Friday, March 29, 2024
Trang chủBiển nóng“Dân quân biển” - mối hiểm họa khôn lường từ TQ

“Dân quân biển” – mối hiểm họa khôn lường từ TQ

Cùng với chính sách phát triển lực lượng hải quân, cảnh sát biển, kiểm ngư, Trung Quốc đã và đang tập trung đầu tư, phát triển lực lượng dân quân biển. Trong chuyến thăm thị trấn đánh cá Đàm Môn tỉnh Hải Nam năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng tuyên bố lực lượng dân quân biển “không chỉ dẫn đầu các hoạt động đánh bắt cá, mà còn thu thập thông tin về biển và hỗ trợ việc xây dựng các hòn đảo và rạn san hô”. Tính đến thời điểm hiện nay, Trung Quốc là một trong số ít nước trên thế giới có dân quân biển. Lực lượng này gồm các tàu đánh cá thực hiện rất nhiều chức năng khác nhau như cứu hộ các thuyền mắc cạn, vận chuyển lính đổ bộ lên các đảo hay thực hiện nhiều nhiệm vụ “ném đá giấu tay” của Trung Quốc ở Biển Đông.

Tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá Việt Nam khi đang hoạt động trong khu vực thuộc chủ quyền của Việt Nam

Về cơ cấu tổ chức: Dân quân biển Trung Quốc là lực lượng không chính quy, được tuyển chọn từ ngư dân địa phương vừa làm việc kiếm sống vừa được đào tạo để chờ thực hiện nhiệm vụ do chính quyền giao, song có những địa phương cũng tuyển chọn cả cựu binh hải quân. Tuy không thuộc lực lượng vũ trang, song Dân quân biển Trung Quốc do Chính phủ xây dựng, quản lý, kiểm soát hoạt động, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Bộ Chỉ huy quân sự địa phương. Về cơ bản, dân quân biển Trung Quốc là lực lượng địa phương, được tổ chức, tài trợ hoạt động bởi chính quyền các tỉnh. Quy định chính sách về hoạt động của lực lượng Dân quân tự vệ địa phương Trung Quốc do Cục dự bị động viên thuộc Quân ủy Trung ương Trung Quốc soạn thảo, ban hành, dưới sự chỉ đạo của Tổng Tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc. Chính quyền trung ương Trung Quốc hỗ trợ về kinh phí hoạt động cho lực lượng này, trong khi chính quyền địa phương đảm bảo trực tiếp về lương, kinh phí huấn luyện hoặc kinh phí thực hiện nhiệm vụ.

Tính đến thời điểm hiện tại, số lượng biên chế của lực lượng dân quân biển Trung Quốc vẫn còn là một ẩn số đối với cộng đồng quốc tế. Theo trang Daily Caller có trụ sở tại Mỹ, một báo cáo vào năm 1978 ước tính lực lượng dân quân biển của Trung Quốc có 750.000 người và 140.000 tàu. Theo Sách Trắng Quốc phòng năm 2010 của Trung Quốc, nước này có 8 triệu đơn vị dân quân, song không rõ lực lượng dân quân biển mập mờ có được tính hay không. Thời gian gần đây, số lượng dân quân biển của Trung Quốc đã được mở rộng về quy mô và nâng cao về chất lượng. China Daily dẫn lời một quan chức thuộc Bộ Chỉ huy quân sự thành phố Bắc Hải, Khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây khoe rằng số lượng dân quân biển tăng gấp 10 lần chỉ trong 2 năm qua, từ dưới 2% lực lượng quân sự địa phương vào cuối năm 2013 lên tới trên 20% vào năm 2016.

Nhiệm vụ chính của dân quân biển Trung Quốc: Thứ nhất, đóng vai trò tiên phong tạo áp lực trong các vụ va chạm, xung đột nhỏ với tàu cá, tàu khảo sát thăm dò, tàu chấp pháp của các nước ở Biển Đông. Thứ hai, tham gia các vụ đụng độ, khiêu khích trên vùng biển quốc tế theo sự chỉ đạo của quân đội Trung Quốc, trong một số trường hợp là theo lệnh chỉ huy tạm thời của Lực lượng Chấp pháp biển Trung Quốc. Thứ ba, bảo vệ, thúc đẩy các yêu sách lãnh thổ, “các quyền và lợi ích biển” và hỗ trợ Hải quân Trung Quốc khi xảy ra chiến tranh. Thứ tư, hỗ trợ lực lượng an ninh nội địa trong việc đảm bảo ổn định xã hội, cũng như tham gia cứu trợ khi thiên tai xảy ra. Thứ năm, cung cấp các báo cáo tình hình hoạt động của tàu nước ngoài ở Biển Đông cho Cơ quan Ngư chính Trung Quốc. Thứ sáu, vận chuyển vật liệu xây dựng lên các đảo, đá ở Biển Đông, góp phần hỗ trợ quá trình cải tạo phi pháp các thực thể nhân tạo; hỗ trợ sự hiện diện của Trung Quốc trong các khu vực có xung đột lãnh thổ hay đổ bộ lên các đảo đang tranh chấp.

