Thursday, March 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTQ sợ để mất ‘bảo bối’ Triều Tiên

TQ sợ để mất ‘bảo bối’ Triều Tiên

Triều Tiên vừa là người anh em nhưng cũng vừa là “át chủ bài” của Trung Quốc để đối đầu Mỹ. Và giờ đây Bắc Kinh sợ để tuột mất Bình Nhưỡng hơn bao giờ hết.

Trung Quốc và Triều Tiên luôn tự hào về một liên minh “máu mủ ruột rà”, khi hơn 130.000 binh sĩ Trung Quốc, gồm cả Mao Ngạn Anh – con trai của cố lãnh đạo Trung Quốc Mao Trạch Đông – đã hy sinh để bảo vệ Bình Nhưỡng trong suốt Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953), thế mà quan hệ hai nước nhiều thập niên qua vẫn lên xuống như hình sin.

Đúng là Bình Nhưỡng lệ thuộc, nếu không nói là gần như hoàn toàn, vào Bắc Kinh trong vấn đề thương mại và hỗ trợ ngoại giao, nhưng Triều Tiên cũng nhiều lúc không hài lòng mấy khi đóng vai trò là “đứa em” của người anh Trung Quốc.

Đủ mọi nỗi lo

Giờ đây, khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un sắp phải ra đấu trường quốc tế và có 2 cuộc gặp lớn là với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và Tổng thống Mỹ Donald Trump, Bắc Kinh có lẽ đang lo sợ nước này sẽ để mất nhiều thứ ngay trước cửa nhà mình.

 

Trước hết, về mặt lý thuyết, hai miền Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh bởi Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) chỉ kết thúc bằng một thỏa thuận đình chiến, chứ không phải hiệp ước hòa bình.

Nếu một hiệp ước như vậy được ký kết trong hai cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới, ông Trump sẽ ghi tên mình vào lịch sử với tư cách là lãnh đạo Mỹ góp công chấm dứt chiến tranh Triều Tiên.

Bắc Kinh lo sợ sẽ đứng quan sát người em “thay da đổi thịt” từ bên rìa, và để thế giới đồn thổi rằng Trung Quốc đang bỏ rơi ảnh hưởng “nặng ký” mà nước này đã gầy dựng ở bán đảo Triều Tiên kể từ Chiến tranh Lạnh.

“Trung Quốc chẳng hề thích bức tranh hiện tại khi chỉ có hai miền Triều Tiên và Mỹ đứng ở vị trí trung tâm mà không có Bắc Kinh. Lo ngại chính của Trung Quốc là viễn cảnh nước này không thể sử dụng ảnh hưởng của mình và bảo vệ các lợi ích của Bắc Kinh trong khu vực” – bà Duyeon Kim, nhà nghiên cứu cao cấp tại Diễn đàn tương lai bán đảo Triều Tiên ở Seoul, nhận định.

Thứ hai, Trung Quốc lo ngại với các gói lợi ích được Mỹ và Hàn Quốc đưa ra, cùng khả năng Bình Nhưỡng chịu “khép lại quá khứ, hướng tới tương lai”, ông Kim có thể sẽ đồng ý một thỏa thuận đưa Bình Nhưỡng đến gần hơn với các cựu thù của mình.

Trung Quốc sợ để mất ‘bảo bối’ Triều Tiên - Ảnh 2.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un (trái) bắt tay với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm Bắc Kinh cuối tháng 3 – Ảnh: REUTERS

“Thậm chí có một mối lo ngại cực độ trong cộng đồng chiến lược Trung Quốc là Mỹ có thể sẽ chấp nhận một đất nước Triều Tiên có năng lực hạt nhân làm đồng minh của mình, hay ít nhất là một quốc gia hữu hảo” – ông Triệu Thông (Zhao Tong), chuyên gia về Triều Tiên tại Trung tâm chính sách toàn cầu Carnegie – Thanh Hoa ở Bắc Kinh, nhận định trên Đài CNN ngày 25-4.

Cuối cùng, Trung Quốc không muốn vuột mất “bảo bối” Triều Tiên để đối đầu Mỹ. Trung Quốc không muốn Mỹ giữ vị trí là người lèo lái mọi chuyện trên bán đảo Triều Tiên khi mà quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington đang xấu đi liên quan tới vấn đề thương mại.

Hơn nửa thế kỷ qua, tình trạng của Triều Tiên đem lại nhiều lợi ích cho Trung Quốc. Bình Nhưỡng được đánh giá như một vùng đệm ngăn cách Bắc Kinh với các lực lượng quân sự Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc.

Mặc khác, nếu Đài Loan hay vấn đề tôn trọng nguyên tắc “Một Trung Quốc” được xem là con bài để Washington mặc cả với Bắc Kinh thì Bình Nhưỡng lại trở thành con bài mặc cả mới của Bắc Kinh trong tiến trình gây dựng quan hệ song phương Mỹ-Trung.

Cần nhớ rằng ngay trong chuyến thăm Trung Quốc của ông Trump hồi tháng 11 năm ngoái, ông Trump từng hối thúc Bắc Kinh gia tăng sức ép để buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.

Nhưng lúc này nhà lãnh đạo Mỹ đã cho Trung Quốc một món quà: Đó là ông nói ông không đổ lỗi cho Trung Quốc về thâm hụt thương mại, mà là do các chính quyền tiền nhiệm Mỹ mắc lỗi. Vậy tại sao ông Trump làm điều này? Vì ông vốn biết tiếng nói của Bắc Kinh có sức nặng để gây ảnh hưởng Bình Nhưỡng.

