Friday, April 19, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 07/05/2018

Bản tin Biển Đông ngày 07/05/2018

Bản tin Biển Đông ngày 07/05/2018.

Philippines cần xem xét lại chiến lược chính sách đối ngoại trong bối cảnh Trung Quốc đang triển khai hệ thống tên lửa

Ngày 7/5, Inquirer đăng bài viết “Philippines cần xem xét lại chiến lược chính sách đối ngoại trong bối cảnh Trung Quốc đang triển khai hệ thống tên lửa” của Albert del Rosario, Chủ tịch Viện Nghiên cứu ADR Stratbase, Philippines.

Ông cho biết thông tin về việc Trung Quốc triển khai tên lửa trên ba cấu trúc ở Trường Sa là “cực kỳ đáng lo ngại” nhưng “lại không mấy bất ngờ” vì rõ ràng trên thực tế, nước này vẫn đang ngang nhiên triển khai chiến lược “lát cắt salami”, nâng cấp một loạt các cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo xây dựng trái phép ở Biển Đông bất chấp những cam kết trước đó rằng sẽ không quân sự hoá khu vực. Ông Rosario khẳng định, theo Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), những hành động đã và đang diễn ra của Trung Quốc ở Biển Đông là “bất hợp pháp”. Bên cạnh đó, tác giả dự đoán rằng những hoạt động nhằm phô trương quân sự của Trung Quốc cũng nhằm mục đích đe doạ các quốc gia “thách thức các yêu sách chủ quyền của nước này đối với gần như toàn bộ khu vực Biển Đông”

Trong bối cảnh đó ông Albert del Rosario kêu gọi Chính phủ Philippines cần chủ động thể hiện quan điểm, lập trường trong vấn đề Biển Đông đồng thời xem xét lại chính sách đối ngoại của nước này đối với Trung Quốc, đưa ra một số khuyến nghị cho Chính phủ như làm rõ sự khác biệt giữa việc có được “những lợi ích được đưa ra cam kết” với thúc đẩy an ninh quốc gia; vận động và bày tỏ sự ủng hộ nhiều hơn đối với các nước đối tác truyền thống nhằm giúp các nước này thuyết phục Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế; tham vấn thường xuyên với Quyền Thẩm phán Toà án tối cao Antonio Carpio, người trực tiếp góp phần đem lại thắng lợi về mặt pháp lý cho Philippines trong vụ kiện Biển Đông…

Ý kiến học giả: Phạm vi các tên lửa tầm xa của Trung Quốc ở Biển Đông có thể bao trùm tới đâu?

Ngày 5/5, Defense News cho hay, ông Collin Koh, nghiên cứu viên tại Chương trình An ninh biển, Đại học Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Singapore khẳng định thông tin được tiết lộ về việc Trung Quốc gần đây triển khai các hệ thống tên lửa tầm xa trên các đảo nhân tạo nước này xây dựng trái phép ở khu vực Trường Sa trên Biển Đông cho thấy nước này đang tìm cách đẩy mạnh các hoạt động nhằm nâng cao hơn nữa sự kiểm soát đối với khu vực đồng thời cản trở việc Mỹ triển khai các hoạt động quân sự đi qua Biển Đông, trong đó có hoạt động tự do hàng hải. Ông Koh cho biết, sự hiện diện của các tên lửa tầm xa có phạm vi hoạt động lần lượt là 160 hải lý và 295 hải lý cho thấy Trung Quốc coi các đảo nhân tạo như các cơ sở có tính chất chiến lược lớn, bố trí một loạt các công trình nhân tạo hỗ trợ hậu cần “phòng thủ”. Do đó, ông cho rằng dù nguồn tin nói rằng các tên lửa về bản chất “mang tính phòng thủ” song trên thực tế hệ thống tên lửa này sẽ cho phép Trung Quốc điều động các mục tiêu tới các vùng nước và vùng trời lân cận ở khu vực, bao trùm lên cả các cấu trúc mà các bên tranh chấp khác ở Biển Đông đang kiểm soát. Cụ thể, tên lửa HQ-9 có thể giúp Trung Quốc kiểm soát trong tầm ngắm hoạt động của các máy bay đi qua Trường Sa; trong khi đó YJ-12 có thể cản trở hoạt động của tàu bè trong phạm vi kéo dài từ bờ biển ngoài khơi của Việt Nam, bờ biển phía Đông tỉnh Sabah của Malaysia và đảo Palawan của Philippines nếu được triển khai trên đảo Hải Nam, Trung Quốc và các đảo mà Trung Quốc đang chiếm đóng bất hợp pháp ở Hoàng Sa và Trường Sa.

