Thursday, March 28, 2024
Trang chủĐàm luậnPhi công quân sự của Mỹ hoạt động tại biển Hoa Đông...

Phi công quân sự của Mỹ hoạt động tại biển Hoa Đông bị tấn công bằng tia laser

Tờ The Japan Times ngày 22/6 cho biết giới chức Mỹ nói rằng các phi công quân sự của nước này hoạt động tại biển Hoa Đông đã bị tấn công bằng tia laser hơn 20 lần trong suốt 10 tháng qua. Thông tin này được đưa ra sau hàng loạt cáo buộc về các cuộc tấn công tương tự ở Đông Phi mà Lầu Năm Góc cho là do Trung Quốc tiến hành. 

Đô đốc Philip Davidson, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cho biết các cuộc tấn công laser trên biển được ghi nhận lần đầu tiên vào tháng 9/2017. Các tuyến đường hàng hải này là nơi Quân đội Trung Quốc đang tăng cường hoạt động. Người phát ngôn Lầu Năm Góc Cassandra Gesecki nói rằng laser được chiếu từ nhiều nguồn khác nhau, “cả trên đất liền và từ các tàu đánh cá”. 

Truyền thông dẫn lời giới chức Mỹ cho biết một số tàu đánh cá chiếu tia laser là tàu treo cờ Trung Quốc, song không khẳng định quân đội Trung Quốc đứng đằng sau tất cả các vụ tấn công này. 

Thời báo Hoàn Cầu cho biết Bộ Quốc phòng Trung Quốc bác bỏ các nguồn tin báo chí liên quan đến vụ việc và dẫn lời một nguồn tin từ bộ này khẳng định các cáo buộc của Mỹ là “không có căn cứ và giả mạo”. 
Bắc Kinh được cho là đã triển khai một “lực lượng dân quân hàng hải” bao gồm các tàu đánh cá được đào tạo, nâng cấp và trang bị các thiết bị tinh vi như máy định vị GPS. Các tàu cá này đã đóng một vai trò quan trọng trong yêu sách chủ quyền lãnh hải ở biển Hoa Đông và Biển Đông của Trung Quốc. Bên cạnh lực lượng “dân quân” này, quân đội Trung Quốc đang thực hiện một chương trình hiện đại hóa quân sự do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng, người trực tiếp giám sát việc tăng cường một lực lượng chiến đấu hùng mạnh. 

Trong bối cảnh ấy, tờ The Economist của Anh số ra ngày 23/6 đã đăng một bài phân tích mang tựa đề “Một cái ao nhà của Trung Quốc”, kèm theo bình luận “Trung Quốc đã quân sự hóa Biển Đông mà không bị hề hấn gì”. Theo tờ báo, Mỹ đã đe dọa rằng Trung Quốc sẽ phải nhận “hậu quả”, nhưng chưa rõ được hậu quả đó là gì. 

  Theo The Economist, chiến lược thâu tóm Biển Đông của Trung Quốc bắt đầu bằng những lời nói dối công khai, sau đó là những lập luận đánh lừa dư luận, để rồi đến lúc này Bắc Kinh cảm thấy không cần phải ngụy biện nữa vì đã nắm chắc được Biển Đông trong tay. 

Cách đây hơn 3 năm, khi đứng với Barack Obama trong Vườn Hồng ở Nhà Trắng, Tập Cận Bình đã thản nhiên nói dối rằng Trung Quốc hoàn toàn không “có ý định theo đuổi việc quân sự hóa” các hòn đảo nhân tạo mà ảnh vệ tinh đã phát hiện là đang được rầm rộ bồi đắp. Thế nhưng, theo những gì nhà nghiên cứu Steven Stashwick viết trên tạp chí The Diplomat, ngày càng có thêm bằng chứng rằng Bắc Kinh đã lắp đặt những thiết bị quân sự, thậm chí vũ khí, trên các hòn đảo mà họ chiếm đóng ở Trường Sa, kể cả tên lửa chống hạm và phòng không. 

