hơn năng lực quân sự trên biển của nước này

Ngày 16/4, tạp chí The Straits Times nhận định, cuộc phô trương quân sự gần đây nhất của Trung Quốc đã khiến giới quan sát quân sự Trung Quốc có cái nhìn rõ hơn về các tàu ngầm hạt nhân, tàu khu trục mới nhất và các loại tàu thuyền khác của Trung Quốc. Sáu tàu ngầm hạt nhân, bao gồm hai tàu mang tên lửa đạn đạo hạt nhân đã xuất hiện tại buổi tập trận quân sự này. Ngoài ra, có 26 máy bay tham gia cuộc tập trận, bao gồm các máy bay trực thăng, phi cơ chiến đấu, máy bay ném bom và máy bay chiến đấu điện tử. Theo The Straits Times, Trung Quốc đã dành ra hai thập kỷ để xây dựng lực lượng hải quân “nước xanh” có khả năng triển khai lực lượng tới Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương; năm ngoái, Trung Quốc cũng đã hạ thủy tàu sân bay sản xuất nội địa đầu tiên.

Giới nghiên cứu quân sự Trung Quốc cho rằng cuộc tập trận quân sự mới nhất này của hải quân Trung Quốc đã “cho thấy những thành tựu mà Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) trong quá trình hiện đại hóa”. Chỉ huy cấp cao Cao Weidong, nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Quân sự Hải quân PLA cho hay trong vòng 5 năm qua, Hải quân Trung Quốc đã tiếp nhận một số lượng lớn các loại vũ khí và khí tài hiện đại mới. Ông khẳng định, nhóm các tàu, tàu ngầm và máy bay thuộc các nhóm tác chiến khác nhau cho thấy khả năng phối hợp và liên kết được tăng cường trong thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu, qua đó thấy được rằng Hải quân Trung Quốc hoàn toàn có khả năng triển khai các hoạt động tầm xa. Ông Cui Yiliang, Tổng Biên tập tờ Modern Ships cho rằng nhằm phục vụ cuộc tập trận, Hải quân Trung Quốc đã đưa ra gần như toàn bộ tất cả các khí tài mà nước này tiếp nhận trong vòng 10 năm qua. Ông nhận định, Hải quân PLA hiện đã đủ khả năng để triển khai các hoạt động từ tấn công chiến lược đến tấn công đổ bộ. Ông Wu Peixin, nhà nghiên cứu về quốc phòng tại Bắc Kinh, Trung Quốc khẳng định rằng Hải quân Trung Quốc đang dần nhanh chóng bắt kịp với Hải quân Mỹ về khả năng phối hợp cũng như công nghệ vũ khí, khí tài. Ông Wu cũng cho biết, tàu CNS Changsha, một loại tàu khu trục tên lửa dẫn đường loại 052D phục vụ Chủ tịch Tập Cận Bình trong cuộc tập trận quân sự vừa qua của Hải quân nước này, chính là minh chứng cho hệ thống khí tài đang được phát triển của nước này.

Tàu ngầm “Cửu Long III” sẽ lần đầu tiên được thử nghiệm trên biển

Ngày 16/4, trang China Plus cho biết, theo nguồn tin từ hãng tin Tân Hoa xã, ngày 15/4, tàu nghiên cứu “Dayang Yihao” (Đại dương số 1) đã khởi hành từ Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc cùng với tàu ngầm không người lái “Cửu Long III” của Trung Quốc tới Biển Đông để thử nghiệm lần đầu tiên trên biển. Tàu “Cửu Long III” có thể lặn tới độ sâu 4.500 mét, là chiếc mới nhất trong hệ thống các tàu ngầm không người lái của Trung Quốc. Ông Liu Jian, kỹ sư trưởng của tàu “Cửu Long III” cho hay tàu này được thiết kế đặc biệt nhằm đáp ứng nhu cầu thăm dò tài nguyên nước sâu của Trung Quốc. Theo China Plus, tàu “Dayang Yihao”, sau một loạt các cuộc thử nghiệm tại các vùng biển sâu ở khu vực Tây Thái Bình Dương, cũng sẽ triển khai khảo sát khoa học với quy mô lớn trong khi thực hiện nhiệm vụ ở Biển Đông

RELATED ARTICLES

Tin mới