Thursday, March 28, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTQ lộ điểm yếu, muốn tránh chiến tranh thương mại với Mỹ?

TQ lộ điểm yếu, muốn tránh chiến tranh thương mại với Mỹ?

Trung Quốc và Mỹ đã nhất trí sẽ không áp dụng các biện pháp tăng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa của nước bên kia, nói cách khác là không tiến hành một cuộc chiến tranh thương mại, ít nhất trong thời gian hai nước đang đàm phán để đi đến thỏa thuận giải quyết căng thẳng. Nếu các tuyên bố của Nhà Trắng là đáng tin cậy, Trung Quốc cũng đồng ý tăng mua “đáng kể” các mặt hàng Mỹ, đặc biệt là nông sản.

Một cuộc chiến tranh thương mại sẽ gây hại với cả hai nước, vì mối quan hệ cộng sinh kinh tế giữa hai bên. Tuy nhiên, theo giới phân tích, việc Trung Quốc nhượng bộ trước cũng rất đáng chú ý, vì nước này dường như ngầm thừa nhận sự yếu kém, ngay cả khi đang cố thể hiện hình ảnh áp đảo về thương mại.

Viết trên trang City Journal của Viện nghiên cứu chính sách Manhattan (Mỹ), Milton Ezrati, kinh tế gia trưởng cho công ty truyền thông Vested ở New York kiêm biên tập viên tạp chí The National Interest, cho rằng, khó khăn rõ thấy nhất của Trung Quốc nằm ở mô hình tăng trưởng thiên về xuất khẩu, điều mà nhiều người ở phương Tây nhầm lẫn là sức mạnh của cường quốc đông dân nhất thế giới.

Do Trung Quốc quá chú trọng đến việc sản xuất, họ đã tạo ra sự dư thừa, có thể dẫn đến lãng phí nếu các công ty quốc doanh không thể bán hết được chúng. Không có người mua, các bó cốt thép, động cơ phản lực và những sản phẩm tương tự sẽ trở nên han gỉ trong các sân kho nhà máy. Điện thoại iPhone và hàng triệu áo phông in sẵn logo sẽ gây ra vấn đề lưu kho nghiêm trọng.

Mô hình tăng trưởng như trên phụ thuộc vào sự thịnh vượng ở các nước khác, những nơi tiêu thụ sản phẩm của Trung Quốc. Các báo cáo về tăng trưởng kinh tế gần đây của Trung Quốc đã chỉ rõ sự phụ thuộc này. Ngay cả Tổng cục Thống kê Trung Quốc cũng quy tốc độ tăng trưởng ở Mỹ và châu Âu là nguyên nhân dẫn đến sự phát triển nhảy vọt của nước này.

Các nhà quan sát cũng chỉ ra điểm yếu của phương Tây trong mối quan hệ thương mại với Trung Quốc. Do Mỹ và các nền kinh tế phát triển đã để mất rất nhiều sức mạnh sản xuất vào tay Trung Quốc, họ có thể đối mặt với sự thiếu hụt nếu Bắc Kinh quyết định giữ lại các nguồn cung ứng.

Việc Trung Quốc từ chối xuất khẩu các mặt hàng của nước này sẽ gây tổn hại cho phương Tây và tiềm ẩn một cuộc suy thoái kéo theo đó. Tất nhiên, như phân tích ở trên, nếu làm điều này, Trung Quốc cũng sẽ “hứng đủ”, vì sự phụ thuộc của nền kinh tế vào xuất khẩu.

Các đại kế hoạch của Trung Quốc luôn có xu hướng vượt quá tầm kiểm soát. Vào những năm đầu của thế kỷ này, khi việc xuất khẩu giày và đồ chơi giá rẻ đã giúp nền kinh tế Trung Quốc đạt tăng trưởng 2 con số, các nhà hoạch định chính sách tại Bắc Kinh từng cho rằng kiểu phát triển này sẽ kéo dài vô hạn định. Họ tiến hành xây dựng nhiều dự án cơ sở hạ tầng và nhà máy lớn, đồng thời với các khu nhà ở cho hàng triệu nhân công sản xuất mới. Song, nền kinh tế đã thay đổi sau đó. Việt Nam đã sử dụng lợi thế giá nhân công trung bình thấp hơn để vượt mặt Trung Quốc ở lĩnh vực sản xuất giày và may mặc.

Khi các ngành công nghiệp ăn khách hiện nay phải nhường chỗ cho những thứ khác (điều chắc chắn sẽ không tránh khỏi do các nhu cầu đang thay đổi hoặc sự cạnh tranh từ các nền kinh tế khác), Trung Quốc một lần nữa sẽ phải đối mặt với sự dư thừa nghiêm trọng cả về các mặt hàng và cơ sở sản xuất.

Trong bài phát biểu kéo dài hai tiếng đồng hồ trước Quốc hội hồi tháng trước, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã liên tục nhấn mạnh đến các chính sách công nghiệp chú trọng vào kế hoạch “Made in China 2025”. Kế hoạch này nhằm “đẩy nhanh quá trình xây dựng Trung Quốc trở thành nước đi đầu về sản xuất” thông qua đầu tư hàng tỉ Nhân dân tệ vào “dữ liệu lớn” (Big Data), “robot học” cũng như “các chất bán dẫn”, “động cơ máy bay” và cả “xe hơi thân thiện với môi trường”.

Song, Trung Quốc không có truyền thống về đổi mới công nghệ. Thực tế, Trung Quốc bị tố luôn tìm cách cưỡng ép các đối tác Nhật và phương Tây chuyển giao công nghệ, cũng như đối mặt với nhiều cáo buộc do thám công nghiệp để ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ của nước ngoài. Điều đó khiến Trung Quốc lệ thuộc vào sự nâng cấp công nghệ của những nước khác. Và vì mọi ứng dụng luôn phải chờ cho tới sau khi xuất hiện các đột phá ban đầu, sự lệ thuộc sẽ khiến Trung Quốc mãi đi sau phương Tây.

Các cuộc đàm phán thương mại có thể vẫn chưa đi đến đoạn kết. Washington tuyên bố sẵn sàng áp đặt các mức thuế nhập khẩu mới nếu thương lượng với Bắc Kinh không đạt kết quả. Nếu điều đó xảy ra, Bắc Kinh gần như chắc chắn sẽ có các biện pháp trả đũa tương xứng.

Tuy nhiên, hai bên vẫn có triển vọng đạt được một thỏa thuận hóa giải căng thẳng. Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump hiểu rõ, nền kinh tế nước này sẽ hứng chịu tổn thất nghiêm trọng trong một cuộc chiến tranh thương mại. Trung Quốc cũng hiểu điểm yếu của họ và chắc chắn không muốn cuộc chiến “lợi bất cập hại” đó xảy ra.

RELATED ARTICLES

Tin mới