Friday, April 19, 2024
Trang chủBiển nóngMalaysia đang né tránh tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông?

Malaysia đang né tránh tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông?

Malaysia là một quốc gia quân chủ lập hiến liên bang tại Đông Nam Á, có 13 bang và 3 lãnh thổ liên bang với tổng diện tích đất là 329.847 km2, lớn thứ 67 trên thế giới về diện tích đất liền. Tây Malaysia có biên giới trên bộ với Thái Lan, Đông Malaysia có biên giới trên bộ với Indonesia và Brunei và hai phần của Malaysia tách nhau qua Biển Đông. Malaysia tuyên bố chủ quyền một phần Biển Đông về hướng Bắc của Borneo, trong đó bao gồm ít nhất là 12 thực thể thuộc quần đảo Trường Sa, kể cả Đảo An Bang và Bãi Thuyền Chài của Việt Nam. Hiện Malaysia đang kiểm soát đá Hoa Lau, đá Kỳ Vân, Bãi Kiêu Ngựa, đá Én Ca và Bãi Thám Hiểm; duy trì một đường băng cho các máy bay C-130 trên đá Hoa Lau và cho quân đồn trú trên Bãi Thám Hiểm, đá Kỳ Vân, Bãi Kiêu Ngựa và đá Én Ca.

Từ trước đến nay, Malaysia thường thể hiện cách tiếp cận “cân bằng” trong vấn đề Biển Đông, vừa để bảo vệ yêu sách chủ quyền vừa để duy trì mối quan hệ với Trung Quốc và các nước ASEAN. Trong từng thời điểm khác nhau, Malaysia đã khéo léo đưa ra những tuyên bố, hành động cụ thể nhằm bảo vệ “chủ quyền” ở Biển Đông, nhưng có những lúc Malaysia lại tỏ ra thiếu quan tâm đến diễn biến, động thái phi pháp của Trung Quốc trong khu vực. Trên thực tế, cách tiếp cận trong vấn đề Biển Đông của Malaysia có thể nhìn nhận, đánh giá dựa trên một số khía cạnh sau:

Malaysia kiên quyết bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế và những đá, bãi cạn đang chiếm đóng

Từ những năm 1980 đến nay, Malaysia luôn kiên trì thái độ không nhượng bộ đối với tuyên bố “chủ quyền” ở Biển Đông, mặc khác lại luôn lựa chọn thái độ tương đối bình tĩnh ôn hòa, chủ trương bằng phương thức hòa bình, thông qua con đường ngoại giao để giải quyết tranh chấp. Malaysia đã từng đưa ra nhiều tuyến bố khẳng định chủ quyền ở Biển Đông, chỉ trích, lên án các hành động phi pháp, bất chất luật quốc tế của Trung Quốc trong khu vực. Cựu Thủ tướng Malaysia Najib Razak (17/10/2016) từng tuyên bố Malaysia sẽ không thỏa hiệp trong các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman (20/3/2017) nhấn mạnh nước này bác bỏ yêu sách “chủ quyền” theo “đường lưỡi bò” của Trung Quốc và cho rằng hành động của Bắc Kinh chỉ làm gia tăng căng thẳng, đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực, khẳng định Malaysia phản đối các hành động quân sự hóa phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

Ngoài ra, để tăng cường khả năng bảo vệ “chủ quyền” ở Biển Đông, Malaysia cũng tích cực đầu tư, hiện đại hóa lực lượng hải quân. Được biết, hải quân nước này mới hạ thủy tàu chiến ven biển đầu tiên (có lượng giãn nước 3.100 tấn) trong gói hợp đồng 2 tỷ USD được ký kết vào năm 2011. Bộ Quốc phòng Malaysia hiện đang có kế hoạch đẩy mạnh mua sắm thêm các trang thiết bị quân sự mới như tàu chiến, máy bay trinh sát trên biển… trong năm 2019.

Malaysia vẫn thiên về đường hướng trung lập, tránh làm mất lòng các nước trong vấn đề Biển Đông