Về ngân sách hoạt động: Chi phí cho các hoạt động hàng ngày của dân quân biển do ngân sách của thành phố hoặc huyện mà tàu này đăng ký chịu trách nhiệm, còn trong trường hợp thực hiện các nhiệm vụ có quy mô lớn hơn hoặc các chiến dịch đặc biệt thì chi phí đó được ngân sách của tỉnh chi trả. Chính quyền các cấp như đã nói ở trên cũng quy định cụ thể mức bù đắp các khoản chi phí cho dân quân biển khi tiến hành chiến dịch hoặc là bồi thường cho dân quân biển nếu các tàu của họ bị hư hại khi thực hiện nhiệm vụ. Để đảm bảo hoạt động cho lực lượng dân quân biển, Chính quyền Trung Quốc đã huy động nhiều bộ ngành tham gia, bao gồm Bộ Tư lệnh bảo vệ hải sản, Cục các vấn đề đảm bảo an ninh trên biển, Cục vận tải quân sự và các cơ quan khác của Hải quân… Theo giáo sư Andrew Erickson (Trường Chiến tranh hải quân Mỹ) Chính phủ Trung Quốc chi trả rất hậu cho lực lượng dân quân biển, thông thường một thuyền viên được chính phủ Trung Quốc trả 13.000 USD/năm, trong khi thuyền trưởng được trả 25.000 USD/năm. Tại các địa phương
đều có chính sách hỗ trợ và thúc đẩy dân quân biển riêng, ví dụ như Chính quyền Hải Nam có chính sách khuyến khích, hỗ trợ ngư dân chuyển từ tàu gỗ sang tàu vỏ sắt thông qua hình thức trợ giá, hỗ trợ tài chính, trang bị miễn phí hệ thống định vị vệ tinh toàn cầu…

Về trang thiết bị trên tàu: Các tàu dân quân biển cỡ lớn được trang bị vũ khí hạng nhẹ; tất cả các tàu này đều có gắn vòi rồng cỡ lớn, các mạn thành và thân tàu được gia cố nhằm tăng độ cứng và chống va chạm; trang bị hệ thống định vị vệ tinh và kênh liên lạc riêng. Hiện tàu lớn nhất của dân quân biển Trung Quốc có chiều dài khoảng 60m, chiều ngang 10m, tải trọng khoảng 750 tấn; các tàu nhỏ hơn có tải trọng gần 600 tấn.

Về công tác huấn luyện, đào tạo: Lực lượng dân quân biển Trung Quốc được huấn luyện theo nhiều chương trình khác nhau, từ kỹ năng phân biệt, nhận dạng các tàu đến sử dụng vũ khí và các hoạt động kinh tế-quân sự. Ngoài ra, lực lượng dân quân biển của Trung Quốc cũng được đào tạo về chính trị và kiến thức an ninh quốc phòng nhằm tăng cường tinh thần dân tộc và tuyệt đối phục tùng các mệnh lệnh của quân đội Trung Quốc. Hãng tin Reuters hồi đầu tháng 5/2016 tiết lộ, Trung Quốc đã mở khóa huấn luyện các ngư dân tại đảo Hải Nam, biến họ thành “dân quân” rồi đưa xuống phía Nam Biển Đông, mang danh tàu đánh cá. Những ngư dân tham dự khóa học kéo dài 4 tháng, khóa huấn luyện hoàn toàn miễn phí, gồm các nội dung huấn luyện quân sự cơ bản, tìm kiếm cứu hộ, xử lý thảm họa trên biển, thu thập thông tin về tàu nước ngoài và bảo vệ “chủ quyền” trên biển.

Dân quân biển Trung Quốc đã tham gia nhiều vụ quấy rối tàu, thuyền các nước đang hoạt động, đi lại hợp pháp ở Biển Đông. Tính đến thời điểm hiện tại, Trung Quốc có khoảng 200.000 tàu cá các loại và có 14 triệu lao động hoạt động liên quan biển. Lực lượng khổng lồ này đã và đang phối hợp với Quân đội Trung Quốc trong việc theo đuổi những mục tiêu xâm lược của Trung Quốc ở Biển Đông. Giáo sư Andrew Erickson cho biết lực lượng này liên quan trực tiếp đến hải chiến Hoàng Sa năm 1974 và dính líu vô số hành động hung bạo ở Biển Đông, trong đó có vụ đâm chìm một tàu cá Việt Nam trong giai đoạn Trung Quốc cắm phi pháp giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển Việt Nam năm 2014. Lực lượng này cũng có các hành vi vi phạm luật pháp quốc tế, khiêu khích trắng trợn các nước như quấy rối nhiều tàu USNS Impaccable của Mỹ (3/2009) đang tiến hành khảo sát ở Biển Đông; bảo vệ hoạt động khảo sát phi pháp của Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) tại Nam Tri Tôn; do thám, tuần tra và bao vây bãi Cỏ Mây trong tháng 2/2014…

