Thursday, April 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMỹ không thua TQ trong chiến tranh thương mại

Mỹ không thua TQ trong chiến tranh thương mại

Đó là nhận định của các tác giả Tori Whiting, chuyên gia kinh tế thương mại và Riley Walters, nhà phân tích chính sách của Tổ chức Di sản, đăng trên Tạp chí Western hôm 6/5.

Theo các tác giả, khi các quan chức Mỹ chuẩn bị đàm phán các thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, điều quan trọng là phải nhận ra một số quan niệm sai lầm về thương mại giữa 2 nước đã lan rộng khi căng thẳng gia tăng.

Một điều chắc chắn là các cuộc đàm phán này là một công việc rất quan trọng, có thể nhận thấy thông qua những người tham dự. Phái đoàn Mỹ bao gồm những người ủng hộ tự do thương mại như: Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Larry Kudlow, cũng như những người theo chủ nghĩa dân tộc về kinh tế như: Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và cố vấn thương mại Peter Navarro.

Phái đoàn đàm phán thương mại của Mỹ. (Ảnh: South China Morning Post)

Phái đoàn đàm phán thương mại của Mỹ. (Ảnh: South China Morning Post)

Các tác giả đã chỉ ra 5 quan niệm sai lầm về thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc:

1. Xuất khẩu hàng hóa của Mỹ sang Trung Quốc ngày càng gia tăng. Bằng cách tập trung vào thâm hụt thương mại, một số quan chức Mỹ thường sử dụng lối nói khoa trương, ám chỉ rằng các công ty Mỹ đang mất quyền tiếp cận thị trường Trung Quốc. Nhưng điều này là không đúng sự thật. Trên thực tế, một báo cáo mới của Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ -Trung cho thấy hàng hóa xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc đã tăng 86% kể từ năm 2008. Xuất khẩu giảm trong năm 2015 và 2016, nhưng trong năm 2017, xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc đạt giá trị cao nhất trong 10 năm.

2. Xuất khẩu dịch vụ của Mỹ ngày càng trở nên quan trọng. Khi tất cả xuất khẩu của Mỹ tiếp tục tăng, các dịch vụ hiện chiếm 1/3 số lượng xuất khẩu này. Từ năm 2008, xuất khẩu dịch vụ sang Trung Quốc đã tăng 350% từ 16 tỷ USD lên 56 tỷ USD. Điều này là tự nhiên đối với bất kỳ nền kinh tế phát triển nào như Mỹ, một nước ngày càng trở thành một nền kinh tế dẫn đầu về dịch vụ. Dịch vụ chiếm khoảng 69% tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ (79% nếu không tính chi tiêu chính phủ từ GDP), so với chỉ 52% ở Trung Quốc.

3. Bắc Kinh đã giảm thuế nhập khẩu. Mặc dù các bước bổ sung vẫn cần thiết để mở cửa thị trường, Trung Quốc trong tháng 12/2017 đã đưa ra một danh sách dài các mức cắt giảm thuế quan đáng kể đối với một loạt hàng tiêu dùng nhập khẩu. Hơn 200 sản phẩm đã có mức giảm thuế trung bình là 10%. Trong khi thuế suất áp dụng trung bình của Trung Quốc chỉ là 5%, thì cần phải có nhiều công việc hơn trong lĩnh vực hàng rào phi thuế quan như các yêu cầu của luật pháp.

4. Bắc Kinh muốn có một đồng tiền ổn định. Theo các tác giả, đồng tiền của mỗi nước có thể mua được bao nhiêu hàng hóa, là một yếu tố quan trọng trong thương mại. Một nước với đồng tiền yếu có nghĩa là những nước khác có thể mua được nhiều hàng hóa hơn, trong khi nếu có đồng tiền mạnh, các nước khác sẽ mua được ít hàng hóa hơn. Bắc Kinh chắc sẽ mong muốn có đồng tiền ổn định trong hệ thống tài chính quốc tế. Một thước đo tỷ giá hối đoái thật sự của Trung Quốc cho thấy rằng đồng tiền của Trung Quốc trong thực tế bị định giá cao hơn khoảng 20%. Đồng thời, đồng đô la Mỹ cũng được định giá cao hơn khoảng 10%. Điều này có nghĩa là hàng hóa xuất khẩu từ cả Mỹ và Trung Quốc thực tế đắt hơn trong hệ thống thương mại toàn cầu. Nhưng người tiêu dùng Mỹ cũng có thể mua thêm hàng nhập khẩu với đồng đô la Mỹ mạnh hơn của họ.

5. Thâm hụt thương mại không phải là thước đo mất của cải. Thâm hụt thương mại là một biện pháp kế toán, chỉ đơn giản là xem xét dòng chảy của hàng hóa và dịch vụ giữa hai nước, mà không bao gồm dòng chảy đầu tư và vốn. Nó không đo mức độ giàu có của người Mỹ. Cũng giống như người tiêu dùng không thể đi ra bên ngoài , và tiêu tiền của họ với GDP bình quân đầu người (khoảng 58.000 USD), thâm hụt thương mại bình quân đầu người cũng không thể lấy ra khỏi tài khoản ngân hàng của mọi người. Của cải của các hộ gia đình hay nói một cách đơn giản việc sở hữu các đồ vật như điện thoại thông minh và đồ gia dụng khác, là những thước đo cho thấy một sự cải thiện trong cuộc sống của người Mỹ, bất kể thâm hụt thương mại.

Các tác giả cho rằng phái đoàn của Mỹ sang Trung Quốc, phải tham gia đàm phán với các mục tiêu thực sự, để giảm rào cản thương mại và đầu tư. Phái đoàn Mỹ cần để lại ‘những lời nói khoa trương’ ở quê nhà.

Những người lao động, doanh nghiệp và gia đình Mỹ sẽ được phục vụ tốt nhất bằng những nỗ lực, cho phép họ mua và bán tự do với Trung Quốc, các tác giả nhận định.

RELATED ARTICLES

Tin mới