Friday, March 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiKho vũ khí hạt nhân chiến lược Nga - Mỹ được "tháo...

Kho vũ khí hạt nhân chiến lược Nga – Mỹ được “tháo xích”, chạy đua vũ trang là khó tránh?

Lần đầu tiên kể từ năm 1972, kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga sắp không còn bị kìm kẹp và ràng buộc bởi các hiệp ước kiểm soát vũ khí. Điều này đồng nghĩa với việc một cuộc đua vũ trang vừa đắt đỏ vừa nguy hiểm có thể sắp bùng nổ.

Trong bài báo được nhóm cựu quan chức và chuyên gia từ Mỹ, Nga và châu Âu công bố hôm nay (18/4), Hiệp ước New Start được Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ký kết năm 2010 nhằm hạn chế việc triển khai các loại vũ khí chiến lược của Nga và Mỹ sẽ hết hạn vào tháng 2/2021 nếu như hai bên không có động thái kéo dài thêm hiệp ước này.

Trong khi đó, Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) đang đứng trước nguy cơ đổ vỡ do Mỹ cáo buộc Nga cố tình vi phạm các điều khoản của hiệp ước như phát triển tên lửa hành trình phóng từ mặt đất thế hệ mới. Thậm chí, chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump còn đe dọa cho phát triển loại tên lửa tương tự như Nga để đáp trả.

Còn trong những tuyên bố gần đây về học thuyết hạt nhân của cả hai nhà lãnh đạo Nga – Mỹ, Tổng thống Vladimir Putin và Donald Trump đều đề cập tới kế hoạch hiện đại hóa và nâng cấp kho vũ khí hạt nhân bao gồm các loại vũ khí hạt nhân thế hệ mới.

Mối đe dọa về việc bùng nổ một cuộc đua vũ trang giữa hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới được công bố giữa lúc căng thẳng giữa Washington và Moscow đang ở mức đỉnh điểm cũng như các lực lượng quân sự của Mỹ, NATO và Nga đang hoạt động rất gần nhau ở Đông Âu và Syria. 

“Khi chưa có dấu hiệu nào cho thấy hiệp ước New Start sẽ được kéo dài thêm thời gian thi hành trong khi hiệp ước INF có nguy cơ đổ vỡ, lần đầu tiên kể từ năm 1972 sẽ không có bất cứ ràng buộc nào đối với hai cường quốc hạt nhân lớn nhất thế giới. Nguy cơ đối đầu giữa hai quốc gia hạt nhân Nga – Mỹ cũng sẽ càng gia tăng”, giới chuyên gia nhận định.

Tuyên bố này được các cựu quan chức đàm phán quân sự cấp cao của cả Nga và Mỹ ký tên bao gồm cựu Tư lệnh Lực lượng Tên lửa chiến lược Nga Thượng tướng Victor Esin, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh Des Browne và cựu thượng nghị sĩ Richard Lugar.

 Trước đó, cả Nga và Mỹ từng tuyên bố chiểu theo hiệp ước New Start, hai nước đã đạt tới mức giới hạn là 1.500 đầu đạn chiến lược và 700 loại vũ khí mang theo các loại đầu đạn này bao gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và các oanh tạc cơ hạt nhân.

Nếu Mỹ và Nga cùng đồng thuận, hiệp ước New Start có thể sẽ được kéo dài thời gian thi hành thêm 5 năm. Về phần mình, Moscow cho biết đã bàn tính tới chuyện này. Cụ thể, trong một bài phỏng vấn hồi tháng Ba, Tổng thống Putin đã nhấn mạnh muốn kéo dài thêm thời hạn thi hành hiệp ước New Start hoặc hai bên cắt giảm thêm số đầu đạn hạt nhân. 

Còn trong cuộc điện đàm chúc mừng chiến thắng của ông Putin trong cuộc bầu cử Tổng thống Nga hồi tháng Ba, Tổng thống Trump đã mời ông Putin tới tham dự một cuộc họp thượng đỉnh “diễn ra trong thời gian không xa nhằm thảo luận về một cuộc đua vũ trang đang có nguy cơ vượt ngoài tầm kiểm soát”.

Điều đáng nói, tân cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Trump là ông John Bolton vốn là người có tư tưởng phản đối cả hai hiệp ước INF và New Start. Nhiều thượng nghị sĩ có tư tưởng hiếu chiến của đảng Cộng hòa như Tom Cotton cũng đã tuyên bố ý định rút Mỹ ra khỏi INF và New Start. 

Còn theo ông Daryl Kimball, người đứng đầu Tổ chức Kiểm soát vũ khí, nếu Nga – Mỹ không kịp thời đưa ra quyết định kéo dài thêm thời hạn thi hành các hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân, hai bên sẽ nhanh chóng cho phát triển kho hạt nhân hiện thời.

“Mỗi bên đều có tiềm lực rất lớn. Do đó nếu muốn, họ có đủ các hệ thống để vận chuyển đầu đạn hạt nhân cũng như nguồn đầu đạn hạt nhân dự trữ để tăng số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược được triển khai một cách nhanh chóng”, ông Kimball chia sẻ.

RELATED ARTICLES

Tin mới