Friday, March 29, 2024
Trang chủBiển nóngTQ vi phạm Phán quyết của Tòa Trọng tài khi tiến hành...

TQ vi phạm Phán quyết của Tòa Trọng tài khi tiến hành bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo trên quy mô lớn ở Biển Đông

Sau Phán quyết của Toà Trọng tài theo Phụ lục VII, Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (7/2016), cùng với việc đưa nhiều tuyên bố ở những cấp độ khác nhau về việc không chấp nhận thẩm quyền của Tòa và không thực thiphán quyết, thì trên thực địa, Trung Quốc cũng đã liên tục vi phạm phán quyết khitiếp tục tiến hành bồi đắp, xây dựng đảo.

Hoạt động mở rộng đảo nhân tạo phi pháp của Trung Quốc trên bãi đá Su Bi. Ảnh chụp hôm 13/11/2017. Nguồn: DWNews

Theo phán quyết của Tòa, hoạt động bồi đắp, xây dựng đảo của Trung Quốc là phi pháp và bị lên án

Phán quyết của Toà Trọng tài được xem là phán quyết mang tính lịch sử, trong đó lần đầu tiên một cơ quan tài phán quốc tế bác bỏ “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc và cũng bác bỏ luôn cả quyền lịch sử của Trung Quốc đối với tài nguyên bên trong “đường lưỡi bò”. Đây cũng chính là bộ quy chế về pháp lý đầy đủ về các cấu trúc trên biển, giúp định nghĩa đầy đủ thế nào là đảo, là đá, bãi nửa nổi nửa chìm… và quy chế pháp lý đối với từng cấu trúc như vậy, có thể xem là một sự tiến bộ của nhân loại về mặt pháp lý, khoa học.

Ngoài việc bác bỏ tính pháp lý về yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc ở Biển Đông, phán quyết đã nêu rõ “việc bồi đắp và xây dựng đảo nhân tạo trên quy mô lớn của Trung Quốc gần đây là không phù hợp với nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước trong quá trình giải quyết tranh chấp, trong chừng mực mà Trung Quốc đã gây ra những tác hại không thể sửa chữa được với môi trường biển… và phá huỷ các bằng chứng về điều kiện tự nhiên của các cấu trúc ở Biển Đông mà là một phần của tranh chấp giữa các Bên”. Toà cũng cho rằng “Trung Quốc đã vi phạm quyền chủ quyền của Philippines trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này bằng việc (a) can thiệp vào hoạt động đánh cá và thăm dò dầu khí của Philippines, (b) xây dựng đảo nhân tạo và (c) không ngăn chặn ngư dân Trung Quốc đánh bắt ở khu vực này. Như vậy, có thể thấy rõ ràng là cả trên bình diện Biển Đông hay chỉ trong vùng đặc quyền kinh tế của của Philippines thì bất kỳ hoạt động mở rộng, xây dựng đảo nhân tạo nào của Trung Quốc trước, trong và sau khi Tòa ra phán quyết đều là đáng bị lên án và trái với phán quyết của Tòa.

Tuy nhiên, bất chấp công lý và dư luận, Trung Quốc vẫn tiến hành bồi đắp và xây dựng đảo nhân tạo quy mô lớn

Ngay sau khi phán quyết được đưa ra, người dân và chính phủ các nước đã kỳ vọng về việc pháp luật quốc tế và phán quyết của Tòa Trọng tài được các bên nghiêm túc thực thi. Trong đó, với tư cách thành viên tham gia Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, đồng thời cũng là nước Uỷ viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nên hơn bất kỳ quốc gia nào, Trung Quốc càng cần phải tôn trọng và thực thi đầy đủ phán quyết của PCA hơn. Song thực tế, Trung Quốc đã từ âm thầm đến công khai tiến hành mở rộng hoạt động bồi đắp và xây dựng đảo ở cả quy mô và mức độ vô cùng lớn.

Tại Hoàng Sa, các hình ảnh vệ tinh đều cho thấy Trung Quốc đã và đang tiếp tục xây dựng các cơ sở quân sự đồ sộ, quy mô trên Đảo Bắc, Đảo Cây và đảo Phú Lâm. Tại Đảo Bắc, Trung Quốc đã triển khai san ủi mặt đất và có thể chuẩn bị xây một cảng biển mà các nhà chuyên môn tin là nó được sử dụng để yểm trợ cho các cơ sở quân sự. Đáng chú ý nhất là tại đảo Phú Lâm, hoạt động bồi đắp, xây dựng quy mô của Trung Quốc đang dần biến đảo này trở thành tiền đồn do thám và thu thập thông tin tình báo phục vụ tham vọng mở rộng các căn cứ quân sự của nước này gần đảo Hải Nam.

