Friday, March 29, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiCuộc gặp kín năm 2013 và "hình mẫu" phi hạt nhân hóa...

Cuộc gặp kín năm 2013 và “hình mẫu” phi hạt nhân hóa mà Triều Tiên ấp ủ nhưng bị Mỹ gạt bỏ

Từng được đưa ra trong các cuộc gặp kín Mỹ – Triều năm 2013, kế hoạch phi hạt nhân hóa của Triều Tiên khác xa với “hình mẫu Libya”.

Ảnh: Reuters

Chính xác thì người Triều Tiên có ý gì khi nói họ sẵn sàng phi hạt nhân hóa? Và chính xác thì họ sẽ làm như thế nào? Đó là những bí ẩn trọng tâm trong cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều dự kiến sẽ diễn ra ngày 12/6 tới.

Trong thông cáo của Thứ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Kim Kye Gwan, Bình Nhưỡng bác bỏ “hình mẫu Libya” mà cố vấn Mỹ John Bolton đề cập tới. Washington sau đó đã nhanh chóng phủ nhận hình mẫu này.

Cho tới nay, vẫn chưa rõ Mỹ định làm thế nào để đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa. Nhưng với một nhóm các cựu quan chức Mỹ, những người từng gặp gỡ giới chức Triều Tiên trong thập kỷ qua, có vẻ Triều Tiên không hề giấu giếm kế hoạch của mình.

Loạt cuộc gặp với quan chức Triều Tiên hồi 2013 mà tôi có dịp tham gia cùng các cựu quan chức Mỹ nắm giữ những manh mối giá trị và cho thấy người Triều Tiên đã suy nghĩ rất nhiều về vấn đề phi hạt nhân hóa. Họ gần như có một kế hoạch hành động rất rõ ràng.

Bối cảnh của những cuộc gặp năm 2013

Xảy ra từ 5 năm trước nhưng những cuộc gặp ấy được tổ chức ở những giai đoạn rất sơ khởi của chiến lược hạt nhân mà ông Kim Jong-un tiến hành. Lúc đó, ông Kim đề cao chính sách Byungjin (chính sách phát triển đồng thời), nhấn mạnh rằng Triều Tiên định phát triển vũ khí hạt nhân để làm lá chắn, tạo điều kiện cho đất nước hiện đại hóa nền kinh tế.

Giới chức Triều Tiên đã giải thích trong những cuộc gặp là: Ông Kim đã ban hành chính sách mới sau khi kết luận rằng đất nước ông cần thêm vũ khí hạt nhân để cản trở Mỹ.

Triều Tiên không chỉ lo ngại về tình hình căng thẳng leo thang vào cuối 2012, đầu 2013, hay các chuyến bay của máy bay ném bom Mỹ qua Bán đảo Triều Tiên. Nước này còn cảm thấy Washington và Seoul cho rằng họ có thể “bắt nạt” Triều Tiên trong giai đoạn chuyển giao quyền lực sau khi ông Kim Jong-il qua đời vào tháng 12/2011.

Một quan chức Triều Tiên mà tôi từng trò chuyện khi đó nói rằng: “Hạt nhân” tương đương với “sự sống còn”. Nhưng những quan chức khác cho là chuyện đó chỉ xảy ra dưới “tình hình hiện tại” và hướng đi của họ có thể thay đổi nếu quan hệ Mỹ – Triều được cải thiện.

Đó có thể là lý do vì sao tháng 6/2013, Ủy ban Quân sự Quốc gia Triều Tiên ra một tuyên bố quan trọng cho hay, nước này cởi mở trước các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa.

Trong các cuộc gặp mà tôi tham dự, giới chức Triều Tiên nhấn mạnh rằng tuyên bố này do chính ông Kim Jong-un đưa ra và nó phản ánh cam kết của ông trong việc cải thiện quan hệ với Mỹ. Phía Triều Tiên nhấn mạnh nhiều lần rằng phi hạt nhân hóa có thể là chương trình nghị sự trong cuộc gặp song phương với Mỹ hoặc thậm chí là đàm phán đa phương.

Quan điểm này thể hiện một sự linh động – dường như đề nghị phi hạt nhân hóa không phải là mánh khóe để tách Mỹ khỏi các đồng minh bằng cách đưa một mình họ vào phòng đàm phán, mà còn thể hiện mối quan tâm của Triều Tiên.

Bình Nhưỡng chỉ có 1 yêu cầu: Mỹ không được đặt ra điều kiện tiên quyết cho cuộc đàm phán. Bình Nhưỡng cũng nói rằng họ sẵn sàng thực hiện các điều kiện đó một khi đàm phán được nối lại.

