Friday, April 19, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 07/06/2018

Bản tin Biển Đông ngày 07/06/2018

Bản tin Biển Đông ngày 07/06/2018.

Viện Nghiên cứu Đài Loan đề xuất cho Lầu Năm góc thuê một phần “đảo” Ba Bình

Ngày 7/6, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đưa tin, theo tạp chí Next Magazine của Đài Loan cho hay, một viện nghiên cứu của Đài Loan đã đề xuất chính quyền cho Lầu Năm góc thuê một phần của “đảo” Ba Bình hiện do Đài Loan kiểm soát để xây dựng một căn cứ phục vụ hoạt động nhân đạo và tìm kiếm cứu nạn. Bưu điện Hoa Nam buổi sáng nhận định đây là “một động thái cực kỳ chấn động chắc chắn sẽ chọc tức Trung Quốc và làm leo thang căng thẳng ở Biển Đông nếu như được hiện thực hoá”. Các nhà nghiên cứu của viện này cho biết Mỹ sẽ được lợi từ việc đưa quân đội lên Ba Bình trong bối cảnh nước này vẫn đang “đối đầu” với Bắc Kinh trên Biển Đông. Việc cho Mỹ thuê một phần của Ba Bình sẽ không chỉ cho phép Mỹ có một căn cứ quân sự trên Biển Đông mà còn gián tiếp giúp Đài Loan bảo vệ chủ quyền Ba Bình. Theo nguồn tin, đề xuất này đã nhận được sự ủng hộ của nhiều quan chức quân sự cấp cao của Đài Loan. Tuy nhiên, một nguồn tin quân sự cho biết “khó có khả năng” Bộ Quốc phòng Đài Loan sẽ đồng ý với đề xuất này vì “không những sẽ dẫn đến những căng thẳng leo thang ở Biển Đông và khu vực mà còn tạo ra một số rủi ro lớn đối với Đài Loan”. Nguồn tin cũng cho biết, sáng kiến nói trên được đưa ra ngay sau khi Tổng thống Thái Anh Văn nhậm chức từ năm 2016. Chuyên gia quân sự Đài Loan Lu Li-shih lo ngại rằng nếu Đài Loan triển khai đề xuất này, “Trung Quốc sẽ gây sức ép mạnh hơn để siết chặt Đài Loan”.

Bắc Kinh có thể sẽ dỡ bỏ các tên lửa ra khỏi các khu vực tranh chấp Biển Đông

Ngày 6/6, CNN cho biết, theo một phân tích mới đây của công ty tình báo Israel ImageSat International (ISI), Trung Quốc có thể sẽ dỡ bỏ hoặc thay đổi vị trí của các hệ thống tên lửa ra khỏi các khu vực tranh chấp trên Biển Đông dù nước này đã chỉ trích một cách gay gắt việc Mỹ đưa “vũ khí tấn công” tới khu vực. Hai quan chức quốc phòng của Mỹ cho hay ít có khả năng Trung Quốc đã dỡ bỏ, thay vào đó, nhiều khả năng phía Trung Quốc sẽ “giấu” các tên lửa này vào trong các công trình nhân tạo. Trái với những hình ảnh vệ tinh trước đó cho thấy nhiều bệ phóng tên lửa và hệ thống radar trên đảo Phú Lâm tại quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, ISI cho hay những công trình này hiện đã biến mất và dự đoán rằng có thể là do quyết định của Chính phủ Trung Quốc về việc dỡ bỏ hoặc di dời tới các vị trí khác trên Biển Đông. Một số nhà phân tích khác cũng đồng tình với quan điểm này, cho rằng có thể các tên lửa không thích hợp cho việc triển khai ở khu vực mà các tên lửa trở nên nhạy cảm do tác động của nước biển, do đó cần phải được đưa đi sửa chữa hoặc thay thế.

Trước đó, ngày 5/6, phát biểu tại buổi họp báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh chỉ trích gay gắt việc Mỹ đưa các máy bay ném bom B-52 tới Biển Đông là hành động quân sự hoá; đồng thời nhấn mạnh rằng Trung Quốc “sẽ kiên quyết sử dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền, an ninh cũng như duy trì hoà bình và ổn định ở Biển Đông”.

Theo Derek Grossman, một chuyên gia phân tích khác của Rand Corporation, Viện nghiên cứu chính sách của chính phủ Mỹ, có khả năng Bắc Kinh hiện đã “chủ động dỡ bỏ và “giấu” các tên lửa nhằm thúc đẩy những tuyên bố về “hoạt động hoà bình” của Trung Quốc ở Biển Đông, và sau khi những chỉ trích lắng xuống, nước này có thể dễ dàng triển khai lại các hệ thống này”.