Tại Trường Sa, Trung Quốc đã nhiều lần công khai về hoạt động bồi đắp, xây dựng, quân sự hóa tại các đảo nhân tạo. Theo trang tin DWNews đưa tin cuối tháng 11/2017, một số trang mạng quân sự Trung Quốc đăng tải phác đồ mới nhất về mở rộng đảo nhân tạo phi pháp trên bãi đá Su Bi mà nước này chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa. Theo đó, đảo nhân tạo được chia thành 2 khu vực quân sự và dân sự. Đá Su Bi vốn là rạn san hô vòng thuộc cụm Thị Tứ của quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, nằm cách đảo Thị Tứ khoảng 26 km về phía Tây Nam, bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép từ 1988. Hiện nay tại Su Bi, Trung Quốc đã xây dựng một đường băng 3.250m x 55m, dài nhất trong các đường băng hiện có tại khu vực Biển Đông có thể cất hạ cánh các máy bay vận tải hạng trung và máy bay chiến đấu. Báo chí Trung Quốc cho rằng, sân bay ở Su Bi cùng với các sân bay ở Phú Lâm, Chữ Thập và Vành khăn tạo thành cụm sân bay hình chữ “phẩm” (品) trên Biển Đông. Các loại công trình, cơ sở thiết bị trên đảo đã cơ bản hoàn thành. Hiện Trung Quốc vẫn đang thường xuyên duy trì các tàu công trình lớn hoạt động tại lòng hồ phía bên trong đảo; thời điểm nhiều nhất có tới hơn 10 chiếc tiếp tục hút và phun cát để bồi đắp, mở rộng thêm diện tích.

Tại đá Chữ Thập, theo Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (Mỹ), các hình ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang tiếp tục thúc đẩy giai đoạn kế tiếp của việc xây dựng các hạ tầng cần thiết cho các căn cứ hải quân và không quân lớn hơn. Cụ thể, từ đầu năm 2018 đến nay, Trung Quốc đã lắp đặt hệ thống rađa ở phía Bắc đá Chữ Thập. Ý định của Trung Quốc muốn biến thực thể nhân tạo này thành một tiền đồn lưỡng dụng phục vụ cả mục đích dân sự lẫn quân sự như đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa. Tổng diện tích các công trình xây dựng trên Chữ Thập lên tới hơn 110.000m2, bao gồm các nhà chứa máy bay dọc đường băng chính.

Trên đá Vành Khăn, theo các số liệu theo dõi, đến tận cuối năm 2015, đá Vành Khăn vẫn chỉ là một bãi đá nửa nổi nửa chìm, song chỉ trong vòng 2 năm, đến nay, Trung Quốc đã biến đá Vành Khăn thành một đảo nhân tạo lớn với đầy đủ các công trình như đá Subi. Trung Quốc còn xây thêm hầm chứa đạn, nhà chứa máy bay, hầm trú tên lửa và rađa. Thâm chí, mới đây, Trung Quốc cũng không ngại thừa nhận đưa chiến đấu cơ J-11 ra Biển Đông và trình làng một tàu nạo vét biển hiện đại.

Giới quan sát cho rằng bề ngoài thì Trung Quốc rêu rao khu vực Biển Đông ít lâu nay ổn định trong khi vẫn liên tục hoạt động trang bị cho những đảo hoang và bãi đá ngầm nay là các căn cứ với những loại võ khí tối tân nhất. Trong Báo cáo của Cơ quan Thông tin và Số liệu Hải dương Trung Quốc công bố ngày 22/12/2017, Trung Quốc rêu rao các dự án xây dựng trong năm 2017, kể cả hạ tầng cho trạm radar, có tổng diện tích khoảng 290.000 m2 tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Hoạt động bồi đắp, cải tạo của Trung Quốc hoàn toàn khác với việc việc xây dựng, nâng cấp các công trình trên các cấu trúc địa lý thông thường

