Thursday, March 28, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiSyria: "Khi Nga - Mỹ nã đạn vào nhau, TQ lặng lẽ...

Syria: “Khi Nga – Mỹ nã đạn vào nhau, TQ lặng lẽ đến chiếm các hợp đồng tái thiết béo bở”

Trung Quốc đang tăng cường can thiệp vào Syria, nhưng không phải bằng quân sự mà bằng tiền – rất nhiều tiền.

“Xếp hàng” để tái thiết Syria

Đối với Bắc Kinh, một Syria bị chiến tranh tàn phá là cơ hội vàng để làm ăn. Đối với Damascus, thịnh vượng đồng nghĩa với hòa bình.

Ông Qin Yong, phó chủ tịch Hiệp hội Giao lưu Trung Quốc – Ả rập cho hay, ông nhận thấy mối quan tâm ngày càng gia tăng từ phía các công ty Trung Quốc. “Ngày nào chúng tôi cũng nhận được các cuộc gọi”, ông Qin nói, “Họ thấy tiềm năng kinh doanh lớn ở đó, bởi cả đất nước đều cần được xây dựng lại”.

Theo ông Qin, sự nhiệt tình cũng được thể hiện bên phía Syria: “Họ giống như kiểu, đừng để mai mới đến, hãy đến ngay tối nay”.

Gần đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lên tiếng ủng hộ các tiến trình hòa bình do Nga làm trung gian ở Sochi và Astana. Khi Tổng thống Nga Vladimir Putin kêu gọi chuyển đổi nhanh chóng sang nỗ lực ngoại giao để bình ổn Syria và Trung Đông, Bắc Kinh có vẻ đã hồi đáp với những kế hoạch tái thiết đầy tham vọng.

Theo RT, các công ty từ Trung Quốc đang “xếp hàng” để giành lấy những hợp đồng tái xây dựng toàn bộ các thị trấn, làng mạc, cầu đường, trường học, bệnh viện và các mạng lưới thông tin bị phá hủy sau gần 7 năm chiến tranh.

Vì sao lại là Trung Quốc?

Nga và Iran đóng vai trò quan trọng giúp lực lượng của ông Assad chiến thắng trong cuộc chiến quân sự. Nhưng Trung Quốc có thể sẽ có vai trò quan trọng để có được chiến thắng trong hòa bình.

“Các cường quốc phương Tây không sẵn lòng giúp Syria xây dựng lại sau cuộc nội chiến”, Bloomberg nhận định, “Bởi họ nghĩ phe thắng trận là phe sai trái”.

Dường như Mỹ và EU đang giữ tiền để làm đòn bẩy nhằm gây sức ép cho quá trình “chuyển giao chính trị” ở Syria – hay còn gọi là “thay đổi chế độ”. Phương Tây đã ủng hộ phe nổi dậy suốt 7 năm để lật đổ ông Assad nhưng lại không thành công.

Về phần mình, ông Assad cũng không chào đón sự hỗ trợ từ phương Tây và đồng minh, gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ, nước có ngành công nghiệp xây dựng phát triển khắp khu vực. Tổng thống Syria từng tuyên bố, những nước từng ủng hộ phe đối lập sẽ không có phần trong quá trình tái thiết, kể cả khi họ muốn.

Ông Assad đang tìm kiếm triển vọng tương lai từ phía Đông.

Đại sứ Nga tại Syria Alexander Lavrentiev, từng nói, phương Tây không nhất thiết phải can dự vào việc tái thiết Syria bởi đã có những nguồn đầu tư vốn khác, trước hết là Trung Quốc.

Liên Hợp Quốc ước tính, thiệt hại về hạ tầng của Syria sau chiến tranh lên tới ít nhất 250 tỉ USD. Trung Quốc có thể là một đối tác lý tưởng cho công tác tái xây dựng Syria.

Tầm nhìn của Trung Quốc

Sự can thiệp của Trung Quốc vào Syria hoàn toàn phù hợp với tầm nhìn toàn cầu của dự án Vành đai – Con đường mà nước này đưa ra.

Về mặt lịch sử, Syria là một mốc quan trọng trên Con đường Tơ lụa trải dài từ Trung Quốc qua châu Á tới châu Âu và châu Phi. Vị trí của Syria ngày nay cũng không kém phần quan trọng.

Bắc Kinh nhận thức được rằng để thiết lập được tầm nhìn Vành đai – Con đường thì cần có an ninh và ổn định.

Mới đây, Trung Quốc đã đón tiếp các quan chức an ninh từ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải ở Bắc Kinh. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng như quan chức an ninh hàng đầu của Nga Nikolai Patrushev đã nhấn mạnh sự cần thiết của an ninh, hợp tác cho sự phát triển kinh tế ở khu vực Á – Âu và hơn thế nữa.

Đó là lý do vì sao Trung Quốc xem Syria là ưu tiên. Nếu không có được an ninh và ổn định ở Syria thì phần lớn kế hoạch khôi phục Con đường Tơ lụa của Trung Quốc sẽ lâm nguy.

RELATED ARTICLES

Tin mới