Theo chuyên gia Bill Hayton thuộc trung tâm tham vấn Anh Chatham House, bước cuối cùng trong chiến lược Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông là việc triển khai máy bay tấn công ở quần đảo Trường Sa, và đây chỉ còn là vấn đề thời gian mà thôi. Các quốc gia có tuyên bố chủ quyền chồng lấn trong khu vực cũng tôn tạo các thực thể họ nắm giữ ở Biển Đông nhưng quy mô thua xa những gì Trung Quốc đã làm – với tổng diện tích cải tạo lên đến khoảng 1.300 ha riêng tại Trường Sa. Bắc Kinh tuyên bố họ chỉ có các công trình phục vụ lợi ích chung, như xây dựng các ngọn hải đăng. Tuy nhiên, The Economist cho rằng lời khẳng định đó hoàn toàn sai. 

Trước hết, các công trình cải tạo mà Trung Quốc tiến hành là một thảm họa về sinh thái, phá hủy các rạn san hô làm cho nguồn cá bị suy giảm nghiêm trọng. Ngoài ra, các hành vi mới đây của Bắc Kinh đã phủ nhận hoàn toàn những tuyên bố “vì mọi người” của Trung Quốc, đồng thời vẽ lại bản đồ chiến lược của khu vực. 

Cho đến nay, chiến thuật bành trướng của Trung Quốc là âm thầm từng bước, tránh khiêu khích lộ liễu để tránh gây nên phản ứng mạnh. Thủ đoạn mà nước này sử dụng là hạn chế dùng hải quân, mà chủ yếu viện đến lực lượng hải cảnh và “dân quân biển” để đe dọa các nước láng giềng. 
Chuyên gia Andrew Erickson, làm việc tại Trường Hải quân Chiến tranh Mỹ, cho rằng chính chiến thuật này đã giúp Trung Quốc thành công mà ít bị phản ứng nhất. Vấn đề là giờ đây có lẽ Bắc Kinh không còn cần đến “cái vỏ” bán quân sự này nữa. 

Theo The Economist, không có nhiều quốc gia đủ sức cản bước Trung Quốc. Thực tế là Trung Quốc là một nước lớn và các láng giềng có ít lựa chọn nào khác hơn là thuận theo Trung Quốc. Tuy nhiên, việc thuận theo Trung Quốc cũng kéo theo những rủi ro chính trị, chẳng hạn như các cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc và phản đối chính quyền tại một số quốc gia có tuyên bố chủ quyền trong khu vực. 

Về phần Mỹ, chính quyền của Tổng thống Donald Trump có vẻ như đang nỗ lực triển khai một chiến lược gây sức ép trên Trung Quốc trên một số mặt trận, bao gồm thương mại và hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho Đài Loan. Washington đã hủy bỏ lời mời Trung Quốc tham gia cuộc tập trận hải quân thường kỳ ngoài khơi Hawaii. Mỹ cũng gia tăng các chiến dịch “tự do hàng hải” trên Biển và thuyết phục Pháp và Anh cùng tham gia. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã dọa rằng Trung Quốc sẽ bị những “hậu quả lớn hơn” nếu không thay đổi cách hành xử.
Tuy nhiên, The Economist kết luận rằng với những gì đang diễn ra, có vẻ như Trung Quốc đã gần hoàn thành những tham vọng của mình. Trung Quốc đã nắm được “yết hầu” của một trong những tuyến đường thủy bận rộn nhất thế giới, và chiếm lĩnh được một vị trí tốt để đòi chủ quyền trên các nguồn cá và dầu khí. Trung Quốc cũng có lợi thế chiến lược trong bất kỳ cuộc xung đột nào liên quan tới Đài Loan. Và nhờ thực tế này, các tuyên bố chủ quyền, dù phi lý, của Trung Quốc ở Biển Đông ngày càng được củng cố mạnh mẽ hơn.

 

RELATED ARTICLES

Tin mới