“Một số lo ngại cực đoan tới mức nghe giống như thuyết âm mưu, nhưng rõ ràng nó phản ánh sự nghi ngại sâu xa của Trung Quốc về cả Mỹ và Triều Tiên” – chuyên gia Triệu Thông của Trung Quốc lý giải.

Trung Quốc sợ để mất ‘bảo bối’ Triều Tiên - Ảnh 3.

Quân tình nguyện Trung Quốc tham gia “kháng Mỹ viện Triều” trong Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) – Ảnh: SOHU

Trung Quốc sẽ để số phận an bài?

Dù sẵn sàng “phản bội” Triều Tiên dưới áp lực quốc tế, nhưng có một điều chắc chắn là Bắc Kinh không hề muốn có sự thay đổi chế độ ở Triều Tiên. Bắc Kinh sợ sự sụp đổ về kinh tế và chính trị ở Triều Tiên sẽ khiến một luồng di cư tràn ồ ạt vào biên giới Trung Quốc, dẫn tới nguy cơ xấu nhất là thống nhất hai miền Triều Tiên.

Đó là một phần của bức tranh trước năm 2018. Liên Hiệp Quốc mạnh tay, Mỹ tối đa hóa áp lực, Trung Quốc bất đắc dĩ thay đổi thái độ… nhưng cuối cùng Triều Tiên vẫn không bị “thuần phục”, vẫn không chịu xuống nước.

Nhưng khi Triều Tiên chìa cành ô liu vào đầu năm nay và đề xuất các cuộc gặp thượng đỉnh với Hàn Quốc và Mỹ, động thái này đã khiến Bắc Kinh ngỡ ngàng. Bắc Kinh đã đứng trước một thế trận đầy nguy hiểm.

Để không đánh mất “bảo bối” Triều Tiên, Trung Quốc vừa qua đã có các bước “đi tắt đón đầu”. Động thái đáng chú ý nhất là Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mời ông Kim Jong Un thăm Bắc Kinh hồi cuối tháng 3.

Thông qua chuyến thăm “lịch sử” này, Trung Quốc muốn khẳng định với Mỹ rằng Bắc Kinh vẫn luôn đóng vai trò quan trọng trong quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Mọi quyết định của Washington liên quan tới Bình Nhưỡng đều phải thông qua Bắc Kinh.

Trung Quốc sợ để mất ‘bảo bối’ Triều Tiên - Ảnh 4.

Bà Kim Yo Jong – em gái ông Kim Jong Un – gặp mặt Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In nhân dịp sang dự Thế vận hội mùa đông 2018 ở PyeongChang (Hàn Quốc) – Ảnh: REUTERS

Cũng thông qua chuyến thăm, ông Tập muốn truyền thông điệp với ông Kim rằng Trung Quốc vẫn là người bạn đáng tin nhất của Triều Tiên. Muốn gặp Moon Jae In hay Donald Trump, Kim Jong Un phải gặp Tập Cận Bình trước.

Hôm 21-4, khi Bình Nhưỡng bất ngờ tuyên bố ngừng thử hạt nhân, muốn bỏ chính sách “Byungjin” và tập trung mọi nguồn lực phát triển kinh tế, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cùng ngày đã ra tuyên bố hoan nghênh.

Truyền thông Trung Quốc ngay lập tức cũng dành nhiều giấy mực, thậm chí là “góp ý” để cho thấy Bắc Kinh luôn hiện diện trong tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

“Nếu Washington vẫn còn muốn ép buộc Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân bằng cách tối đa hóa áp lực, điều đó sẽ nguy hiểm và Trung Quốc cũng như Hàn Quốc sẽ không đồng ý với cách tiếp cận như vậy. Nó có thể làm tái diễn những bất ổn thậm chí căng thẳng hơn” – tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc nhắc nhở.

Tờ báo chính thống của Đảng Cộng sản Trung Quốc nói rằng cộng đồng quốc tế nên khuyến khích Triều Tiên bằng cách nối lại các trao đổi để cho Triều Tiên thấy được lợi ích khi quay đầu.

Tuy nhiên, giới chuyên gia đánh giá những đề xuất này cho thấy Bắc Kinh manh nha gây trở ngại cho các nỗ lực của Mỹ. Vì rõ ràng Nhà Trắng khẳng định sẽ không nhượng bộ và không dừng chiến dịch tối đa hóa áp lực cho đến khi Triều Tiên có các bước đi chắc chắn hướng tới phi hạt nhân hóa.

Theo bà Duyeon Kim đến từ Diễn đàn tương lai bán đảo Triều Tiên ở Seoul, Bắc Kinh sẽ khai thác bất kỳ cơ hội nào để làm giảm sự đáng tin của Mỹ và thao túng kết quả của hai cuộc gặp thượng đỉnh.

“Nếu Trung Quốc không hài lòng với kết quả của hai cuộc gặp thượng đỉnh, dễ có khả năng nước này sẽ quấy rối các nỗ lực phi hạt nhân hóa Triều Tiên của Mỹ bằng cách dỡ bỏ áp lực nhằm vào Triều Tiên, tạo cho Bình Nhưỡng cơ hội tiến hành các hoạt động phi pháp và không thực thi nghị quyết trừng phạt của Liên Hiệp Quốc” – bà Kim nhận định.

Cho tới nay, người ta vẫn còn đặt nhiều nghi vấn liệu tuyên bố của Triều Tiên có thật lòng hay không, hay đó là sự nhượng bộ nhất thời chỉ vì áp lực trừng phạt quốc tế. 

Và viễn cảnh các nỗ lực Mỹ – Hàn tan theo mây khói chỉ vì sự quấy rối của Bắc Kinh như bà Kim nhận định cũng là điều khả dĩ.

RELATED ARTICLES

Tin mới