Âm mưu, ý đồ của Trung Quốc khi tăng cường phát triển và sử dụng lực lượng dân quân biển phục vụ mưu đồ xâm chiếm Biển Đông: Trung Quốc cố ý lợi dụng tình trạng mập mờ danh tính của lực lượng dân quân biển (không phải lực lượng vũ trang, song được đào tạo huấn luyện chuyên sâu) để thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo các lợi ích quốc gia, yêu sách “chủ quyền” ở Biển Đông, nhằm tránh đẩy căng thẳng leo thang, ít bị các nước chỉ trích, tránh các quy định của luật quốc tế và không gây phương hại tới hình ảnh của quân đội Trung Quốc. Ngoài ra, việc sử dụng dân quân biển quấy rối, khiêu khích tàu chấp pháp, tàu quân sự các nước sẽ khiến các nước gặp khó khăn khi đưa ra phương án xử lý số tàu này. Giáo sư Alan Dupont (Đại học New South Wales, Australia) phân tích rõ chiến lược bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông là cho các tàu cá dọn đường, thăm dò, gây hấn với tàu cá nước khác dưới sự bảo kê của tàu hải cảnh. Sau đó, hải cảnh tiếp tục tạo vòng vây phong tỏa khu vực, ngăn cản tàu nước khác đến gần nhằm tiến hành bồi đắp, xây dựng phi pháp và cuối cùng là quân sự hóa.

Giới chuyên gia, học giả và truyền thông quốc tế đều nhận định đây là một trong những lực lượng nguy hiểm của Trung Quốc.

Giáo sư James Kraska (Trung tâm Nghiên cứu Luật Quốc tế Stockton, Đại học Hải chiến Mỹ) cho biết Trung Quốc gần đây đã công khai kế hoạch xây dựng mạng lưới tàu cá trở thành lực lượng dân quân biển với vai trò bán quân sự trong thời bình và cũng như trường hợp xảy ra xung đột. Kế hoạch trên sẽ cung cấp cho lực lượng hải quân Trung Quốc một lực lượng đông đảo, hợp pháp và mang yếu tố cạnh tranh chiến lược. Lực lượng dân quân biển của Trung Quốc đã xóa đi sự phân biệt giữa tàu chiến và tàu dân sự trong luật hải chiến (Điều luật quy định việc bảo vệ hoạt động của tàu cá trong giai đoạn xảy ra xung đột). Chính vì vậy, Giáo sư Andrew Erickson cho rằng Chính phủ Mỹ cần hành động ngay trước khi Mỹ cùng đồng minh và đối tác bị đặt vào tình thế bấp bênh khi phải đối đầu với lực lượng dân quân biển của Trung Quốc. Theo ông Erickson, các quan chức Mỹ cần phải công khai rộng rãi trước dư luận Mỹ và cộng đồng quốc tế về bản chất và hành động thực tế của lực lượng này; đồng thời các nhà lập pháp Mỹ cần công nhận dân quân hàng hải của Trung Quốc là “một lực lượng quân sự” thường được trá hình và có quy định cụ thể về việc dân quân biển Trung Quốc không được hưởng quyền bảo hộ công dân trong trường hợp xung đột trên biển.

Tuy nhiên, học giả Trương Hoành Châu (nghiên cứu cộng tác của Chương trình Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc phòng trực thuộc Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore) cho rằng chính sách “dân quân biển” của Trung Quốc là lỗi thời và nguy hiểm, trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, vì: Trung Quốc hiện có lực lượng hải quân và các lực lượng thực thi pháp luật hàng hải lớn mạnh nhất trong khu vực và không còn cần lực lượng dân quân biển để bảo vệ lợi ích quốc gia; Việc vũ trang hóa có thể khiến cho các ngư dân gặp nhiều nguy hiểm, trong khi chính trị hóa có thể gây nguy hiểm cho toàn bộ ngành công nghiệp thủy sản; Dân quân biển có thể sử dụng lòng yêu nước như một vỏ bọc để thực hiện các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp. Trong vài năm qua, ngày càng có nhiều ngư dân Trung Quốc đã chuyển từ đánh cá sang bắt trai khổng lồ ở Biển Đông vốn mang lại lợi nhuận lớn hơn, hay một số ngư dân Trung Quốc còn đến vùng biển gần đảo Ogasawara của Nhật Bản để lấy trộm san hô từ đáy biển, săn bắt rùa biển và các loài động vật biển có nguy cơ tuyệt chủng …

Nhìn chung, lực lượng dân quân biển Trung Quốc đã, đang ngày càng phát triển và được Chính phủ Trung Quốc hậu thuẫn tối đa (về cả kinh tế, pháp lý, nhân lực) nhằm thực hiện những âm mưu, ý đồ độc chiếm Biển Đông. Thời gian tới, Trung Quốc sẽ tiếp tục mở rộng vai trò của dân quân biển, biến lực lượng này thành một “hạm đội” đánh cá mới ở Biển Đông. Hành động này của Trung Quốc sẽ gây thêm căng thẳng trong khu vực tranh chấp, gióng lên hồi chuông cảnh báo các nước cần đoàn kết và có biện pháp thích đáng lên án, xử lý các tàu dân sự trá hình này.

RELATED ARTICLES

Tin mới