Wednesday, April 24, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiViệt Nam: Thứ hạng giải quyết phá sản doanh nghiệp thấp nhất...

Việt Nam: Thứ hạng giải quyết phá sản doanh nghiệp thấp nhất Asean, trừ Lào

Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, Việt Nam có thứ hạng về giải quyết phá sản doanh nghiệp thấp thuộc loại cuối bảng xếp hạng (123/190 nền kinh tế), thấp hơn hầu hết các nước Asean (chỉ đứng trên Lào).

 

Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế – xã hội Quốc gia – Bộ Kế hoạch và Đầu tư  dẫn nguồn Ngân hàng thế giới cho biết, việc xếp hạng và đánh giá môi trường kinh doanh đi theo chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp, theo đó, để xếp hạng môi trường kinh doanh có 10 chỉ số được đề xuất.
 
Có thể thấy, Việt Nam đã có sự cải thiện thực chất về môi trường kinh doanh, thể hiện ở việc cả thứ hạng và điểm đo sự thay đổi tuyệt đối (DTF) đều tăng.
 
Theo Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế – xã hội Quốc gia, sự cải thiện trong xếp hạng và điểm tuyệt đối của Việt Nam là do sự nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh (thể hiện ở Nghị quyết số 19/2014/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh) và Luật Doanh nghiệp 2014.
 
Các chỉ số thành phần có sự cải thiện về điểm tuyệt đối và thứ hạng, trong đó 3 chỉ số gồm: Tiếp cận điện năng, Bảo vệ nhà đầu tư, và Nộp thuế có mức độ cải thiện tốt nhất. Ba chỉ số gồm: Đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản; Giải quyết tranh chấp hợp đồng; và Giải quyết phá sản doanh nghiệp không có cải thiện, giảm điểm và tụt hạng. Hai chỉ số gồm: Khởi sự kinh doanh và Giải quyết phá sản doanh nghiệp đứng cuối bảng xếp hạng.
Cụ thể, đối với chỉ số khởi sự kinh doanh, Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế – xã hội Quốc gia cho biết, nhiều năm không có sự thay đổi và cách xa rất nhiều so với các nước khác (xếp hạng năm 2014 đứng thứ 125; năm 2017 đứng thứ 123). Nguyên nhân là do số thủ tục còn nhiều và thực hiện trong thời gian dài (9 thủ tục trong 22 ngày).
 
Đối với chỉ số cấp phép xây dựng chưa có sự cải thiện. So với các nước trong khu vực ASEAN, cấp phép xây dựng của Việt Nam có số lượng thủ tục ít hơn, kiểm soát chất lượng tương đương (chủ yếu do cách đo lường là trên mặt giấy tờ (các quy định về quản lý chất lượng)), nhưng thời gian dài hơn. Thời gian để hoàn thành thủ tục cấp phép xây dựng mất 166 ngày, liên quan tới 3 Bộ và các địa phương.
 
Chỉ số tiếp cận điện năng cải thiện tích cực (xếp hạng 64/190), cần 5 bước thủ tục và 46 ngày. Chỉ số đăng ký sở hữu, sử dụng tài sản không có sự cải thiện trong nhiều năm qua (xếp hạng giảm từ 33 xuống 63; với DTF giảm từ 81,44 xuống 70,61 tương ứng trong các năm 2014 và 2017).
 
Chỉ số Tiếp cận tín dụng cải thiện tốt cả về thứ hạng và điểm số. Chỉ số Bảo vệ nhà đầu tư cải thiện tốt cả về thứ hạng và điểm số (DTF tăng từ 46,67 năm 2014 lên 55 năm 2017).
 
Chỉ số nộp thuế và bảo hiểm xã hội là một trong những chỉ số cải thiện tốt nhất với xếp hạng giai đoạn 2014 – 2017 tăng từ 173 lên 86, và DTF tăng từ 43,61 lên 72,77.
 
Theo Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế – xã hội Quốc gia, chỉ số giao dịch thương mại qua biên giới có cải thiện, nhưng do từ năm 2015 phương pháp tính chỉ số này được điều chỉnh nên thứ hạng của chỉ số này năm 2017 thấp hơn năm 2014. “Sự cải thiện chủ yếu là do việc áp dụng thủ tục hải quan điện tử, tuy nhiên mức độ cải thiện vẫn còn chậm do quản lý chuyên ngành chưa đồng đều, nhiều tầng lớp thủ tục thủ công còn khá phổ biến”, Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế – xã hội Quốc gia cho hay.
 
Về chỉ số giải quyết tranh chấp hợp đồng chưa được cải thiện, thời gian giải quyết lâu (400 ngày), chất lượng quy định về trình tự, thủ tục trong giải quyết tranh chấp còn kém; quy trình phức tạp.
 
Đối với chỉ số giải quyết phá sản doanh nghiệp có thứ hạng thấp và xếp hạng ngày càng giảm. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, Việt Nam có thứ hạng về Giải quyết phá sản thấp thuộc loại cuối bảng xếp hạng (123/190 nền kinh tế), thấp hơn hầu hết các nước ASEAN (chỉ đứng trên Lào).
 
Một trong những nguyên nhân là do chỉ số này được đo lường với 50% là mức độ phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, song ở Việt Nam, quy định chủ yếu là giải quyết phá sản và không chú trọng đến phục hồi. Mặt khác, Luật Phá sản còn nhiều hạn chế, việc phá sản của doanh nghiệp không được giải quyết nhanh chóng; chất lượng quy định pháp lý về giải quyết phá sản còn thấp.
 
RELATED ARTICLES

Tin mới