Thursday, March 28, 2024
Trang chủĐiểm tinTQ đang "qua mặt" chính sách thuế của Tổng thống Trump một...

TQ đang “qua mặt” chính sách thuế của Tổng thống Trump một cách đầy khôn ngoan như thế nào?

Trung Quốc đứng sau nhiều nhà máy thép mới được xây dựng ở Malaysia, Pakistan, Ấn Độ và nhiều quốc gia khác.

Cách đây 3 năm, nhà máy thép nằm ở ngoại ô thành phố nhỏ bé Smederevo của Serbia trông giống như sắp trở thành một đống phế liệu. Thuộc sở hữu của Chính phủ, nhà máy này bị cắt trợ cấp sau 6 năm thua lỗ liên tiếp. Cạn kiệt tiền mặt, nhà máy không thể mua các nguyên liệu thô để phục vụ sản xuất, ví dụ như quặng sắt.

“Khi đó chúng tôi giống như đang cố lái 1 chiếc xe không có bánh vậy”, Siniša Prelić – lãnh đạo công đoàn của nhà máy nói.

Tuy nhiên giờ đây dưới chủ sở hữu mới là tập đoàn Hesteel Group đến từ Trung Quốc , sản lượng của nhà máy này đang ở mức cao nhất từ trước đến nay. Được hỗ trợ bởi hàng chục triệu USD từ các ngân hàng quốc doanh và quỹ đầu tư Trung Quốc, nhà máy đang đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu và mới đây bắt đầu xuất hàng sang Mỹ.

Nước cờ cao tay của các nhà máy thép Trung Quốc

Trong khi nội các của Tổng thống Trump nỗ lực chống lại thép Trung Quốc và mới đây chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đã chính thức nổ ra với tuyên bố đánh thuế nhập khẩu từ cả 2 bên, các quan chức Mỹ đang phải đối mặt với “mánh khóe” mới của các nhà sản xuất Trung Quốc. Vài năm qua, các nhà sản xuất thép quốc doanh của Trung Quốc đã đóng cửa nhà máy tại quê nhà nhưng lại mở rộng đáng kể hoạt động ở nước ngoài sau khi được bơm hàng chục tỷ USD từ các ngân hàng quốc doanh.

Bằng cách sở hữu các nhà máy ở nước ngoài, các công ty thép Trung Quốc hướng tới mục tiêu tự do tiếp cận thị trường toàn cầu. Ngay cả trước khi ông Trump nhậm chức thì các công ty thép Trung Quốc đã bị Mỹ và nhiều nước khác trả đũa vì bán phá giá và làm ngập thị trường quốc tế bằng cách tống số thép dư thừa trong nước ra nước ngoài. Trái lại, dù vẫn thuộc sở hữu của Trung Quốc nhưng các nhà máy ở nước ngoài không bị đánh thuế chống bán phá giá.

Hồi tháng 3, ông Trump gây rúng động hệ thống thương mại toàn cầu khi tuyên bố đánh thuế 25% vào thép nhập khẩu và 10% vào nhôm nhập khẩu, một động thái được cho là có mục đích gây thêm áp lực buộc Trung Quốc phải đóng cửa thêm các nhà máy nhôm và thép. Sau đó thuế này được áp dụng với cả nhôm thép nhập khẩu từ Canada, Mexico và EU.

Tuy nhiên kể cả khi thuế mới được áp dụng với cả các nhà máy thép của Trung Quốc đã chuyển hoạt động sản xuất ra nước ngoài, điều đó cũng không có nhiều ý nghĩa. Mức thuế suất 25% thấp hơn rất nhiều so với mức thuế chống bán phá giá hơn 200% mà Mỹ áp dụng với thép được sản xuất ở Trung Quốc.

Thép dư thừa của Trung Quốc đã làm ngập thị trường thế giới và khiến giá thép toàn cầu giảm mạnh và tàn phá các đối thủ. Sau khi dùng lời lẽ thuyết phục Bắc Kinh cắt giảm sản lượng nhưng không thành công, phương Tây đã dõi theo với sự bực mình khi Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng sản lượng. Các lãnh đạo doanh nghiệp phương Tây lo ngại những khoản đầu tư ở nước ngoài đang giúp các công ty thép Trung Quốc tránh được thuế chống bán phá giá.

Sản lượng thép của Trung Quốc tăng vọt từ đầu những năm 2000 nhờ sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Chính phủ nước này bởi Bắc Kinh coi công nghiệp là ngành có ý nghĩa quan trọng sẽ giúp Trung Quốc nổi lên là cường quốc kinh tế thế giới. Để chống đỡ với khủng hoảng tài chính 2008, hàng trăm nhà máy thép được xây dựng theo chương trình kích thích kinh tế của Chính phủ Trung Quốc. Từ năm 2000 đến 2013, sản lượng thép của nước này tăng gấp 7 lần, đóng góp một nửa sản lượng thép toàn cầu.

Tuy nhiên đến năm 2013, kinh tế giảm tốc khiến Trung Quốc bị dư thừa thép và nước này đẩy mạnh xuất khẩu. Trung bình giá thép Trung Quốc xuất khẩu giảm khoảng 50% trong giai đoạn 2011 – 2016.

Các nước phản ứng bằng cách áp thuế chống bán phá giá 130% lên các nhà sản xuất thép Trung Quốc. Đáp lại, Bắc Kinh đưa ra lệnh cắt giảm sản lượng, cam kết từ năm 2016 đến 2020 sẽ cắt giảm sản lượng 150 triệu tấn thép mỗi năm và đóng cửa những nhà máy nhôm đã xây dựng trái phép. Tuy nhiên cùng lúc đó, năm 2014 Chính phủ Trung Quốc đưa ra kế hoạch có tên gọi Hợp tác sản lượng quốc tế liệt kê một loạt định chế tài chính sẽ giúp các nhà sản xuất chuyển hoạt động ra nước ngoài.

Theo các chuyên gia phân tích phương Tây, các nhà sản xuất Trung Quốc đang nhận được hàng trăm tỷ USD từ Ngân hàng Phát triển Trung Quốc, Bank of China và các quỹ đầu tư quốc gia như China Investment Corp để mua lại các nhà máy thép ở nước ngoài. Các nhà máy này thường được miêu tả là nhà cung cấp độc quyền cho sáng kiến “Một vành đai, một con đường”, dự án cơ sở hạ tầng trị giá nghìn tỷ USD phục vụ mục đích tăng cường sức ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực châu Phi và lục địa Âu – Á (Eurasia).

Vươn vòi ra khắp thế giới

Trung Quốc đứng sau nhiều nhà máy thép mới được xây dựng ở Malaysia, Pakistan, Ấn Độ và nhiều quốc gia khác. Ở miền bắc Brazil, theo dự kiến cuối năm nay một liên doanh đến từ Trung Quốc sẽ động thổ dự án 8 tỷ USD xây dựng một trong những nhà máy thép lớn nhất thế giới, gia tăng đáng kể sản lượng thép của Brazil dù ngành thép của nước này đang hoạt động ở mức chưa đến 70% công suất.

Năm ngoái, tập đoàn Tsingshan có trụ sở ở Ôn Châu (Trung Quốc) vừa khánh thành nhà máy thép không gỉ công suất 2 triệu tấn ở hòn đảo Sulawesi của Indonesia, tương đương 4% tổng sản lượng thép không gỉ của toàn thế giới. Nhà máy sử dụng khoản vay 570 triệu USD từ Ngân hàng phát triển Trung Quốc và chắc chắn sẽ khiến giá thép không gỉ trên toàn thế giới giảm mạnh.

Sản phẩm của Tsingshan bước vào thị trường Mỹ thông qua công ty liên doanh với Allegheny Technologies, nhà sản xuất thép có trụ sở ở Pittsburgh. Liên doanh này đang tái khởi động nhà máy cuộn thép không gỉ ở bang Pennsylvania mà Alleghency phải đóng cửa năm 2016 một phần vì thép giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc. Công ty mới nhập khẩu khoảng 300.000 tấn thép từ nhà máy của Tsingshan ở Indonesia (thay thế cho dây chuyền sản xuất đã đóng cửa) và dùng chúng để sản xuất các sản phẩm từ đồ gia dụng đến thiết bị y tế.

Tsingshan đang mở rộng nhà máy ở Indonesia trong khi ở ngay bên cạnh 1 công ty Trung Quốc khác là Jiangsu Delong cũng đang xây nhà máy thép. Theo Michael Finch, chuyên gia phân tích tại London, những dự án như vậy có thể nâng sản lượng thép không gỉ của toàn thế giới tăng thêm 9% so với mức năm 2017.

Năm 2014, các quan chức từ tỉnh Hồ Bắc bắt đầu săn lùng các khoản đầu tư ở nước ngoài cho công ty quan trọng bậc nhất của tỉnh: Hebei Iron & Steel Group, đã đổi tên thành Hesteel Group từ năm 2016.

Khi các quan chức tỉnh tiếp cận với Chính phủ Serbia năm 2014, nhà máy thép Zelezara Smederevo bên bờ sông Danube được nghĩ đến đầu tiên. 2 năm trước đó, Chính phủ Serbia mua lại nó với giá 1 USD từ United States Steel Corp với kế hoạch phục hồi nó. Tuy nhiên tình hình ngân sách khó khăn đến nỗi năm 2014 Serbia phải nhận khoản vay từ IMF và một trong những điều kiện là Chính phủ phải cắt trợ cấp cho nhà máy này.

Trong các cuộc đàm phán với Serbia, Hesteel cam kết sẽ đầu tư ít nhất 300 triệu USD vào nhà máy trong 3 năm sắp tới. Bắc Kinh ca ngợi thương vụ mua lại trị giá 54 triệu USD là một trong những khoản đầu tư trọng điểm ở nước ngoài. Tháng 6/2016, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến thăm nhà máy và dự lễ ký kết.

Từ nhiều năm nay EU đã đánh thuế thép giá rẻ nhập khẩu từ Trung Quốc. Giờ đây Hesteel có thể xuất khẩu thép vào 28 quốc gia EU mà không phải chịu đồng thuế nào.

Tại hội chợ triển lãm thép ở Bắc Kinh hồi tháng trước, tấm baner “Hesteel of the World” nổi bật tại khu vực trưng bày của tập đoàn. Trên tấm bản đồ thể hiện những nơi mà Hesteel đang đầu tư đánh dấu Serbia, Macedonia, Thụy Sĩ, Nam Phi, Australia và cả Mỹ. Lãnh đạo công ty cho biết mở rộng hoạt động ở nước ngoài giờ là chiến lược cốt lõi của Hesteel với tham vọng xây thêm các nhà máy ở Bắc Mỹ và đến năm 2020 sẽ có 20% doanh thu đến từ các thị trường ngoài Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới