Saturday, April 20, 2024
Trang chủĐiểm tinBản tin Biển Đông ngày 08/06/2018

Bản tin Biển Đông ngày 08/06/2018

Bản tin Biển Đông ngày 08/06/2018.

Tới năm 2020, Trung Quốc sẽ thăm dò Biển Đông “một cách có hệ thống”

Ngày 7/6, Thời báo Hoàn cầu đưa tin, theo ông Ding Zhongjun, Phó Tổng công trình sư tại Trung tâm đại dương quốc gia tại Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, dự kiến cho đến năm 2020 Trung Quốc sẽ triển khai thiết bị thăm dò nước sâu để sử dụng “một cách có hệ thống” ở Biển Đông. Cụ thể, tàu lặn Giao Long sẽ tiến hành hoạt động thăm dò trên toàn cầu trong vòng một năm, bắt đầu từ tháng 6/2020 tại hơn 10 quốc gia, chủ yếu dọc theo tuyến đường thuộc “Sáng kiến Vành đai và Con đường”. Ông cho biết tàu mẹ của tàu Giao Long cũng sẽ chở theo các tàu ngầm nghiên cứu nước sâu là tàu Càn Long và Hải Long để “thu thập dữ liệu ở Biển Đông”.

Ông Ding không ngớt lời tán dương “tàu Giao Long là tàu lặn hoàn hảo để phục vụ hoạt động thăm dò ở Biển Đông, nơi có khu vực sâu nhất tới khoảng 5000 mét”. Ông cho rằng việc triển khai thăm dò này không những sẽ góp phần “đưa Trung Quốc trở thành quốc gia đi đầu trong lĩnh vực công nghệ nước sâu của thế giới” mà còn “thúc đẩy hợp tác khu vực” trong lĩnh vực này. Ông cũng đánh giá rằng Biển Đông có tầm quan trọng chiến lược đối với sự phát triển các vùng biển sâu “của Trung Quốc” và hoạt động thăm dò sẽ thúc đẩy sự tham gia của nước này vào việc quản lý các vùng biển sâu của thế giới.

Tầm nhìn về biển của Thủ tướng Narendra Modi có ý nghĩa quan trọng đối với ASEAN

Ngày 7/6, tờ The Hindustan Times đăng bài viết “Tầm nhìn về biển của Narendra Modi có ý nghĩa quan trọng đối với ASEAN” của C Uday Bhaskar, Chủ tịch Hội Nghiên cứu Chính sách, New Delhi, Ấn Độ. Ông Bhaskar cho biết chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tới các nước ASEAN từ 30/5 – 1/6 đã tái khẳng định trọng tâm của vấn đề nhận thức về biển trong Chính sách Hướng Đông/Hành động phía Đông của Ấn Độ. Trong đó, chuyến thăm Indonesia của ông Modi được xem là “ý nghĩa nhất”, trong bối cảnh nhiều nước ASEAN đang tìm đến các nước lớn để có được “phản ứng mang tính tập thể” nhằm truyền tải một thông điệp “cảnh báo” tới Trung Quốc. Dù không đề cập đến hay có những phát biểu khiêu khích Trung Quốc, cả Ấn Độ và Indonesia đều nhấn mạnh đến những nguyên tắc cơ bản nhất định, được thể hiện trong tuyên bố chung giữa hai bên. Theo tác giả, tuyên bố chung đã nêu được nhiều vấn đề và những nguyên tắc cụ thể liên quan đến nhận thức biển, có ý nghĩa quan trọng đối với ASEAN và cộng đồng quốc tế, khẳng định cam kết đối với nguyên tắc mang tính chuẩn mực – luật pháp quốc tế – gắn chặt với khái niệm khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đồng thời ghi nhận vai trò trung tâm của ASEAN. Tầm nhìn của ông Modi về khái niệm Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đã được làm sáng tỏ thêm qua chuyến thăm Singapore, ghi nhận rằng Ấn Độ coi đây là một khu vực tự do và rộng mở chứ không hạn chế trong phạm vi một số lượng các quốc gia hạn chế nào. Tuy nhiên, tác giả cho rằng thách thức đặt ra đối với ông Modi là làm sao để triển khai các sáng kiến biển đã được nêu ra tại Indonesia và đảm bảo việc duy trì trong thời gian khoảng 10 năm tới.

Hải cảnh Trung Quốc vẫn tiếp tục gây khó dễ cho ngư dân Philippines ở bãi cạn Scarborough

Ngày 8/6, The Philippine Star cho hay, mặc dù Philippines đã đặt ra “giới hạn đỏ” cho Trung Quốc là khu vực bãi cạn Scarborough, lực lượng hải cảnh Trung Quốc vẫn gây phiền nhiễu cho các ngư dân của Philippines tại khu vực này. Theo nguồn tin từ hãng tin GMA News, một tàu cao tốc của hải cảnh Trung Quốc đã tiếp cận với một tàu của ngư dân Philippines và lên tàu trong khi đoàn phóng viên của GMA lúc đó cũng đang có mặt trên tàu này. Ngư dân Philippines khi đó cho biết lực lượng hải cảnh của Trung Quốc đã tuỳ tiện mở thùng chứa cá của ngư dân Philippines và lấy đi số cá trong đó.

Người Phát ngôn của Tổng thống Philippines Harry Roque khẳng định Chính phủ sẽ đưa ra phản đối đối với sự việc này.

The Philippine Star nhận định, vụ việc đã chứng tỏ rằng những tuyên bố của Thượng Nghị sỹ Philippines Gary Alejano, đại diện Đảng Magdalo trong phiên điều trần Quốc hội tuần trước là đúng sự thật, rằng ngư dân Philippines vẫn đang bị phía Trung Quốc nhũng nhiễu ở khu vực bãi cạn Scarborough.

Mỹ “chắc chắn” sẽ ủng hộ Úc tham gia hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông

Trang WAtoday đưa tin, phát biểu trong chuyến thăm Canberra, Úc ngày 8/6, Trung tướng David Berger, Tư lệnh Thuỷ quân lục chiến Mỹ tại khu vực Thái Bình Dương khẳng định mọi quốc gia đều có quyền quyết định của riêng họ song Mỹ “chắn chắn” sẽ hoan nghênh việc Úc tham gia vào các hoạt động tự do hàng hải nhằm thách thức các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc đối với các đảo nhân tạo nước này xây dựng ở Biển Đông. Khi được hỏi rằng liệu có hữu ích nếu có thêm nhiều nước quyết tâm thực hiện các hoạt động này, ông Berger cho rằng điều đó hoàn toàn hữu ích, song các nước sẽ phải quyết định về phương thức thực hiện, về tần suất cũng như khu vực tiến hành nhưng đều phải cùng nằm trong một thông điệp tổng thể chung của khu vực gửi tới Trung Quốc để khẳng định rằng các yêu sách phi lý của nước này đối với các vùng biển tranh chấp không thể được công nhận. Ông đặc biệt nhấn mạnh rằng, nếu các nước không đi qua hay bay qua các cấu trúc mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên Biển Đông, điều này sẽ dẫn đến việc công nhận các yêu sách của Trung Quốc đã đi ngược lại với luật pháp quốc tế. Ngoài ra, ông Berger cũng khẳng định Mỹ vẫn mong chờ rằng Trung Quốc sẽ quyết định dỡ bỏ các cơ sở quân sự trên Biển Đông dù đã có nhiều chuyên gia cảnh báo rằng nước này đã có được sự kiểm soát trên thực tế ở khu vực này.

RELATED ARTICLES

5 COMMENTS

Comments are closed.

Tin mới