Thủ tướng Malaysia: sự hiện diện của các tàu chiến ở Biển Đông đang phản ánh “một tín hiệu sai lầm”

Ngày 7/6, The Star đưa tin, tại buổi họp báo ngày 6/6, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad cho rằng sự hiện diện các tàu chiến ở Biển Đông và eo biển Malacca đang phản ánh “một tín hiệu sai lầm” không có lợi cho hoà bình và ổn định ở khu vực. Ông cho rằng trong khi Malaysia chưa thể triển khai “một khu vực không tàu chiến” ở hai khu vực, các tàu quân sự không nên xuất hiện ở gần hai khu vực này vì có thể sẽ tạo ra tiền lệ không tốt giữa các nước. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Jatswan Singh thuộc Khoa Nghiên cứu quốc tế và Chiến lược, Đại học Malaya, Malaysia cho biết Malaysia đã đúng khi phản đối sự hiện diện của tàu nước ngoài gần các vùng biển của mình vì Malaysia và ASEAN luôn duy trì lập trường trung lập. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng hiện nay xuất hiện ngày càng nhiều các hoạt động của quân đội Trung Quốc có thể ảnh hưởng đến tự do hàng hải trong tương lai. Ông Jatswan khẳng định Thủ tướng Mahathir đã sáng suốt khi bày tỏ lo ngại này của Malaysia và bổ sung thêm rằng khi các tàu chiến xuất hiện gần lãnh hải của Malaysia, điều đó sẽ biến Đông Nam Á thành đấu trường cạnh tranh giữa các nước lớn.

“Những cuộc thảo luận nóng về vấn đề Biển Đông giữa Mỹ và Trung Quốc có thể thúc đẩy hoà bình ra sao”

Ngày 7/6, Channel News Asia đăng bài viết “Những cuộc thảo luận nóng về vấn đề Biển Đông giữa Mỹ và Trung Quốc có thể thúc đẩy hoà bình ra sao” của Collin Koh, nghiên cứu viên Chương trình An ninh Biển, Đại học Nghiên cứu quốc tế S. Rajaratnam, Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore. Nhận định về Đối thoại Shangri-la lần thứ 17 được tổ chức tại Singapore vừa qua, ông Koh cho rằng vấn đề tranh chấp Biển Đông vẫn là chủ đề thu hút tại Hội nghị. Cũng giống như những năm trước đó, năm nay, cả Mỹ và Trung Quốc đều không ngừng đổ lỗi cho nhau về “những hành động khiêu khích và thiếu thân thiện dẫn đến quân sự hoá ở Biển Đông”. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã có phát biểu mạnh mẽ về những hành động gây hấn, đe doạ và chèn ép ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông, trong khi Trung Quốc thản nhiên phớt lờ những chỉ trích đối với các hành động của họ ở khu vực. Về điều này, ông Koh cho rằng dường như trong bối cảnh không thể khẳng định rằng bên nào mới là bên thực sự đang quân sự hoá Biển Đông dường như hai nước đều phải chịu trách nhiệm ở một mức độ nhất định về những căng thẳng đang leo thang ở khu vực. Tuy vậy, ông Koh cũng nhận thấy “rõ ràng, kể từ đầu năm đến nay, Bắc Kinh đã đẩy mạnh các hoạt động quân sự ở Biển Đông” và lo ngại rằng “sẽ khó có khả năng đẩy lùi xu hướng tăng cường các hoạt động quân sự ráo riết này của Trung Quốc bởi điều đó sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín của Bắc Kinh, lợi ích của Đảng Cộng sản Trung Quốc và Chủ tịch Tập Cận Bình cũng như có thể sẽ thể hiện “sự yếu thế” của nước này trước những sức ép phản đối và răn đe đến từ các nước khác”. Do đó, tác giả bài viết cho rằng Mỹ vẫn sẽ phải tiếp tục giữ lập trường mạnh mẽ trước các hoạt động quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông để giữ uy tín và các cam kết đối với an ninh khu vực, dù điều này không thể ngăn Bắc Kinh tiếp tục thúc đẩy việc củng cố các yêu sách lãnh thổ của họ trên Biển Đông.

Trong bối cảnh khó có thể có sự “nhường nhịn”, tác giả bài viết cho rằng những chuỗi “hành động – phản ứng” của Mỹ và Trung Quốc sẽ dẫn đến việc xảy ra một số kịch bản nhưng nhìn chung đều dẫn đến hậu quả là một cuộc đối đầu không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực, hay các vụ việc trên biển và trên không có thể gây ra nguy cơ xung đột lớn có liên quan đến nhiều lực lượng hơn. Tuy nhiên, ông Collin Koh cho rằng Bắc Kinh và Washington có thể ngăn chặn những nguy cơ đó bằng cách xây dựng “đồng thuận về mặt chiến lược” trong cách thức tiếp cận vấn đề Biển Đông thông qua một số hình thức chẳng hạn như các thoả thuận phòng ngừa và thoả hiệp lẫn nhau. Đặc biệt là khi những vụ việc xảy ra trên biển và trên không trước đó đã cho thấy rằng cả hai nước đều cần phải nhìn nhận lại đồng thời thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin của cả hai bên. Hơn nữa, đối với khu vực, những diễn biến ở Biển Đông từ trước đến nay càng chứng tỏ sự cần thiết của các tiếp cận dựa trên lòng tin toàn diện và mạnh mẽ hơn. Trước tình hình này, trong khi có thể sẽ mất nhiều thời gian để hiện thực hoá Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông, tác giả cho rằng các bên cần suy nghĩ về khả năng mở rộng phạm vi của Bộ Quy tắc phòng ngừa va chạm bất ngờ trên biển đồng thời thông qua hoặc xây dựng một cơ chế giữa các cơ quan thực thi pháp luật trên biển.

RELATED ARTICLES

Tin mới