Tuesday, April 23, 2024
Trang chủBiển nóngHai tàu chiến Mỹ tuần tra sát quần đảo Hoàng Sa

Hai tàu chiến Mỹ tuần tra sát quần đảo Hoàng Sa

Chiến hạm Mỹ đến gần các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam) sau khi có bằng chứng Trung Quốc triển khai chiến đấu cơ, tên lửa ở đó.

Ngày 17/5, Reuters dẫn lời hai quan chức Mỹ xác nhận tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Higgins và tàu tuần dương USS Antietam đã áp sát khu vực 12 hải lý của các thực thể ở quần đảo Hoàng Sa để thực hiện quyền tự do hàng hải.

Một trong hai quan chức cho hay tàu Mỹ đã thực hiện nhiệm vụ tuần tra ở khu vực gần đảo Cây, đảo Linh Côn, đảo Tri Tôn và đảo Phú Lâm.

Các thực thể này thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng bị Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi pháp.

Sự hiện diện của tàu chiến Mỹ ngày 27/5 được cho là tín hiệu cảnh báo của Mỹ đối với hành động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông.

Động thái trên diễn ra sau hơn 1 tuần Trung Quốc triển khai nhiều chiến đấu cơ, bao gồm oanh tạc cơ H-3K, trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa bất chấp lời cảnh báo của Mỹ. Vào tháng trước, Washington tuyên bố mọi hành động quân sự hóa biển Đông đều phải đối mặt với “hậu quả”.

Phản ứng với sự hiện diện của hai tàu chiến Mỹ tại Biểu Đông, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho hay, các tàu chiến và máy bay của nước này đã phát lời cảnh báo đối với 2 tàu chiến Mỹ khi tiến lại gần quần đảo Hoàng Sa mà “không được phép”.

Thậm chí, Bộ Quốc phòng Trung Quốc còn nhấn mạnh, sự xuất hiện của 2 tàu chiến Mỹ là “hành động khiêu khích” và xâm phạm chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Thời gian qua, giới chức Mỹ đã có nhiều động thái và tuyên bố trước động thái gây căng thẳng trên Biển Đông của Trung Quốc.

Mới đây, vào ngày 23/5, Lầu Năm Góc trong một tuyên bố cho biết đã rút lại lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân quốc tế lớn nhất thế giới – Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) 2018 vì hành động quân sự hóa biển Đông sai trái của nước này.

Trước đó,  người phát ngôn của Nhà Trắng là bà Sarah Sanders đã lên tiếng chỉ trích việc Trung Quốc tăng cường quân sự hóa các thực thể trên Biển Đông.

Đô đốc Philip Scot Davidson, người dự kiến sẽ nhậm chức Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương (PACOM) của Mỹ vào ngày 1/6, cách đây vài tháng cũng lo ngại và cho rằng Bắc Kinh đang quân sự hóa ở mức gần như có thể kiểm soát phần lớn Biển Đông. Ông nêu quan điểm cần phải có sự can dự của Mỹ để cản trở bớt hành vi của Trung Quốc.

Về phần mình, trong nhiều lần trả lời về kế hoạch tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông của Mỹ, người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam đều nêu rõ: “Việt Nam tôn trọng quyền của mỗi quốc gia thực hiện tự do hàng hải, hàng không phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng khẳng định, các quốc gia trong và ngoài khu vực đều có trách nhiệm đóng góp vào việc duy trì và tăng cường hòa bình, ổn định cũng như an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không của khu vực này. Những đóng góp đó phải dựa trên cơ sở nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về luật biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), cũng như nhằm tiến tới sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

RELATED ARTICLES

Tin mới