Ngay sau khi Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII của Liên hợp quốc ra phán quyết liên quan vụ kiện Trung Quốc của Philippines về vấn đề Biển Đông, Bộ Ngoại giao Malaysia cũng ra tuyên bố, song chủ yếu nhằm thăm dò phản ứng của các bên và đưa ra quan điểm chung chung liên quan phán quyết, như: “Malaysia tin tưởng các bên liên quan cần giải quyết hòa bình tranh chấp bằng việc thực sự tôn trọng quá trình pháp lý và ngoại giao, các luật liên quan và UNCLOS. Malaysia cho rằng điều quan trọng là phải duy trì hòa bình, an ninh và ổn định bằng cách kiềm chế những hành động có thể làm phức tạp tranh chấp hay làm leo thang căng thẳng, tránh đe dọa hoặc sử dụng vũ lực ở Biển Đông. Malaysia cho rằng Trung Quốc và tất cả các bên liên quan có thể tìm ra những cách thức mang tính xây dựng để thúc đẩy các đối thoại, đàm phán và tham vấn một cách hiệu quả, trong khi duy trì tính thượng tôn pháp luật vì hòa bình và an ninh khu vực”. Gần đây, phát biểu tại Đối thoại Shangri-La 16, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Hishammuddin Hussein từng khẳng định, “ quan điểm của Malaysia là rõ ràng và nhất quán: Vấn đề Biển Đông phải được giải quyết hòa bình và thông qua cơ chế đa phương, đặc biể là cơ chế có sự tham gia của các bên liên quan như ASEAN”.

Điều này càng được thể hiện rõ hơn khi Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad (19/6/2018) tuyên bố cho rằng sự xuất hiện của các tàu chiến từ các bên có thể biến những xung đột bùng phát thành đối đầu và chiến tranh, cho rằng các nước có thể thực hiện các hoạt động tuần tra chung đảm bảo an ninh trong khu vực bằng các tàu nhỏ để đảm bảo không xảy ra xung đột tại khu vực này. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia Mohamad Sabu (4/6/2018) khẳng định nước này duy trì lập trường trung lập trong vấn đề Biển Đông, theo đuổi biện pháp hoà bình và ngăn chặn xung đột vũ trang ở khu vực Đông Nam Á. Trước đó, ông Mohamad Sabu cũng kêu gọi các siêu cường như Mỹ và Trung Quốc cần tôn trọng lập trường của Malaysia trong việc đảm bảo Biển Đông là vùng biển tự do và an toàn cho tất cả các quốc gia ở khu vực.

Malaysia chú trọng khai thác dầu khí và phát triển ngư nghiệp ở Biển Đông

Việc Malaysia luôn giữ thái độ trung lập trong vấn đề Biển Đông chủ yếu là nhằm giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trong nước để tập trung phát triển kinh tế. Ưu tiên hiện nay của Malaysia là khai thác nguồn dầu khí ở khu vực đã chiếm lĩnh được ở Biển Đông. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ, Malaysia có trữ lượng 5 tỷ thùng dầu thô và khí thiên nhiên lỏng, 2.265 tỷ m3 khối khí tự nhiên dưới đáy biển. Từ những năm 1970 Malaysia bắt đầu hợp tác với những hãng dầu khí quốc tế lớn, liên tục khai thác nguồn dầu khí ở Biển Đông. Cho đến năm 2011, Malaysia khai thác tổng cộng 18 mỏ dầu và 40 mỏ khí trên Biển Đông. Sản lượng dầu khí mỗi năm vượt 30 triệu tấn, sản lượng khí đốt gần 150 triệu m3/năm.

Malaysia cũng đặc biệt quan tâm việc thúc đẩy phát triển ngư nghiệp và đẩy mạnh hoạt động chấp pháp, ngăn chặn ngư dân các nước đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Malaysia là nước khai thác hải sản lớn thứ 15 trên thế giới; hàng năm Malaysia sản xuất 1,5 – 2 triệu tấn cá, chiếm 1,85 phần trăm tổng sản lượng toàn cầu của năm.

Xu hướng chính sách Biển Đông của Malaysia dưới thời tân Thủ tướng Mahathir Mohamad

Tân Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad được giới chuyên gia, học giả và truyền thông quốc tế nhận định là người có đường lối cứng răn hơn cựu Thủ tướng Najib Razak trong vấn đề đối ngoại và Biển Đông. Ngay sau khi lên cầm quyền, ông Mahathir Mohamad đã đưa ra nhiều tuyến bố thể hiện quyết tâm bảo vệ “chủ quyền”, lợi ích của nước này ở Biển Đông, đồng thời phản đối sự hiện diện quân sự của các nước ở trong khu vực.

Ngoài ra, ông Mahathir Mohamad cũng đang tìm cách giảm sự ảnh hưởng của Trung Quốc đối với nền kinh tế Malaysia bằng cách tăng cường hợp tác với các nước (ASEAN, Mỹ và Nhật Bản) và xem xét, đánh giá lại các dự án do các công ty Trung Quốc tài trợ. Hành động này của Malaysia có thể sẽ góp phần thúc đẩy nước này có thái độ cứng rắn hơn với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới