Tuesday, April 23, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hội5 tỷ USD ngân sách chi sai: Có phần thuế môi trường?

5 tỷ USD ngân sách chi sai: Có phần thuế môi trường?

Trong tổng số 5 tỷ USD ngân sách chi sai mỗi năm liệu có khoản thuế môi trường từ xăng dầu?

Chuyên gia kinh tế, TS Bùi Quang Tín cho rằng, việc đồng loạt cả 6 bộ cùng lên tiếng cảnh báo Bộ Tài chính tăng thuế môi trường với xăng dầu là một hiện tượng hiếm thấy nhưng phù hợp cho một đề xuất không hợp lý.

Ông khẳng định, việc tăng thuế môi trường với xăng lên mức kịch khung là 4.000 đồng còn dầu là 2.000 đồng thì không chỉ 6 Bộ phản ứng mà tất cả người dân và các doanh nghiệp trên cả nước đều phản đối đề xuất này.  TS Bùi Quang Tín phân tích, sự bất hợp lý thể hiện từ nhiều góc độ.

Thứ nhất, vị TS cho rằng, Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường lên mức kịch khung nhưng lại bị mắc kẹt bởi nhiều vấn đề khác trong thu ngân sách, chưa giải quyết được.

Cụ thể, cơ quan này vẫn để xảy ra tình trạng thất thu thuế, thu thuế không đúng, không đủ, khiến ngân sách bị thất thoát nhiều tỷ đồng mỗi năm.

Báo cáo của Tổng cục Thuế cho thấy, tính đến ngày 25/12/2017, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện 97.233 cuộc thanh tra, kiểm tra và thu về cho ngân sách tới hơn 14.300 tỷ đồng.

Chỉ một tỷ lệ nhỏ doanh nghiệp được thanh tra, kiểm tra mà con số thu về đã lên tới hàng chục nghìn tỷ. Nếu phần lớn trong tổng số 500.000 doanh nghiệp được tiến hành thanh tra, kiểm tra thì không biết con số thất thu thuế nhà nước sẽ là bao nhiêu?!

TS Bùi Quang Tín cho rằng, nếu Bộ Tài chính giải quyết được vấn đề này thì sẽ khắc phục được một phần  rất lớn cho nguồn thiếu hụt của ngân sách hiện nay.

Thứ hai, vị TS muốn làm rõ sự liên quan giữa những con số 5 tỷ USD ngân sách bị thất thu mỗi năm vừa được Thanh tra Chính phủ công bố có liên quan gì tới thuế môi trường xăng dầu hay không?

“Tôi nghi ngờ, trong số 5 tỷ USD ngân sách bị chi sai mỗi năm có liên quan tới việc sử dụng thuế bảo vệ môi trường từ xăng dầu. Vì vậy, việc công khai, minh bạch trong sử dụng tiền thuế của dân là rất cần thiết”, ông Tín nói.

Thứ ba, theo TS Bùi Quang Tín, không nên hiểu lầm việc người dân phản ứng tăng thuế xăng dầu theo chiều hướng tiêu cực. Người dân sẽ hoàn toàn ủng hộ Chính phủ, bộ ngành nếu biết lý do tăng thuế môi trường đối với xăng dầu là gì?

Vì trên thực tế, chúng ta đang có khoảng 150.000 tỉ đồng thuế bảo vệ môi trường thu được trong 6 năm qua, và khoảng 55.000 tỉ đồng dự kiến sẽ thu được nếu áp dụng mức thuế mới theo Bộ Tài chính, thì bao nhiêu sẽ chi cho bảo vệ môi trường?

“Hoàn toàn không có một thông tin nào từ phía các cơ quan quản lý nhà nước về việc này. Tôi nghĩ rằng, hơn bao giờ hết, các cơ quan quản lý cũng cần phải công khai cho người dân biết, cụ thể có bao nhiêu phần trăm ngân sách, bao nhiêu trong tổng số tiền thuế thu được từ xăng dầu được dành cho bảo vệ môi trường thực chất?”, TS Bùi Quang Tín đề nghị.

Vấn đề thứ tư, TS Bùi Quang Tín đánh giá là việc tăng thuế môi trường với xăng dầu sẽ gây ra những tác động rất lớn nền kinh tế, sản xuất.

TS Tín cho biết, theo đánh giá của Bộ Tài chính, việc điều chỉnh tăng thuế môi trường với xăng dầu lên mức kịch khung sẽ tác động đến chỉ số giá tiêu dùng của năm 2018 khoảng 0,11 – 0,15%.

Tuy nhiên, chỉ số đánh giá trên mới dựa trên cơ sở lý thuyết, còn trên thực tế, chỉ cần một sản phẩm tăng giá, một ngành sản xuất bị tăng thuế lập tức sẽ gây ra sự tác động domino tới toàn bộ các sản phẩm, các ngành nghề khác. Đến khi đó, việc tác động đến chỉ số giá tiêu dùng không chỉ dừng lại ở mức 0,15% như dự báo nữa mà nó sẽ tăng lên rất nhiều.

Từ tất cả những phân tích trên, TS Bùi Quang Tín nhận định, việc phản ứng của 6 Bộ bước đầu cho thấy đề xuất của Bộ Tài chính là không phù hợp.

Theo TS Tín, trong hoàn cảnh hiện nay, Bộ Tài chính nếu muốn nhận được sự đồng thuận của dư luận và người dân trong việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu thì trước hết phải thực hiện được nghiêm ngặt kỷ luật, kỷ cương tài khóa.

Ngoài việc phải thực hiện cơ chế tiết kiệm, siết chặt thu – chi, chi đúng, chi đủ thì Bộ Tài chính cũng nên cân nhắc, tiếp thu ý kiến góp ý của công luận. Đặc biệt là những phân tích, nhận định của cá 6 Bộ ngành đã nêu.

RELATED ARTICLES

Tin mới