Friday, March 29, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiMỹ tung 'bột giặt' khắp Trung Đông?

Mỹ tung ‘bột giặt’ khắp Trung Đông?

Cáo buộc Iran không trung thực, tiếp tục bí mật phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa, Mỹ đang lặp lại kịch bản tấn công Iraq cách đây 15 năm?

Ký ức Iraq

Hãng tin Reuters vừa có bài phân tích về chính sách của Mỹ đối với Iran, trong đó so sánh sự tương đồng với thời cựu Tổng thống Bush khi nước Mỹ xâm lược Iraq.

Theo Reuters, 15 năm sau khi Mỹ xâm lược Iraq với lý do quốc gia này sở hữu vũ khí hủy diệt hàng loạt và có quan hệ với al-Qaeda, các cáo buộc đã được minh chứng là không hề có thật, Mỹ một lần nữa chĩa mũi tấn công vào một cường quốc Trung Đông khác với lý do nước này phát triển vũ khí hạt nhân và hậu thuẫn khủng bố.

Chính sách của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Iran dường như khá “quen thuộc” với một số quan chức Mỹ đương nhiệm và về hưu, những người đã chứng kiến giai đoạn dẫn tới cuộc xâm lược Iraq hồi tháng 3/2003, nơi vẫn tồn tại các nhóm giáo phái sắc tộc và khoảng 5.000 binh sĩ Mỹ.

Hơn 4.400 binh sĩ Mỹ và hàng trăm nghìn người Iraq đã bỏ mạng trong cuộc xung đột, cái mà nhiều nhà phân tích gọi là một trong những thất bại chính sách đối ngoại lớn của Mỹ thời hiện đại.

Reuters dẫn lời nhà phân tích tình báo người Mỹ Paul Pillar cho rằng: “Hiện có nhiều điểm tương đồng kỳ lạ đáng lo ngại trong việc sử dụng sai mục đích các tin tức tình báo ở thời điểm đó và hiện nay. Vấn đề cơ bản đang diễn ra đó là việc sử dụng tin tức tình báo theo kiểu chọn lọc và chỉ để phục vụ cho mục đích riêng nào đó”.

Ngày 9/5, Tổng thống Donald Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran vốn hạn chế chương trình hạt nhân của Iran để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế áp đặt lên Tehran.

Tổng thống Mỹ cáo buộc rằng thỏa thuận Iran không giải quyết được chương trình tên lửa đạn đạo của Iran, các hoạt động hạt nhân của nước này sau năm 2025 hay vai trò của họ trong các cuộc xung đột tại Yemen và Syria.

Ông Trump không đề cập đến các đánh giá của cộng đồng tình báo Mỹ và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) vốn cử các thanh sát viên tới Iran, rằng Tehran vẫn đang tuân thủ thỏa thuận năm 2015.

My tung 'bot giat' khap Trung Dong?
Thủ tướng Israel thuyết trình hôm 30/4 nhằm chứng minh chương trình hạt nhân và tên lửa bí mật của Iran

Thay vào đó, ông Trump viện dẫn một loạt tài liệu của Iran được Israel công bố hôm 30/4 để khẳng định rằng các nhà lãnh đạo Iran đã nói dối khi họ phủ nhận việc theo đuổi dự án vũ khí hạt nhân. Iran đã gọi các cáo buộc của Israel là “trẻ con và nực cười”.

Theo Reuters, thực tế trên khiến người ta liên tưởng đến Iraq khi bị Mỹ xâm lược năm 2003.

Ngay sau vụ tấn công khủng bố nhằm vào nước Mỹ ngày 11/9/2001, Tổng thống Mỹ khi đó là George W. Bush và các cố vấn cấp cao đã đề cập đến khả năng xâm lược Iraq với việc viện dẫn các tin tức tình báo rằng Tổng thống Iraq Saddam Hussein có quan hệ với al-Qaeda và đang bí mật phát triển các vũ khí hạt nhân, hóa học và sinh học.

Cả hai cáo buộc này đã được chứng minh là sai. Tổng thống Bush và các cố vấn khi đó đã phóng đại tin tức tình báo sẵn có, dựa vào các cáo buộc không rõ ràng của những người Iraq sống lưu vong và phớt lờ các thông tin đối chứng.

Cuộc chiến Syria hiện cũng là một ví dụ sống động khiến người ta liên tưởng tới chính sách của Mỹ đối với Iraq. Trong những năm qua, Mỹ liên tiếp sử dụng cái cớ đã xảy ra tấn công vũ khí hóa học để phóng tên lửa và ném bom xuống một quốc gia có chủ quyền như Syria.

