Wednesday, April 24, 2024
Trang chủĐàm luậnTQ tuyên bố áp đảo lực lượng quân sự của bất kỳ...

TQ tuyên bố áp đảo lực lượng quân sự của bất kỳ nước nào ở Biển Đông

Đài CNBC của Mỹ hôm 2/5 đưa tin Trung Quốc đã gắn các phi đạn hành trình chống hạm và hệ thống phi đạn địa-đối-không trên ba tiền đồn ở Biển Đông. CNBC cho hay, các nguồn tin này được dẫn qua tình báo của Mỹ.

Hoạt động quân sự hóa mới nhất của Trung Quốc ở Biển Đông sẽ gây những hậu quả trong ngắn hạn và dài hạn, Tòa Bạch Ốc khẳng định như vậy hôm 3/5.Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc Sarah Sanders nói trong một cuộc họp báo: “Chúng tôi biết rất rõ chuyện Trung Quốc liên tục có những hành động quân sự hóa Biển Đông. Chúng tôi đã nêu quan ngại trực tiếp với phía Trung Quốc về vấn đề này. Những hoạt động bất chấp pháp luật của Bắc Kinh sẽ gây những hậu quả ngắn hạn và dài hạn”.

Tuy nhiên bà Sanders không nói những hậu quả đó là gì.

Một quan chức Mỹ (giấu tên) cho hay tình báo Mỹ đã nhìn thấy một số dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đã chuyển một số hệ thống vũ khí đến quần đảo Trường Sa trong tháng 4. Quan chức này nói vậy nhưng không cung cấp thêm chi tiết nào cụ thể.

Theo các nguồn tin, đánh giá tình báo của Mỹ khẳng định, các phi đạn vừa kể đã được chuyển đến các bãi Đá Chữ Thập, Đá Subi và Đá Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa trong vòng một tháng qua. Theo các chuyên gia các phi đạn địa -đối – không sẽ là hệ thống phòng thủ phi đạn tầm xa tối tân nhất bố trí ở một hòn đảo trong Biển Đông. Một hệ thống như thế sẽ là mối đe dọa lớn đối với các máy bay bay gần đó.

Đây là những đợt triển khai phi đạn đầu tiên của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa, mặc cho Việt Nam và một số nước có những tuyên bố chủ quyền ở quần đảo này.

Bộ ngoại giao Trung Quốc từ lâu luôn cao giọng, rằng nước này có chủ quyền không thể tranh cãi đối với quần đảo Trường Sa. Bởi vậy việc triển khai phòng thủ là cần thiết, vì nhu cầu an ninh quốc gia, không nhắm vào bất kỳ nước nào. “Những ai không có ý định gây hấn không cần phải lo lắng hay sợ hãi”, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh vẫn giữ lập luận cũ rích.

Đài CNBC nêu rõ, phi đạn hành trình chống hạm YJ-12B cho phép Trung Quốc tấn công tàu trong phạm vi 295 hải lý. Các phi đạn tầm xa, địa đối không HQ-9B có thể nhắm mục tiêu vào các máy bay, máy bay không người lái và phi đạn hành trình trong phạm vi 160 hải lý.

Đủ thấy các căn cứ sắp đi vào hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông là nhằm thách thức sự hiện diện của Mỹ trong khu vực. Bắc Kinh không hề giấu diếm ý đồ của họ, rằng sẽ áp đảo lực lượng quân sự của bất kỳ nước nào có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông.

Trong những năm qua, sự leo thang trong các hành động gây căng thẳng của Trung Quốc ở Biển Đông được xem là sự thách đấu chiến lược đối với Mỹ vì nhiều mục đích. Trung Quốc coi đó là bước đầu tiên tiến tới việc tạo thế “cân bằng chiến lược” giữa họ với Mỹ trên sân khấu toàn cầu.

Mục đích chính trong “sự thách đấu” của Trung Quốc là buộc Mỹ phải chú ý đến một thực tế: sức mạnh quân sự của họ đã được củng cố và nâng lên.

Riêng về hải quân Trung Quốc trong hơn mười năm qua đã leo lên cấp độ mà ở đó sự thống trị của hải quân Mỹ ở Tây Thái Bình Dương có thể bị thách thức. Trung Quốc hoàn toàn có thể gây ra một cuộc xung đột hải quân ở khu vực rộng lớn hơn là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

.Dựa vào đánh giá sai lầm cho rằng Mỹ với các chính sách “tránh nguy cơ” đối với Trung Quốc sẽ chần chừ, ngần ngại trong việc đối đầu với những hành động hung hăng, hiếu chiến của Trung Quốc ở Biển Đông, Bắc Kinh cảm thấy mạnh dạn hơn trong việc thực hiện chính sách “bên miệng hố chiến tranh” trong khu vực.

Bắc Kinh hy vọng, bằng cách ức hiếp, dọa dẫm, Trung Quốc sẽ buộc các nước có tranh chấp ở Biển Đông chấp nhận “đường chín đoạn” phi lý vừa được “vẽ liền nét”, lưỡi bò vừa hóa lưỡi hổ của họ.Thật là lố bịch khi Bắc Kinh có những đòi hỏi phi lí, đòi chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông (!).

Một mục tiêu khác trong sự “thách đấu” của Trung Quốc ở Biển Đông là tìm cách bôi xấu hình ảnh của cường quốc Mỹ trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương. Như vậy Mỹ chả khác nào một người bảo vệ hay một đối tác an ninh không đáng tin cậy không chỉ với hai nước đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc mà còn với các nước có tranh chấp khác.

Trong bối cảnh Trung Quốc liên tục có các hoạt động gây căng thẳng, các nước trong khu vực, nhất là Việt Nam không thể ngồi yên trước những tình huống căng thẳng và sức ép từ phía Trung Quốc!

RELATED ARTICLES

Tin mới