Diễn tập quân sự Balikatan giữa Philippines và Mỹ vẫn diễn ra bất chấp những lo ngại về việc Trung Quốc ngang ngược triển khai tên lửa trái phép ở Trường Sa

Rappler đưa tin, bất chấp những lo ngại về việc Trung Quốc ngang nhiên triển khai tên lửa trái phép trên các đảo nhân tạo nước này xây dựng, bồi đắp ở Biển Đông, sáng ngày 7/5, quân đội hai nước Philippines và Mỹ vẫn tổ chức cuộc diễn tập quân sự thường niên Balikatan. Cuộc diễn trận quân sự thường niên này là nhằm bảo đảm khả năng cùng hợp tác quân đội hai bên khi cần triển khai Hiệp ước Phòng thủ chung (MDT) trong trường hợp chủ quyền của một trong hai nước ký kết bị đe doạ.

Rappler cho hay cuộc diễn trận Balikatan năm nay là cuộc diễn tập thứ hai dưới thời Tổng thống Duterte, gồm một loạt các hoạt động diễn tập đổ bộ trong tình huống giả định có sự tấn công xâm lược tại các tỉnh của Zambales, Philippines và một cuộc diễn tập bắn đạn thật sẽ được tổ chức tại thung lũng Crow, tỉnh Tarlac, Philippines. Tuy nhiên, truyền thông không được đưa tin rộng rãi về cuộc diễn tập năm nay.

Phó Tổng thống Philippines kêu gọi Chính phủ có hình thức phản ứng đối với việc bố trí tên lửa ở Biển Đông

Manila Bulletin đưa tin, ngày 7/5, trước thông tin về việc Trung Quốc mới đây đã bố trí hệ thống tên lửa trên ba cấu trúc ở Biển Đông, Phó Tổng thống Philippines Leni Robredo đã lên tiếng kêu gọi Chính phủ có hình thức đưa ra phản ứng “cần thiết và cấp thiết”, trong đó có phản đối ngoại giao, để bảo vệ những quyền lợi hợp pháp của Philippines. Bà Robredo cho rằng Philippines cần hợp tác với các nước láng giềng và các nước bị ảnh hưởng bởi hệ thống tên lửa được bố trí ở khu vực tranh chấp trên Biển Đông xây dựng một “tuyên bố hoà bình và công bằng” về việc triển khai tên lửa này, trên cơ sở phù hợp với luật pháp quốc tế và tôn trọng chủ quyền của tất cả các quốc gia. Đồng thời, bà cũng kêu gọi chính quyền Tổng thống Duterte khẳng định các quyền của Philippines phù hợp với Phán quyết của Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc ngày 12/7/2016 bác bỏ hoàn toàn yêu sách phi lý “đường chín đoạn” của Trung Quốc đối với Biển Đông.

Ý kiến học giả: dường như kế hoạch bành trướng Biển Đông của Trung Quốc đã chững lại sau khi quan hệ song phương giữa Trung Quốc và Philippines được cải thiện

Ngày 7/5, VOA News đưa tin, có một số chuyên gia cho rằng lập trường hoà dịu của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trong vấn đề Biển Đông cũng như việc quan hệ song phương giữa Philippines và Trung Quóc được cải thiện đã ngăn chặn kế hoạch bành trướng của Trung Quốc ở khu vực, dù trước đó đã có nhiều ý kiến lo ngại rằng Bắc Kinh sẽ “hoành hành” ở các vùng biển Philippines yêu sách sau khi đánh đổi các khoản hỗ trợ về kinh tế cho Philippines. Tuy nhiên, cũng có chuyên gia cho rằng bất cứ biểu hiện kiềm chế nào của Trung Quốc hiện nay có thể chấm dứt ngay khi ông Duterte kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2022.

RELATED ARTICLES

Tin mới