Giới chức và truyền thông Trung Quốc ra sức bao biện rằng mọi hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, bao gồm cả việc bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo đều chính đáng, tương tự như các nước khác đã làm và nằm trong chủ quyền của Trung Quốc. Tuy nhiên, giới chuyên gia quốc tế, khu vực cho rằng hoạt động bồi đắp, xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc hoàn toàn khác so với hoạt động đơn thuần của các nước. Các ý kiến đều đồng tình rằng hoạt động cải tạo các cấu trúc địa lý trên biển là một thực tiễn phổ biến được nhiều quốc gia thực hiện nhằm mở rộng lãnh thổ, thiết lập các cơ sở, bảo đảm và củng cố đời sống dân sinh cũng như an ninh quốc phòng. Đặc điểm chung của các hoạt động cải tạo mà các nước thực hiện thông thường là được thực hiện tại các vùng lãnh thổ không có tranh chấp. Các quốc gia thực hiện cải tạo đi kèm với các biện pháp để tránh không tạo ra tác động tiêu cực với các quốc gia hữu quan, trong đó đặc biệt chú trọng đến quyền tự do hàng hải, hàng không và nghĩa vụ bảo vệ môi trường và tiến hành tham vấn với các quốc gia hữu quan khi cần thiết. Ví dụ như Nhật Bản đã tiến hành xây dựng sân bay Kansai gần Osaka từ hoạt động cải tạo một đảo gần bờ và xây dựng đê bao quanh bảo vệ đảo Okinotorishima để ngăn chặn đảo này chìm xuống dưới mặt nước biển. Điểm đặc biệt của công trình đê này là tuyến đê chỉ được xây dựng bao quanh mà không can thiệp trực tiếp vào cấu trúc tự nhiên của đảo này. Hàn Quốc cũng tiến hành xây dựng trạm nghiên cứu khoa học tại bãi cạn Ieodo, trạm nghiên cứu khoa học này có cấu tạo nổi trên biển trong đó có một bãi đáp cho một máy bay trực thăng loại nhỏ. Australia cũng cải tạo biển từ những năm 1990 quy mô lớn ở khu vực bờ biển Gold và vịnh Sydney nhưng khu vực này đều không thuộc phạm vi tranh chấp và cũng cách xa bờ biển của các quốc gia hữu quan nên ít tạo ra tác động tiêu cực về quyền tự do hàng hải và môi trường. Australia cũng chỉ chủ động sử dụng các điểm cơ sở cũ, trước khi tiến hành cải tạo biển, để xác định các vùng biển thuộc quyền tài phán và quyền chủ quyền của mình, từ đó không tạo ra tác động tiêu cực, thu hẹp các vùng biển quốc tế. Hoặc các hoạt động cải tạo của Việt Nam tại một số điểm, đảo mà Việt Nam hiện đang kiểm soát, cũng chỉ là việc xây dựng trên quy mô nhỏ nhằm cải tạo lại các công trình đã cũ, củng cố đời sống dân sinh; các hoạt động này không ảnh hưởng đến môi trường biển, không gây cản trở an toàn, an ninh hàng hải, hàng không quốc tế, không ảnh hưởng đến hòa bình và an ninh ở Biển Đông.

Hoạt động bồi đắp, cải tạo của Trung Quốc đã kéo theo nhiều hệ lụy

Trước khi có phán quyết của Tòa, từ cuối năm 2013 đến năm 2015, Trung Quốc đã bắt đầu cấp tập tăng cường xây dựng, tôn tạo và bồi đắp các cấu trúc địa lý mà nước này đang chiếm đóng trái phép tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, với tốc độ chóng mặt trung bình cứ mỗi ngày ngủ dậy Trung Quốc đã xây dựng thêm 96,5m2 diện tích Biển Đông. Những hành động này đã bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ vì đã phá vỡ lòng tin và những nỗ lực giải quyết tranh chấp, kiến tạo hòa bình của các bên, đồng thời tàn phá môi trường sinh thái và đe dọa an toàn hàng hải ở khu vực. Theo tính toán của các chuyên gia, Bắc Kinh xây dựng các đảo nhân tạo ở Trường Sa và Hoàng Sa đã tàn phá tới 160km2 rạn san hô và phá hủy gần 60km2 san hô vòng ở các khu vực xung quanh. Ông John McManus, Đại học Miami nhận định khoảng 10% diện tích san hô tại quần đảo Trường Sa và 8% diện tích san hô ở Hoàng Sa đã bị xóa sổ hoàn toàn do hoạt động của Trung Quốc gây ra. Theo Giáo sư Edgado Gomez (Philippines) ước tính rằng với mức độ phá hủy san hô hiện tại sẽ khiến các quốc gia ven biển trong khu vực Đông Nam Á phải gánh chịu thiệt hại 5,7 tỷ USD/năm, gây tác động tiêu cực xuyên biên giới.Ngoài ra,trong quá trình Trung Quốc đưa quân ra đồn trú, sinh hoạt đã thải các kim loại nặng, chất ô nhiễm hữu cơ bền (POPs) và nước thải có thể chứa các kim loại nặng hoặc chất ô nhiễm hữu cơ bền trực tiếp ra biển mà không được xử lý gây những tác động rất nghiêm trọng tới môi trường và các hệ sinh thái biển. Không những vậy, việc xây dựng các công trình phi pháp ở Trường Sa và Hoàng Sa của Trung Quốc cũng làm thay đổi trường sóng và dòng chảy tại các khu vực biển gần bờ, tác động xấu tới hệ sinh thái biển cũng như làm thay đổi điều kiện đáy biển và cán cân bùn cát, trực tiếp phá hủy hệ sinh thái biển.

Tóm lại, việc Trung Quốc ồ ạt tôn tạo, bồi đắp các cấu trúc địa lý trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thời gian vừa qua rõ ràng là hành động vi phạm nghiêm trọng phán quyết của Tòa Trọng tài, vi phạm DOC, khiến cho tinh thần thượng tôn pháp luật và chính nghĩa bị chà đạp. Những hoạt động này đã và đang hủy hoại nghiêm trọng môi trường, sinh thái biển, làm phức tạp tình hình, đe dọa an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hòa bình và ổn định trong khu vực và trên thế giới.

RELATED ARTICLES

Tin mới