Tuy nhiên, đề xuất của Triều Tiên vẫn “khó nuốt” với chính phủ Mỹ. Chính quyền ông Obama vẫn còn bất mãn vì thỏa thuận 2/2012 sụp đổ. Trong suốt năm 2012, chính quyền Mỹ, với sự trợ giúp của Trung Quốc, đã cố gắng khôi phục đàm phán nhưng chỉ khi Triều Tiên đáp ứng các điều kiện tiên quyết và thể hiện điều mà Mỹ cho là thái độ “chân thành” về phi hạt nhân hóa.

Vì Bình Nhưỡng không làm được điều đó nên nỗ lực ngoại giao của Trung Quốc cũng thất bại. Và quan điểm của Bình Nhưỡng không bao giờ được xem xét một cách toàn diện. Thực ra, trong các cuộc gặp riêng, giới chức Triều Tiên đã trình bày một kế hoạch rõ ràng về vấn đề phi hạt nhân hóa.

Kế hoạch của Triều Tiên

Không có gì đáng ngạc nhiên khi đối với Triều Tiên, chìa khóa để phi hạt nhân hóa là Mỹ phải chấm dứt “chính sách thù địch” của mình. Đó là chấm dứt đối đầu về chính trị, an ninh và kinh tế để đổi lấy việc loại trừ kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Phần về “chính trị” nghĩa là Mỹ phải công nhận Triều Tiên như một quốc gia có chủ quyền bằng cách thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. (Triều Tiên xem việc Mỹ không công nhận chủ quyền là dấu hiệu cho thấy Mỹ có ý định lật đổ chế độ).

Phần về “an ninh” có liên quan tới việc chấm dứt tình trạng chiến tranh vốn tồn tại trên Bán đảo Triều Tiên từ những năm 1950 bằng cách thay thế hiệp định đình chiến tạm thời bằng một hiệp ước hòa bình vĩnh viễn.

Cuối cùng, phần về “kinh tế” bao gồm dỡ bỏ cấm vận thương mại áp đặt lên Triều Tiên trong nhiều thập kỷ qua.

Bình Nhưỡng coi tất cả những yếu tố này gắn với một phương án chia làm nhiều giai đoạn. Ở mỗi giai đoạn, hai bên sẽ có những bước đi đồng thời để dẫn tới kết quả cuối cùng: Chấm dứt thù địch và phi hạt nhân hóa.

Triều Tiên đã hình dung ra một tiến trình 3 giai đoạn cho phần việc của mình. Đó là đóng băng chương trình hạt nhân, đóng cửa các cơ sở chủ chốt và cuối cùng là loại bỏ không chỉ các cơ sở này mà còn là toàn bộ số vũ khí hạt nhân của mình.

Kế hoạch của Triều Tiên rất có triển vọng nhưng lại có một số vấn đề.

Thứ nhất, để khởi động tiến trình này, Triều Tiên muốn Mỹ phải tuyên bố rõ ràng về những gì mà mình sẵn lòng làm trong mỗi giai đoạn phi hạt nhân hóa để thể hiện ý định chấm dứt “chính sách thù địch” của mình. Đổi lại, Triều Tiên sẽ bắt đầu đóng băng chương trình hạt nhân.

Thứ hai, mặc dù cam kết đóng băng chương trình hạt nhân của Triều Tiên rất hấp dẫn nhưng việc này sẽ đòi hỏi nhiều biện pháp quy mô lớn để xác minh chắc chắn Triều Tiên không che giấu bất cứ cơ sở nào nhằm sản xuất bom mới.

Khi đoàn Mỹ đưa ra khúc mắc về công tác xác minh, Triều Tiên cũng thừa nhận đó là một vấn đề lớn và nói rằng: “Chúng ta sẽ cần một phương án sáng tạo. Chỉ nói rằng đây là vấn đề thì có ích gì đâu”.

Trong các cuộc gặp năm 2013, giới chức Triều Tiên cũng kiên quyết cho rằng phi hạt nhân hóa có nghĩa là Mỹ phải chấm dứt bảo vệ hạt nhân cho Seoul và rút quân Mỹ khỏi bán đảo một khi hiệp ước hòa bình được ký kết. Nhưng yêu cầu này là không thể chấp nhận được với cả Mỹ và Hàn Quốc.

Đúng là kế hoạch phi hạt nhân hóa này đã là của 5 năm trước và năng lực hạt nhân của Triều Tiên đã tiến triển đáng kể trong thời gian này. Tuy nhiên, đây vẫn là bức tranh rõ ràng nhất mà chúng ta có ở thời điểm hiện tại và nó khác xa với “hình mẫu Libya” – vốn yêu cầu nước sở tại từ bỏ chương trình hạt nhân trước và rồi nhận lấy thành quả sau.

RELATED ARTICLES

Tin mới