Friday, April 19, 2024
Trang chủBiển nóngThấy gì qua hành động xua đuổi ngư dân tránh bão của...

Thấy gì qua hành động xua đuổi ngư dân tránh bão của TQ

Trong bối cảnh nhiều nước đang phối hợp, hỗ trợ ngư dân tránh bão do áp thấp nhiệt đới ở trên khu vực Bắc Biển Đông gây ra, 20 tàu cá cùng 100 ngư dân của tỉnh Quảng Ngãi đang trú tránh ở rìa Nam Tây Nam đảo Bạch Quy (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) thì bị tàu Trung Quốc xua đuổi trái phép. Điều đáng nói là đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc xua đuổi tàu cá của Việt Nam vào tránh bão ở khu vực thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông (bị Trung Quốc sử dụng vũ lực xâm chiếm năm 1974). Hành động trên của Trung Quốc không chỉ vi phạm luật pháp quốc tế mà còn đi ngược lại nhân cách, đạo đức của con người.

Tàu Trung Quốc xua đuổi tàu cá Việt Nam

Trung Quốc đã nhiều lần xua đuổi tàu cá Việt Nam vào tránh bão:

Trong năm 2018: Văn phòng ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thông tin (18/6) cho biết do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, 20 tàu cá cùng 100 ngư dân của tỉnh Quảng Ngãi đã trú tránh ở rìa Nam Tây Nam đảo Bạch Quy (thuộc quần đảo Hoàng Sa) thì bị tàu của Trung Quốc xua đuổi, không cho cập bờ tránh bão.

Trong khi đó, một tàu cá với 6 ngư dân của tỉnh Quảng Ngãi (20/4/2018) đang hoạt động tại vị trí 16 độ 36 phút vĩ độ Bắc và 112 độ 50 phút kinh độ Đông, cách đảo Linh Côn, thuộc quần đảo Hoàng Sa khoảng 7 hải lý về phía Đông-Đông Nam bị 2 tàu Trung Quốc mang số hiệu 45103 và 46001 đâm chìm.

Trong năm 2016: Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn (12/8/2016) cho biết có 6 tàu cá tỉnh Qảng Nam cùng 259 ngư dân đang đánh bắt cá ở vùng biển có vị trí cách đảo Bông Bay (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam nhưng hiện đang bị phía Trung Quốc chiếm giữ và kiểm soát phi pháp) khoảng 40 hải lý thì gặp thời tiết xấu, sóng lớn kèm theo gió mạnh cấp 6 – 7. Các tàu trên có đề nghị vào tránh trú tại đảo Bông Bay, song cơ quan chức năng Trung Quốc thông báo “khu vực đảo Bông Bay, quần đảo Hoàng Sa không thích hợp để tránh trú, đề nghị 6 tàu Việt Nam quay trở về”.

Trước đó, 18 tàu cá Đà Nẵng (29/6/2016) đang neo đậu tại phía Bắc Hoàng Sa để tránh bão thì bị “một tàu lạ” cập mạn tàu cá cướp đi 25 thùng phi dầu, 4 tấn mực khô và 10 thùng nước ngọt, rồi xua đuổi tàu cá Việt Nam.

Trong năm 2013: Tàu Hải quân Trung Quốc (1/2013) ngăn chặn hai tàu cá của tỉnh Quảng Ngãi bị nạn trên biển vào đảo Bom Bay để tránh bão và sửa chữa hư hỏng. Chỉ đến khi Bộ Ngoại giao Việt Nam can thiệp với phía Trung Quốc thì các tàu trên mới được cập đảo Bom Bay.

Hành động của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế:

Trung Quốc là một nước lớn, đã ký kết, tham gia nhiều Công ước, quy định quốc tế liên quan việc bảo vệ, hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân khi gặp khó khăn trên biển. Song hành động ngặn chặn, xua đuổi ngư dân vào tránh bão của Trung Quốc đã vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), đi ngược lại tinh thần và lời văn của Tuyên bố về Ứng xử của các Bên ở Biển Đông, trái với Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc, không phù hợp với thỏa thuận quan trọng Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được về kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có lợi cho việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông. Cụ thể:

Trung Quốc đã đi ngược lại Điều 5 của Tuyên bố về Ứng xử của các Bên ở Biển Đông (DOC) đã được Chính phủ Trung Quốc và các nước ASEAN ký kết, thông qua vào tháng 11 năm 2002 tai PhnomPenh, Vương quốc Campuchia. Điều 5 quy định: “Các bên chịu trách nhiệm thực hiện sự tự chế trong việc thi hành các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và sự ổn định, kiềm chế không tiến hành đưa người đến sinh sống trên những hòn đảo hiện không có người sinh sống, trên các rặng đá ngầm, bãi cát ngầm, đảo nhỏ và những yếu tố khác và phải được xử lý những khác biệt của mình bằng phương pháp có tính xây dựng.

