Friday, March 29, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 15/05/2018

Bản tin Biển Đông ngày 15/05/2018

Bản tin Biển Đông ngày 15/05/2018.

Hội Luật quốc tế Trung Quốc công bố tài liệu nghiên cứu phản bác Phán quyết của Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc ngày 12/7/2016

Ngày 15/5, tờ Thời báo Hoàn cầu cho biết, ngày 14/5, Hội Luật Quốc tế Trung Quốc (CSIL) đã công bố một nghiên cứu mới có tên “Phán quyết Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông: một nghiên cứu phản biện” nhằm phản bác Phán quyết của Toà Trọng tài vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc được đưa ra ngày 12/7/2016 trên tạp chí Ngôn ngữ quốc tế và Tạp chí Luật quốc tế của Trung Quốc. Nghiên cứu này có những nội dung xuyên tạc, công kích gay gắt việc Chính quyền cựu Tổng thống Philippines Aquino III đã “đơn phương khởi xướng vụ kiện Biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc vào tháng 1/2013”, khẳng định lập trường của Chính phủ Trung Quốc là “không chấp nhận, không tham gia và phản đối Phán quyết của Toà Trọng tài đã được đưa ra ngày 12/7/2016”, khăng khăng rằng Toà không có thẩm quyền giải quyết đơn kiện, đồng thời chỉ trích một cách gay gắt rằng Phán quyết không có cơ sở cả về luật pháp lẫn bằng chứng.

Đài Loan và yêu sách đường chín đoạn

Ngày 14/5, trang The News Lens đăng bài viết “Đài Loan và đường chín đoạn” của Chen Hurng-Yu, Giáo sư Đại học Chengchi và Đại học Tamkang, Đài Loan. Tác giả bài viết cho hay, kể từ khi được chính thức công bố vào năm 2009, “đường chín đoạn” của Trung Quốc đã trở thành mục tiêu công kích của cộng đồng quốc tế, với việc nhiều học giả quốc tế đã đặt ra không ít những câu hỏi về cơ sở pháp lý và hoạt động của Bắc Kinh trong phạm vi khu vực này, bao gồm việc ngăn cản các quốc gia khác khai thác tài nguyên dầu khí và áp đặt lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm ở các vùng biển của Biển Đông kể từ năm 1999. Ông Chen cho biết, do không thể đồng tình với cách làm của Trung Quốc, Chính phủ nhiều nước và các học giả nước ngoài đã yêu cầu Đài Loan giải thích về ý nghĩa ban đầu đằng sau yêu sách “Đường chữ U” (lần đầu tiên được Cộng hòa Trung Hoa công bố vào năm 1947). Tuy nhiên, ông cũng khẳng định rằng, do tính chất quốc tế và sự nhạy cảm về mặt chính trị của vấn đề này, Đài Loan “lựa chọn giữ im lặng về cách giải thích của mình về đường chữ U” bởi sự thất vọng của Đài Loan khi bị loại trừ khỏi hầu hết các diễn đàn về quản lý Biển Đông, chẳng hạn như không được tham gia cùng Trung Quốc và ASEAN để thực hiện Tuyên bố năm 2002 về Ứng xử của các Bên ở Biển Đông cũng như cuộc đàm phán về Quy tắc ứng xử của Trung Quốc-ASEAN. Tác giả cho rằng việc yêu cầu Đài Loan chấp nhận những rủi ro chính trị khi phải đưa ra lập trường về “đường chữ U” mà không được tham gia vào bất kỳ cơ chế nào để quản lý tranh chấp không công bằng.

Mặt khác, ông Chen nhận định, mục đích ban đầu đằng sau yêu sách của Trung Quốc khi nó được đưa ra vào năm 1947 dường như được xem là một đường phân định các đảo, trong đó Chính phủ Cộng hòa Trung Hoa tuyên bố chủ quyền trên tất cả các đảo. Do đó, dù “đường chữ U” bị dư luận quốc tế chỉ trích song nếu đường này chỉ đề cập đến “các hòn đảo” bên trong nó, thì đường này không trái với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Nhưng ông Chen khẳng định, dù Trung Quốc luôn nỗ lực “bảo vệ” cho yêu sách “Đường chữ U”, yêu sách này đã gây ra quan ngại thực sự trong khu vực, đặc biệt kể từ năm 2009.

Bên cạnh đó, ông cũng khẳng định, Luật về Lãnh hải và Vùng tiếp giáp của Đài Loan được thông qua vào năm 1998 là hoàn toàn phù hợp với các quy định của UNCLOS, mặc dù Đài Loan không phải là thành viên của Công ước. Ông cho biết, vào đầu những năm 1990, chính phủ Đài Loan đã tổ chức soạn thảo một Luật mới về Lãnh hải và Vùng tiếp giáp. Vào thời điểm đó, một số học giả Đài Loan lập luận rằng Đài Loan nên yêu sách các vùng biển nằm trong “đường chữ U” là các vùng nước lịch sử. Tuy nhiên, Đài Loan không chấp nhận khái niệm mở rộng như vậy của “đường chữ U” vì nó không phù hợp với định nghĩa của UNCLOS về các vùng nước lịch sử. Kể từ thời điểm đó, Đài Loan không đưa ra bất cứ yêu sách về quyền lịch sử nào đối với các vùng biển trong phạm vi đường chữ U và chính sách cơ bản đó đã nhất quán trong cả chính quyền Đảng Dân chủ Tiến bộ và Đảng Kuomintang.

RELATED ARTICLES

Tin mới