Mới đây nhất là vụ tấn công của Mỹ cùng các đồng minh Anh và Pháp xuống Syria hôm 14/4. Trong vụ này, phương Tây cáo buộc quân chính phủ Syria đã sử dụng vũ khí hóa học tấn công dân thường tại Douma ở Đông Ghouta, nơi các lực lượng nổi dậy do phương Tây hậu thuẫn đang có nguy cơ thất bại hoàn toàn.

Cho đến nay, dư luận ra biết rõ những đoạn phim quay cảnh trẻ em bị ảnh hưởng chất độc thần kinh ở Douma chỉ là hình ảnh dàn dựng do tổ chức “Mũ bảo hiểm trắng”, vốn nhận tiền từ phương Tây, thực hiện.

Không xâm lược Iran?

Hiện nay, giới chức Mỹ cũng như các nhà phân tích tại Washington và Trung Đông cho rằng có nhiều khác biệt lớn giữa chính sách Iraq thời Tổng thống Bush với cách tiếp cận vấn đề Iran của ông Trump.

Động thái rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran đã kích động căng thẳng khu vực và làm gia tăng rạn nứt với các đồng minh của Mỹ ở châu Âu nhưng việc xâm lược Iran là điều không được dự đoán.

Cáo buộc Iran không trung thực, tiếp tục bí mật phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa, Mỹ đang lặp lại kịch bản tấn công Iraq cách đây 15 năm?

My tung
Mỹ sẽ không tấn công Iran?

Một nhà phân tích được cho là có liên hệ với phong trào Hezbollah, ông Faysal Abdul Sater được Reuters dẫn lời nói:

“Câu hỏi ở đây là liệu có phải chúng ta đang đối mặt với kịch bản tương tự đã diễn ra tại Iraq liên quan đến vũ khí hủy diệt hàng loạt hay không, và liệu khu vực có bị kéo vào cuộc chiến hay không?”.

Theo ông, tình hình hiện nay rất khác biệt, cho dù mức độ thù địch đã gia tăng giữa một bên là Israel và các nước vùng Vịnh, với một bên là Iran. Ông nói: “Về cuộc tấn công trực tiếp vào Iran, đây là điều khó có thể xảy ra bởi nó sẽ dẫn tới cuộc chiến toàn diện mà không một bên nào có thể chịu nổi”.

Lật lại cuộc xâm lược Iran năm 2003, có ý kiến cho rằng cuộc chiến tại Iraq một phần là xuất phát từ quan điểm đánh giá các lệnh trừng phạt kinh tế được áp đặt sau khi Iraq xâm lược Kuwait năm 1990 đang nhanh chóng mất đi tính hiệu quả. Tổng thống Trump dường như ủng hộ các biện pháp gây sức ép kinh tế mạnh mẽ hơn với Iran, chứ không phải hành động quân sự.

Tuy nhiên, Reuters dẫn lời giới chức cấp cao Mỹ cho rằng dù công cụ thực thi khác biệt nhưng mục tiêu cuối cùng của Tổng thống Trump tại Iran tương tự với mục tiêu của chính quyền Bush tại Iraq: thay thế chính phủ chống Mỹ bằng một chính phủ hữu hảo hơn.

My tung
Tàu USS Monterey của Mỹ phóng tên lửa Tomahawk vào mục tiêu Syria hôm 14/4

Theo giới chức Mỹ hiện nay, nếu như chính quyền Bush quá “ảo tưởng” khi cho rằng một Iraq “biết ơn” sẽ chào đón các binh sĩ Mỹ xâm lược nước này bằng cờ hoa, thì cũng thật “ngây thơ” khi cho rằng “nền dân chủ sẽ bén rễ tại Iran” nếu nước Cộng hòa Hồi giáo sụp đổ.

Trong những ngày gần đây, cả Tổng thống Trump và Cố vấn An ninh Quốc gia theo quan điểm diều hâu John Bolton đều không công khai kêu gọi lật đổ ban lãnh đạo của Iran.

Reuters dẫn nguồn tin từ “2 quan chức đương nhiệm và 1 cựu quan chức Mỹ” cho biết các cơ quan tình báo của Mỹ không bị gây sức ép để cung cấp bằng chứng nhằm hỗ trợ cho chính sách của Nhà Trắng, mà thay vào đó họ đang bị phớt lờ.

Cựu Tướng Michael Hayden, cựu Giám đốc CIA và Cơ quan An ninh Quốc gia, cho rằng việc Tổng thống Trump không nhắc tới các đánh giá tình báo của Mỹ trong tuyên bố về rút khỏi thỏa thuận Iran là điều “đáng chú ý”.

Theo ông Hayden, chính quyền của Tổng thống Trump không trông chờ vào giới tình báo để cung cấp lý lẽ biện minh bởi nhà lãnh đạo này không cần cũng như không muốn lý lẽ biện minh.

RELATED ARTICLES

Tin mới