Tuesday, April 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTổng thầu TQ báo giá mới: 'Gỡ ra' hay 'gỡ vào'?

Tổng thầu TQ báo giá mới: ‘Gỡ ra’ hay ‘gỡ vào’?

Chuyên gia băn khoăn, mức giá 136,89 triệu USD tổng thầu Trung Quốc đưa ra để tiếp tục dự án hay chỉ để giải quyết hậu quả, cuối cùng lại tháo dỡ. 

Trao đổi với Đất Việt về dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Khu liên hợp Gang thép Thái Nguyên, một số chuyên gia tiếp tục cho ý về việc tổng thầu Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) gửi đến Công ty CP Gang thép Thái Nguyên (TISCO) báo giá mới để hoàn thành toàn bộ công việc còn lại của gói thầu EPC với chi phí hơn 136,89 triệu USD.

GS.TS Đặng Đình Đào, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển (Đại học Kinh tế Quốc dân) hoan nghênh thiện chí của phía Trung Quốc nhưng ông lo ngại dự án thêm 136,89 triệu USD nữa thì tiền đâu cho đủ?

“Trường hợp này cũng giống như đường sắt trên cao Cát Linh-Hà Đông, cứ đẩy mãi vốn lên mà chưa xong. 

Lòng tin bao giờ cũng là trên hết nhưng với những gì mà phía tổng thầu Trung Quốc đã để lại, không biết 136,89 triệu USD ấy có đủ để tiếp tục khởi động lại dự án không hay chỉ để giải quyết hậu quả, cuối cùng lại tháo dỡ, vậy thì còn lợi ích gì nữa. Chính vì thế, các nhà chiến lược, nhà quản lý phải tính toán”.

Cũng theo GS.TS Đặng Đình Đào, các thiết bị, công nghệ của dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Khu liên hợp Gang thép Thái Nguyên mà tổng thầu Trung Quốc đưa sang đã lạc hậu, nên nếu tiếp tục dự án này, không có gì chắc chắn là phía Trung Quốc sẽ không đưa thiết bị lạc hậu khác sang, cuối cùng dự án khó mà hoàn vốn được. 

Ngược lại, trong trường hợp tiếp tục dự án mà tổng thầu Trung Quốc thay thiết bị mới thì không biết bao nhiêu tiền cho đủ.

Cũng cho ý kiến về vấn đề này, TS Cao Sĩ Kiêm, nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam cho biết, khu liên hợp Gang thép Thái Nguyên được xây dựng với sự giúp đỡ của Chính phủ Trung Quốc. Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 do phía Trung Quốc làm tổng thầu đã kéo dài 10 năm và đến nay chưa có tiến triển gì mới.

“Bây giờ tổng thầu MCC đưa ra báo giá mới để chào mời TISCO nhằm tiếp tục dự án. Thế nhưng, nếu nhìn lại hầu hết các vụ đấu thầu với Trung Quốc, có thể thấy điểm chung của chúng là không minh bạch, không đúng tiến độ và đội vốn.

Khi đấu thầu, phía Trung Quốc chào một giá để trúng thầu nhưng khi thực hiện họ lại đẩy lên một mức giá mới, rồi lỗi kỹ thuật, sau cùng là họ viện lý do này, lý do khác để trốn tránh trách nhiệm. Chiêu đó lặp đi lặp lại ở nhiều dự án, kể cả dự án ở Trung ương lẫn địa phương, dự án to lẫn dự án nhỏ… Việt Nam đã chịu hậu quả nhãn tiền, mà tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông là ví dụ điển hình.

Việt Nam muốn gỡ dần 12 dự án yếu kém của ngành công thương, nhưng phải “gỡ ra” chứ không phải “gỡ vào”. 

Doanh nghiệp Trung Quốc có rất nhiều mẹo nên rủi ro nhiều hơn đối tác khác. Đối tác khác có luật lệ rõ ràng, minh bạch và làm nghiêm túc, còn với Trung Quốc, Việt Nam đã có quá nhều kinh nghiệm.

Do đó, với động thái lần này của MCC, tôi cho rằng phía Việt Nam phải hết sức cảnh giác, thận trọng, không thể “bập” vào đồng ý làm ngay”, TS Cao Sĩ Kiêm phân tích.

Nguyên Thống đốc NHNN cũng chia sẻ lo ngại với GS Đào về nguy cơ tổng thầu Trung Quốc sẽ tiếp tục đưa sang những thiết bị, công nghệ lạc hậu nếu họ tiếp tục các phần công việc còn lại của gói thầu EPC đối với dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Khu liên hợp Gang thép Thái Nguyên.

Ông cho biết, thép của thế giới đang dư thừa, các nước đang tìm cách đẩy ra ngoài để giải quyết khó khăn của họ. Trung Quốc là quốc gia sản xuất nhiều thép nhất thế giới và thép của họ có chất lượng cũng như kỹ thuật kém hơn các nước phát triển khác, do đó, Trung Quốc hoàn toàn có thể nhân cơ hội này để đẩy đi.

“Việt Nam phải lưu ý điều này, đừng để dự án tiếp tục rồi đến khi hoàn thành lại cho ra thứ sản phẩm lỗi thời, kỹ thuật kém, giá thành cao, không cạnh tranh được”, ông Kiêm nhấn mạnh.

Theo TS Cao Sĩ Kiêm, đối với dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 – Khu liên hợp Gang thép Thái Nguyên, tốt nhất là nên đấu thầu để kêu gọi doanh nghiệp khác vào làm hoặc bán đứt cho doanh nghiệp trong/ngoài nước. Khi doanh nghiệp có tiềm lực tài chính vào, họ sẽ có phương án khắc phục, còn phía Việt Nam cũng thu hồi lại được phần nào vốn.

“Cứ làm thận trọng và so sánh các phương án kinh tế. Còn đương nhiên, TISCO và phía tổng thầu Trung Quốc mong muốn  tiếp tục dự án này vì nó có lợi cho họ nhiều hơn, nhưng chúng ta sẽ bị thiệt hại”.

RELATED ARTICLES

Tin mới