Thursday, April 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNgười Hàn Quốc vô tình ‘tiếp tay’ cho nạn mổ cướp nội...

Người Hàn Quốc vô tình ‘tiếp tay’ cho nạn mổ cướp nội tạng ở TQ

Người Hàn Quốc có nhu cầu lớn nhất đối với nội tạng có nguồn gốc từ Trung Quốc, gián tiếp góp phần làm gia tăng hành vi thu hoạch nội tạng phi đạo đức ở quốc gia này, Korea Biomedical Review dẫn lời các diễn giả tại hội thảo ‘Vital Link’.

Cấy ghép nội tạng là chủ đề được thảo luận tại hội thảo “Vital Link” diễn ra vào hôm thứ Năm (3/5) tại  Đại học Quốc gia Seoul. Tham gia hội thảo có nhiều giáo sư, nhà nghiên cứu thuộc các tổ chức liên quan tới cấy ghép tạng như Hiệp hội cấy ghép nội tạng Hàn Quốc, Vital Link, Mạng lưới hiến tạng Hàn Quốc và Cơ quan hiến tặng nội tạng Hàn Quốc.

Các diễn giả tại Hội thảo cho biết tình trạng buôn bán nội tạng từ lâu đã là một vấn đề nhức nhối trên toàn thế giới. Vấn đề này nổi cộm nhất ở Trung Quốc, ngay từ năm 1972 người ta đã phát giác hành vi mổ cướp nội tạng từ các tù nhân ở quốc gia này, theo Korea Biomedical Review.

Vấn nạn mổ cướp nội tạng bùng nổ từ sau năm 1999, khi chính quyền Trung Quốc bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công, môn khí công mà nhiều người tại Trung Quốc và các nước trên thế giới cho biết đã đem lại cho họ nhiều lợi ích sức khỏe và tinh thần. 

Vào năm 1999, Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân lúc bấy giờ, theo một cách tư duy khó hiểu, lo sợ sự phát triển quá nhanh chóng của Pháp Luân Công sẽ ảnh hưởng tới quyền lãnh đạo của cá nhân ông ta. Vì vậy, ông Giang đã ra lệnh đàn áp những người tập môn khí công ôn hòa này, hàng trăm ngàn người đã bị bắt bớ, đánh đập, tra tấn một cách tàn bạo trong các nhà tù, và trở thành nạn nhân chủ yếu của hoạt động thu hoạch nội tạng do chính quyền bảo trợ.

Vào năm 2016, cựu Quốc vụ khanh Canada David Kilgour và luật sư nhân quyền David Matas đã công bố một báo cáo có tên “Thu hoạch đẫm máu” (Bloody Harvest), cho thấy có khoảng 65.000 tù nhân lương tâm, chủ yếu là học viên Pháp Luân Công, bị giết để lấy nội tạng trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến năm 2008. Hành động phi nhân tính này đã vấp phải sự phản đối kịch liệt của các tổ chức quốc tế như Tổ chức Y tế thế giới, theo Korea Biomedical Review.

Các nhà điều tra cho biết các học viên Pháp Luân Công là nạn nhân chủ yếu của hoạt động mổ cướp nội tạng do chính quyền Trung Quốc bảo trợ (Ảnh: NTD)

Có hơn 150 chuyên gia và quan chức từ 78 quốc gia ký Tuyên bố Istanbul, vào tháng 4/2008, lên án việc buôn bán nội tạng và du lịch ghép tạng. Tuyên bố này đã chỉ đích danh biểu hiện và phương thức của các hành động buôn bán nội tạng, du lịch ghép tạng và chủ nghĩa thương mại trong cấy ghép nội tạng.

Một số tổ chức quốc tế đã đưa ra các báo cáo và tài liệu mô tả rõ nạn buôn bán nội tạng ở Trung Quốc. Các tổ chức này bao gồm WHO, Liên minh quốc tế phản đối cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc, Trung tâm nghiên cứu về thu hoạch nội tạng Trung Quốc, Hiệp hội quốc tế về cấy ghép nội tạng, và Hiệp hội các bác sỹ chống mổ cướp nội tạng.

The Epoch Times cho biết, tại Hoa Kỳ, Hạ viện bang Georgia đã nhất trí thông qua nghị quyết lên án “thu hoạch nội tạng từ tù nhân lương tâm một cách có hệ thống ở Trung Quốc” vào tháng 3/2018.

Bất chấp những lời kêu gọi lương tri từ cộng đồng quốc tế, hành vi ghép tạng bất hợp pháp vẫn liên tục diễn ra ở Trung Quốc từ năm 2000, theo Giáo sư Han Hee-chul thuộc Đại học Y khoa Đại học Hàn Quốc.

nội tạng

Ông Han Hee-chul, giáo sư từ Trường Y khoa Đại học Hàn Quốc và là thành viên của Hiệp hội các bác sĩ chống mổ cướp nội tạng. Trong bức ảnh, ông đang trình bày về tình trạng mổ cướp nội tạng phi đạo đức ở Trung Quốc trong hội thảo “Vital Link” tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul hôm thứ 3/5/2018 (Ảnh: koreabiomed.com).

Ông Han cũng cho biết người Hàn Quốc là những khách hàng mua tạng từ Trung Quốc nhiều nhất, gián tiếp làm gia tăng hành vi thu hoạch nội tạng phi đạo đức ở quốc gia này. Một bái báo của tờ Asia Times thông tin, 200 trong số 2.000 bệnh nhân cấy ghép nội tạng được tiến hành tại một bệnh viện địa phương [ở Trung Quốc] là người Hàn Quốc.

Nguyên nhân của việc một số lượng lớn người Hàn Quốc ra nước ngoài cấy ghép nội tạng là do sự thiếu hụt nội tạng được hiến tặng ở trong nước, Giáo sư Ahn thuộc Đại học Y Khoa Kyung Hee cho biết. Ở Hàn Quốc nhu cầu nội tạng luôn vượt cao hơn rất nhiều so với nguồn cung, ông nói.

Theo một báo cáo của Mạng lưới chia sẻ nội tạng Hàn Quốc, vào năm 2015 có khoảng 4.107 ca cấy ghép nội tạng được thực hiện tại Hàn Quốc, trong khi đó vẫn còn tới 27.500 người nằm trong danh sách chờ đợi được cấy ghép nội tạng, có nghĩa là chỉ có khoảng 15% số người được đáp ứng nhu cầu.

“Từ năm 2010 tới nay Đài Loan và Hàn Quốc là hai quốc gia có nhu cầu ghép tạng lớn nhất thế giới”, ông Ahn nói. Ông cũng kêu gọi nâng cao nhận thức về cấy ghép tạng, đồng thời đề nghị cần phải thiết lập một quy trình đăng ký, và xây dựng khung pháp lý cũng như quy chuẩn đạo đức cho việc cấy ghép tạng.

RELATED ARTICLES

Tin mới