Tuesday, April 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiNhững hệ lụy từ việc ông Trump quyết định dừng tập trận...

Những hệ lụy từ việc ông Trump quyết định dừng tập trận với Hàn Quốc

Quyết định dừng tập trận với Hàn Quốc của Tổng thống Donald Trump đã khiến nhiều đồng minh khác của Mỹ hết sức lo ngại.

Đồng minh “đứng ngồi không yên”

Theo Reuters, các đồng minh chính của Mỹ ở châu Á và châu Âu từng cảm thấy lo lắng trước tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Washington đã phải chi quá nhiều tiền để bảo vệ họ giờ càng thêm lo lắng trước khả năng Mỹ-Hàn không tiến hành các cuộc tập trận nữa.

Hiện vẫn chưa rõ Mỹ sẽ dừng các cuộc tập trận nào với Hàn Quốc nhưng theo các chuyên gia, hầu hết các cuộc tập trận này thường diễn ra vào tháng 8. Hơn thế nữa, trong 2 năm qua, Mỹ vẫn coi đây là cách để “răn đe” Triều Tiên hòng buộc nước này từ bỏ chương trình hạt nhân.

Chính phủ Mỹ hy vọng, thông qua việc dừng các cuộc tập trận với Hàn Quốc- mà Triều Tiên nhiều lần cáo buộc là “mang nặng tính khiêu khích”- Triều Tiên sẽ “đóng băng” cùng lúc cả chương trình tên lửa và các cuộc thử nghiệm đầu đạn hạt nhân của nước này.

Theo các chuyên gia, thỏa thuận giữa Mỹ và Triều Tiên được đánh giá là “không tồi” và nếu thỏa thuận này có thể làm giảm nguy cơ leo thang căng thẳng có khả năng dẫn đến xung đột, chính quyền của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ cảm thấy “rất hài lòng”.

Tuy nhiên, việc ông Trump đề cập đến khả năng chủ động rút toàn bộ binh sĩ Mỹ khỏi Hàn Quốc như một phần thỏa thuận với Triều Tiên lại khiến Seoul “đứng ngồi không yên”.

Hơn thế nữa, không chỉ Hàn Quốc, nhiều đồng minh vốn dựa vào sự bảo đảm an ninh của Mỹ từ sự hiện diện của lính Mỹ cũng như các cuộc tập trận chung với Mỹ như một cách để răn đe đối phương cũng bắt đầu cảm thấy lo lắng.

Mỹ muốn đồng minh đóng góp thêm

Sự lo lắng này thể hiện rõ tại châu Âu khi giới chức tại đây đang hồi hộp chờ đợi sự xuất hiện của Tổng thống Donald Trump tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO dự kiến diễn ra vào tháng 7.

Trước đó, ông Trump đã công khai tuyên bố, các nước châu Âu đang đóng góp quá ít cho việc bảo vệ an ninh của chính họ. Đó là còn chưa tính đến chi phí cho 65.000 binh sĩ Mỹ hiện đang hiện diện tại “Lục địa già”.

Các nước châu Âu lo ngại, sau kết quả “không mấy tích cực” tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 tại Canada, nơi ông Trump từ chối ký vào tuyên bố chung, Tổng thống Mỹ sẽ càng có những tuyên bố “gay gắt hơn” nhằm vào các đồng minh châu Âu.

Cho đến nay, Mỹ vẫn chưa đề cập gì đến khả năng sẽ rút quân khỏi châu Âu. Điều này khiến các đồng minh châu Âu, đặc biệt là các quốc gia Đông Âu có thể tạm “thở phào nhẹ nhõm”. Tuy nhiên, nếu nhìn vào thỏa thuận giữa Mỹ và Ba Lan, họ vẫn có lý do để thận trọng.

Điều này là bởi, Chính phủ Ba Lan đã đồng ý chi 2 tỷ USD cho Mỹ để Mỹ đưa lực lượng thiết giáp của mình hiện diện tại Ba Lan nhằm củng cố sức mạnh cho một nhóm binh sĩ khác của Mỹ hiện đang đồn trú tại đây.

Trong khi đó, từ trước đến nay, các nước có nhiều binh sĩ Mỹ hiện diện như Đức, Nhật Bản, Anh, Italy, Thổ Nhĩ Kỳ… chỉ cung cấp căn cứ hoặc hỗ trợ rất ít về chi phí cho số lính Mỹ nói trên mà không chi trả thêm bất kỳ khoản tiền nào khác.

An ninh quốc gia và khu vực bị tổn hại

Trở lại vấn đề Triều Tiên, nhiều chuyên gia quân sự bày tỏ lo ngại, việc Mỹ dừng các cuộc tập trận với Hàn Quốc sẽ khiến năng lực sẵn sàng chiến đấu của cả binh sĩ Mỹ và Hàn Quốc ngày càng giảm sút.

Dù vậy, một số chuyên gia lại lạc quan cho rằng, việc dừng các cuộc tập trận sẽ giúp cả Mỹ và Hàn Quốc dễ dàng hơn trong việc tăng cường áp lực về ngoại giao với Triều Tiên trong trường hợp nước này nối lại các vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân.

Tuy nhiên, các đồng minh của Mỹ lo ngại rằng, những gì đang diễn ra tại Hàn Quốc sẽ là sự mở đầu cho việc quân đội Mỹ ồ ạt rút quân tại nhiều khu vực trên toàn cầu, đặc biệt là ở những quốc gia có vị trí địa chiến lược quan trọng.

Cách tiếp cận này của ông Trump có thể nhận được sự hoan nghênh từ những người ủng hộ ông và những người từ lâu vẫn tin rằng, các hoạt động quân sự của Mỹ tại Trung Đông và nhiều nơi khác trên thế giới là “những sai lầm đắt đỏ”.

Rõ ràng, các hoạt động quân sự của Mỹ trong suốt 2 thập kỷ qua không phải lúc nào cũng mang đến hòa bình và ổn định trên toàn cầu. Tuy nhiên, sự hiện diện của quân đội Mỹ phần nào cũng giúp trấn an các đồng minh và đảm bảo an ninh cho những nước này trong suốt 70 năm qua.

Chính vì thế, các đồng minh có lý do để lo ngại về việc ông Trump cân nhắc rút toàn bộ binh sĩ khỏi Hàn Quốc bởi điều này có thể tác động nghiêm trọng đến an ninh của từng quốc gia cũng như toàn bộ khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới