Thursday, March 28, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiNếu một lao động Việt Nam kiếm được dưới 5,1 triệu đồng/tháng…

Nếu một lao động Việt Nam kiếm được dưới 5,1 triệu đồng/tháng…

Là một người lao động Việt Nam, nếu bạn đang kiếm được chưa đến 5,06 triệu đồng/tháng, thì bạn đang có năng suất lao động thấp hơn so với mặt bằng chung. Còn nếu ở mức bằng hoặc cao hơn, bạn có thể vẫn có lý do để lo lắng vì năng suất lao động của Việt Nam đang đứng gần mức thấp nhất khu vực.

Trong báo cáo “Năng suất lao động Việt Nam” công bố ngày 8/5, một nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đánh giá năng suất lao động của Việt Nam thuộc hàng thấp nhất trong khu vực, kể cả khi so sánh với Campuchia.  

Báo cáo cho thấy năng suất bình quân của người lao động Việt Nam đạt 38,64 triệu đồng/lao động vào năm 2006, nhưng đến năm 2017 đã tăng lên mức 60,73 triệu đồng/lao động.

Điều đó đồng nghĩa với việc năng suất lao động bình quân của người Việt hiện vào khoảng 5,06 triệu đồng/tháng.

Dù tăng trưởng với tốc độ nhanh trong 5 năm gần đây, nhưng năng suất lao động của người Việt vẫn thuộc hàng thấp so với khu vực.

Cụ thể, năng suất lao động của Việt Nam tăng trưởng bình quân 3,29%/năm trong giai đoạn 2006-2012, nhưng tăng tốc mạnh lên mức 5,3%/năm trong giai đoạn 2012-2017.

Tốc độ tăng trưởng năng suất lao động đạt mức 4,05% năm 2006, nhưng giảm còn 3,06% năm 2012 trước khi đạt mức cao nhất vào năm 2015 là 6,49%.

Theo báo cáo, trong giai đoạn 2008-2016, các lĩnh vực kinh tế có năng suất lao động ở mức cao là các ngành khai khoáng, sản xuất và phân phối điện, khí; hoạt động tài chính ngân hàng và bảo hiểm; hoạt động chuyên môn khoa học và công nghệ; hoạt động kinh doanh bất động sản; cung cấp nước.

Tuy vậy, những ngành quan trọng nhất dẫn dắt nền kinh tế Việt Nam như công nghiệp chế biến chế tạo, xây dựng, vận tải kho bãi lại thực sự có năng suất lao động chưa cao, làm gióng lên hồi chuông cảnh báo về nền sản xuất nội địa.

Thậm chí, ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản vẫn nằm trong số các ngành có mức năng suất lao động thấp nhất nền kinh tế.

Cảnh báo về nền sản xuất Việt Nam: Năng suất lao động gần thấp nhất khu vực

Nông, lâm, thủy sản thuộc ngành có năng suất lao động thấp nhất. (Ảnh: Tạp chí Bảo hiểm)

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng VEPR, đánh giá rằng điều đó đang thể hiện một sự méo mó trong năng suất lao động của Việt Nam, cho thấy cơ cấu kinh tế chưa được chuyển dịch, nguồn lực đầu tư đang được chuyển dịch nhiều vào các ngành, lĩnh vực cũ, có giá trị gia tăng thấp.

Ông cho biết, qua phân tích năng suất lao động của Việt Nam và so sánh với một số quốc gia Đông Bắc Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) và ASEAN (Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia, Campuchia), nhóm nghiên cứu thấy rằng năng suất lao động của 9 nhóm ngành của Việt Nam đều ở mức gần hoặc thấp nhất trong các nước kể trên.

Ông Thành cho rằng năng suất của Việt Nam được cải thiện trong một thập niên gần đây chủ yếu là nhờ sự dịch chuyển cơ cấu, cụ thể là sự dịch chuyển lao động từ nông nghiệp sang các ngành công nghiệp. Trong khi đó, việc tăng năng suất của các nước phát triển chủ yếu đến từ dịch chuyển nội ngành.

Người đứng đầu VEPR cũng cho rằng việc điều chỉnh lương tối thiểu liên tục khiến tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp giảm, và các doanh nghiệp tư nhân có khuynh hướng cắt giảm lao động chính thức để đối phó. Hệ quả là năng suất lao động tại nhiều doanh nghiệp có nguy cơ không được cải thiện.

Một vấn đề cản trở khả năng lan tỏa năng suất lao động cũng được VERP chỉ ra là sự thiếu minh bạch và thiếu chia sẻ thông tin trên thị trường.

VEPR cho rằng, về dài hạn, cải thiện năng suất nền kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm của mọi chính sách cải cách. Nhưng để tăng năng suất lao động, Việt Nam cần tiếp thúc đẩy tăng trưởng năng suất các nhân tố tổng hợp, có chính sách đào tạo và nâng cao tri thức, kỹ năng cho người lao động.

Ngoài ra, Việt Nam cần chú trọng vào đổi mới, sáng tạo về cải tiến kỹ thuật trong sản xuất, áp dụng công nghệ, đầu tư thêm vào việc nghiên cứu cải tiến công nghệ và mua các công nghệ từ nước ngoài trong trường hợp cần thiết.

“Nếu không muốn các nước láng giềng như Campuchia vượt qua về năng suất lao động nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung, Việt Nam cần có những cải cách mạnh mẽ hơn để cải thiện năng suất lao động của các ngành kinh tế”, báo cáo của VEPR nhấn mạnh.

RELATED ARTICLES

Tin mới