Thursday, March 28, 2024
Trang chủBiển nóngSau Mỹ, đến lượt Anh, Pháp tham gia tuần tra Biển Đông...

Sau Mỹ, đến lượt Anh, Pháp tham gia tuần tra Biển Đông để phản đối TQ

Theo trang tin Business Insider, cả Anh và Pháp sẽ điều động tàu chiến ra các khu vực tranh chấp trên Biển Đông trong tuần này nhằm phản đối những hành động quân sự hóa của Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly (Ảnh: Straits Times) 

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly và Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson đã đưa ra tuyên bố trên tại Diễn đàn Đối thoại Shangri-la vào ngày 3/6.

Mặc dù hai người không nêu đích danh Trung Quốc, song những phát ngôn mà họ đưa ra đều chứa ẩn ý muốn đối phó với Bắc Kinh.

“Chúng tôi phải khẳng định rõ ràng rằng tất cả các quốc gia trên thế giới phải tuân thủ luật pháp quốc tế, nếu không họ sẽ phải chịu những hậu quả nghiêm trọng”, ông Williamson cho biết, đồng thời nói thêm rằng Anh sẽ đưa ba tàu chiến đến Biển Đông để khẳng định quan điểm của mình.

Bà Parly cũng cho biết: “Sẽ có thời điểm giọng nói của một ai đó sẽ được truyền qua điện đàm, nói rằng tàu chiến chúng tôi phải rời khỏi “hải phận” của họ. Tuy nhiên các sĩ quan chỉ huy của chúng tôi sẽ đáp lại rằng tàu sẽ tiếp tục di chuyển bởi theo luật pháp quốc tế, vùng biển mà các tàu đang hoạt động là hải phận quốc tế”.

“Bằng việc khẳng định quyền tự do đi lại của mình, chúng tôi cũng muốn nói rằng chúng tôi phản đối bất kỳ tuyên bố chủ quyền vô căn cứ nào đối với các đảo tranh chấp”, bà Parly nói thêm.

Trung Quốc từ lâu đã tiến hành những hoạt động chiếm đóng và bồi đắp các bãi đá ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, đồng thời cho xây dựng các cơ sở được cho là phục vụ mục đích quân sự.

Mới đây, Mỹ đã rút lại lời mời tham gia một cuộc diễn tập quân sự quốc tế đối với Hải quân Trung Quốc do Bắc Kinh “tiếp tục quân sự hóa các khu vực tranh chấp trên Biển Đông”, gây ra “căng thẳng và bất ổn đối với toàn khu vực”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cũng khẳng định quan điểm của mình trong Diễn đàn Shangri-la rằng sự xuất hiện của các loại khí tài quân sự trên các đảo thuộc vùng tranh chấp trên Biển Đông “sẽ là những hành động quân sự nhằm phục vụ mục đích đe dọa và gây hấn”.

“Trung Quốc sẽ đối mặt với những hậu quả khó lường nếu tiếp tục gạt bỏ những cảnh báo của cộng đồng quốc tế”, ông Mattis nói. “Tôi tin rằng một khi một đất nước đánh mất lòng tin của các nước láng giềng, họ sẽ phải gặp những hậu quả to lớn. Những hành động của Trung Quốc hiện nay sẽ không có lợi cho họ”.

Vài tiếng đồng hồ sau đó, Trung tướng Trung Quốc He Lei đã chỉ trích “những phát biểu vô trách nhiệm của nhiều quốc gia”. “Một số nước đã viện cớ khẳng định tự do đi lại trên biển và trên không để đưa tàu chiến và máy bay quân sự tới vùng hải phận và không phận gần lãnh thổ Trung Quốc, thậm chỉ còn tiến gần khu vực 12 hải lý quanh các đảo của chúng tôi”, ông He nói.

“Điều này đã tác động xấu đến an ninh của Trung Quốc và thách thức chủ quyền của chúng tôi”, ông He nói, đồng thời nói rằng những hành động tuần tra trên Biển Đông “là ngọn nguồn của tiến trình quân sự hóa trên Biển Đông”.

RELATED ARTICLES

Tin mới