Friday, April 19, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaViệt Nam-Canada phản đối quân sự hóa ở Biển Đông

Việt Nam-Canada phản đối quân sự hóa ở Biển Đông

Trong cuộc hội kiến ngày 10/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Canada nhất trí phản đối các hoạt động quân sự hóa làm gia tăng căng thẳng, đe dọa tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông.

Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng tại Canada, ngày 10/6 (giờ địa phương), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với Thủ tướng Canada Justin Trudeau.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn Thủ tướng Justin Trudeau đã mời Việt  Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng và thăm Canada; chúc mừng Thủ tướng Justin Trudeau về thành công của Hội nghị Thượng đỉnh G7 và G7 mở rộng; đánh giá cao những đóng góp quan trọng của Ca-na-đa trên cương vị nước chủ nhà Hội nghị, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong việc xử lý các thách thức toàn cầu.      

Thủ tướng Justin Trudeau khẳng định Việt Nam là đối tác quan trọng của Canada tại khu vực; đánh giá cao vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế cũng như đóng góp của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu Việt Nam vào thành công của Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng, đặc biệt là các sáng kiến của Việt Nam trong hợp tác nâng cao khả năng ứng phó của các cộng đồng ven biển, hỗ trợ phát triển nghề cá bền vững và bảo vệ môi trường đại dương.

Hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục phối hợp thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện theo hướng ngày càng thực chất, hiệu quả trong bối cảnh hai nước ngày càng chia sẻ nhiều lợi ích chung cả trên bình diện song phương, khu vực và toàn cầu, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á- Thái Bình Dương và trên thế giới.

Hai bên nhất trí tăng cường hơn nữa tiếp xúc cấp cao, trao đổi đoàn các cấp, triển khai các biện pháp tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư và hỗ trợ phát triển, phối hợp triển khai Hiệp định CPTPP; hợp tác huấn luyện, đào tạo, quân y, khắc phục hậu quả chiến tranh, chống khủng bố, an ninh mạng, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc; tạo thuận lợi cho sinh viên Việt Nam học tập tại Canada; Canada lập văn phòng đại diện về giáo dục tại Việt Nam; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng sạch, công nghệ cao, chế biến nông sản, đổi mới sáng tạo; tạo điều kiện hơn nữa cho cộng đồng người Việt Nam tại Canada phát triển, đóng góp nhiều hơn nữa cho thịnh vượng của Canada và Việt Nam và sự phát triển của quan hệ hai nước… Hai bên cũng nhất trí phối hợp tổ chức các hoạt động kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Ca-na-đa (1973 – 2018), trong đó có “Tuần Văn hóa Việt Nam tại Canada”.

 

Hai bên cũng nhất trí duy trì và tăng cường phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, APEC, Cộng đồng Pháp ngữ (Francophonie), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cũng như trong các vấn đề khu vực và quốc tế mà hai nước cùng quan tâm.    

Hai bên nhấn mạnh vai trò trung tâm  của ASEAN trong cấu trúc khu vực, ủng hộ những nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN thượng tôn pháp luật, vững mạnh, thịnh vượng và hoan nghênh những sáng kiến của ASEAN nhằm duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định ủng hộ tăng cường phát triển quan hệ giữa Canada và ASEAN, hoan nghênh việc Canada đẩy mạnh quan hệ gắn kết với khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Hai bên cũng trao đổi, chia sẻ lập trường về nhiều vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Về vấn đề Biển Đông, Việt Nam hoan nghênh các nước G7 và quốc tế đóng góp có trách nhiệm vào củng cố môi trường hòa bình, ổn định, tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế. Hai nhà lãnh đạo nhất trí ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp ở Biển Đông, tôn trọng đầy đủ tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm tiến tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC); phản đối các hoạt động quân sự hóa làm gia tăng căng thẳng, đe dọa tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông; thúc đẩy việc sử dụng đại dương vì các mục đích hòa bình, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái biển.

RELATED ARTICLES

Tin mới