Trong khi chờ đợi sự dàn xếp hòa bình cho các tranh chấp về lãnh thổ và quyền thực thi pháp luật, các bên liên quan tiến hành tăng cường những nỗ lực nhằm tìm kiếm các phương cách xây dựng lòng tin và sự tín nhiệm lẫn nhau trong tinh thần hợp tác và hiểu biết, bao gồm: Tổ chức các cuộc đối thoại và trao đổi quan điểm một cách thích đáng giữa các quan chức phụ trách quân sự và quốc phòng. Bảo đảm đối xử công bằng và nhân đạo đối với tất cả mọi người đang gặp hiểm nguy hoặc tai họa.Thông báo trên cơ sở tự nguyện cho các bên liên quan khác về mọi cuộc tập luyện quân sự liên kết/hỗn hợp sắp diễn ra”.

Trung Quốc cũng vi phạm các quy định của UNCLOS, mà cụ thể là mục a, mục b, Khoản 1, Điều 98 về Nghĩa vụ giúp đỡ. Điều 98 quy định “Mọi quốc gia đòi hỏi thuyền trưởng của một chiếc tàu mang cờ của nước mình, trong chừng mực có thể làm được mà không gây nguy hiểm nghiêm trọng cho con tàu, cho đoàn thủy thủ hay cho hành khách trên tàu, phải:

a) Giúp đỡ bất kỳ ai đang gặp nguy khốn trên biển;

b) Hết sức nhanh chóng đến cứu những người đang bị nguy cấp nếu như được thông báo những người này cần được giúp đỡ, trong chừng mực mà người ta có thể chờ đợi một cách hợp lý là thuyền trưởng phải xử lý như thế;

c) Trong trường hợp xảy ra tai nạn đâm va, giúp đỡ chiếc tàu kia, đoàn thủy thủ và hành khách của nó và, trong phạm vi có thể, cho chiếc tàu đó biết tên và cảng đăng ký của tàu mình, và cảng gần nhất mà tàu mình sẽ cập bến”.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng vi phạm, đi ngược lại “Thoả thuận nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề trên biển Việt-Trung”; nhiều quy định, Nghị định thư của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) khi đối xử vô nhân đạo với ngư dân Việt Nam.

Trung Quốc đang đi ngược lại đạo lý làm người, đối xử vô nhân đạo với người gặp hoạn nạn, khó khăn trên biển

Đầu tiên, các tàu cá Việt Nam vào tránh bão ở quần đảo Hoàng Sa, nơi thuộc về chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam đã bị Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng trái phép năm 1974 – điều mà luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hiệp quốc không cho phép và thừa nhận. Việc Trung Quốc xua đuổi, thậm chí đâm chìm tàu cá Việt Nam trên vùng biển của Việt Nam là không thể chấp nhận được. Hành động này của Bắc Kinh rất phù hợp với câu nói “vừa ăn cướp, vừa la làng”.

Thứ hai, trong khi xảy ra áp thấp nhiệt đới, bão lớn trên Biển Đông, tàu cá của Việt Nam cũng như tàu cá các nước khác tìm nơi gần nhất để trú ấn, tránh bão là điều bình thường, được luật pháp quốc tế bảo hộ. Vậy hành động đi ngược lại luân thường đạo lý, đi ngược lại lợi ích của cộng đồng quốc tế của Bắc Kinh cần được hiểu như thế nào???

Thứ ba, thấy người bị nạn, bất kể là trên đất liền hay trên biển, tất cả những ai có lương tâm, có lòng bác ái đều ra tay giúp đỡ, hỗ trợ, song vì sao Trung Quốc lại đi ngược lại những nghĩa cử cao đẹp này???

Thứ tư, việc ngăn chặn ngư dân các nước tránh bão hoàn toàn đồng nghĩa với việc đẩy họ ra đối mặt với tử thần trên biển. Nếu không may mắn, những ngư dân đó không tìm kiếm được nơi trú ẩn, bị sóng đánh chìm ngoài biển thì không chỉ tài sản mà tính mạng của nhiều ngư dân bị đe dọa; gây đau thương, mất mát cho nhiều thế hệ, nhiều gia đình…

Nhìn chung, hành động xua đuổi ngư dân vào tránh bão của Trung Quốc là không thể chấp nhận được. Nó vừa đi ngược lại các quy định quốc tế, Thỏa thuận đa phương, song phương mà Bắc Kinh là một bên tham gia ký kết, nó còn đi ngược lại đạo lý làm người. Việc làm của Trung Quốc cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định trong khu vực, không có lợi trong việc xây dựng lòng tin giữa các nước; không tạo điều kiện thúc đẩy xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

RELATED ARTICLES

Tin mới