Thursday, March 28, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiKhông quân hải quân Nga đang gặp rắc rối lớn, TQ có...

Không quân hải quân Nga đang gặp rắc rối lớn, TQ có dang tay “giải cứu” hay không?

Theo Tuchkov, đàm phán với Trung Quốc có lẽ là cách duy nhất để Moscow cứu vãn năng lực tác chiến của họ.

Không có tàu sân bay, kỹ năng của các phi công hải quân Nga sẽ bị mai một. Ảnh: Global Military Review

Kỹ năng dễ bị mai một

Trong bối cảnh Admiral Kuznetsov – chiếc tàu sân bay duy nhất của Nga được đưa vào ụ khô để tiến hành quá trình sửa chữa và đại tu tăng cường trong năm nay, lực lượng không quân hải quân của Moscow sẽ không có con tàu nào phục vụ hoạt động huấn luyện.

Hạ cánh trên tàu sân bay là kỹ năng dễ bị mai một. Hải quân Nga có thể mất đi khả năng này nếu họ không tìm được một con tàu thay thế để thực hành cho tới năm 2021 hoặc 2022, khi Kuznetsov sẵn sàng trở lại hoạt động.

Kremlin hy vọng rằng, chương trình huấn luyện trên cạn tại Tổ hợp Nghiên cứu và Huấn luyện hàng không (NITKA) ở Novofedorovka, Crimea sẽ giúp duy trì kỹ năng của lực lượng không quân hải quân.

Tuy nhiên, người Nga dường như cũng nhận thức được rằng, chương trình đào tạo này không thể thay thế cho hoạt động thực hành trên boong một chiếc tàu sân bay thật.

“Nếu họ không cất cánh một lần nào từ boong tàu sân bay trong vòng 5 năm tới thì bất cứ kỹ năng bay nào của các phi công Nga cũng sẽ bị mai một, dù có hệ thống mô phỏng ở NITKA hay không” – cây viết Vladimir Tuchkov trên tờ Svobodnaya Pressa cho hay.

Vừa là một phóng viên quốc phòng giàu kinh nghiệm, vừa là chuyên gia trong lĩnh vực này, Tuchkov cho biết chương trình hiện đại hóa tàu Kuznetsov chắc chắn sẽ bị trì hoãn do các nhà máy đóng tàu của Nga không có đủ năng lực để hoàn thành dự án lớn như vậy.

“Dù có nằm trong kế hoạch của Bộ Quốc phòng Nga thì chương trình sửa chữa và hiện đại hóa tàu Admiral Kuznetsov vẫn có nguy cơ bị kéo dài cho tới giữa thập kỷ tới”, Tuchkov viết.

Điều đó có nghĩa Nga sẽ phải tìm phương án thay thế để huấn luyện lực lượng không quân hải quân trên biển.

Thỏa thuận với Trung Quốc – Tại sao không?

Theo Tuchkov, để giải quyết khó khăn trên, Kremlin cần đạt được thỏa thuận với Bắc Kinh để cho phép phi công Nga thực hiện các hoạt động huấn luyện trên tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc.

Điều này tương tự các phi công hải quân Dassault Rafale từng huấn luyện trên boong tàu sân bay USS George H.W. Bush (CVN-77), lớp Nimitz hồi tháng 5 năm nay trong cuộc tập trận chung Chesapeake 2018.

Do Charles De Gaulle – tàu sân bay duy nhất của Pháp đang trải qua giai đoạn bảo dưỡng nên Mỹ đã cho phép phi công tiêm kích hạm của Pháp thực hành trên tàu sân bay Mỹ.

Trong bài viết trên tạp chí National Interest, nhà phân tích Dave Majumdar cho rằng phương án của Tuchkov đưa ra cũng có lý, tuy nhiên, rất khó để xác định Bắc Kinh sẽ cởi mở tới mức nào đối với thỏa thuận này.

Liêu Ninh được tân trang từ tàu Varyag – con tàu cùng lớp với Kuznetsov nhưng chưa hoàn thiện, bị bỏ lại tại Ukraine sau khi Liên Xô sụp đổ. Nó có nhiều điểm chung với tàu sân bay Nga.

Trong bối cảnh Trung Quốc và Nga đang trở nên thân thiết hơn trước áp lực chung từ Mỹ thì có khả năng Bắc Kinh sẽ chấp nhận thỏa thuận này. Nhưng dẫu sao, đây vẫn là một câu hỏi lớn để ngỏ.

Trước mắt, có thể xác định được rằng một thỏa thuận như trên sẽ mang lại lợi ích cho cả hai phía. Nó sẽ mang lại cho phi công hải quân Nga và Trung Quốc cơ hội học hỏi lẫn nhau, chia sẻ kỹ-chiến thuật và các quy trình hoạt động.

Trung Quốc cũng không thiệt thòi gì nếu cho phép Nga huấn luyện trên tàu sân bay Liêu Ninh bởi con tàu này vốn dĩ chủ yếu được sử dụng để huấn luyện và nhất là khi Shandong – tàu sân bay nội địa đầu tiên của Trung Quốc – sắp đi vào hoạt động.

Trong khi đó, nếu thỏa thuận đạt được, Nga có thể phô diễn khả năng của những chiếc MiG-29KR mới trước các đồng nghiệp Trung Quốc và biết đâu họ có thể tăng doanh số bán mẫu máy bay này.

Với kích cỡ nhỏ, MiG-29KR thích hợp hơn bất cứ biến thể nào của Su-33 Flanker khi hoạt động trên các tàu sân bay có kích cỡ như Kuznetsov hay Liêu Ninh.

“Liêu Ninh là giải pháp duy nhất cho vấn đề của Nga” – Tuchkov viết, “Vấn đề của họ vô cùng nghiêm trọng.

Hãy lưu ý: Chỉ 45 thành viên trực thuộc Trung đoàn tiêm kích hạm của Hạm đội Biển Bắc được tạm thời chỉ định tới cơ sở ở Crimea. Trong số này chỉ có khoảng 15 phi công, số còn lại là sĩ quan tham mưu và nhân viên kỹ thuật”.

Theo Tuchkov, rõ ràng lực lượng không quân hải quân Nga đang gặp rắc rối lớn. Đàm phán với Trung Quốc có lẽ là cách duy nhất để Moscow cứu vãn năng lực tác chiến của họ.

Xét trong bối cảnh Nga và Trung Quốc đang trở nên thân thiết hơn trên bình diện địa chính trị thì có khả năng Bắc Kinh sẽ cân nhắc ý tưởng cho phi công Nga huấn luyện trên tàu sân bay Liêu Ninh. Song cũng cần nhắc lại rằng, khả năng này vẫn đương đối nhỏ.

RELATED ARTICLES

Tin mới