Tuesday, April 23, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTăng cường hợp tác kinh tế với Triều Tiên, TQ thực sự...

Tăng cường hợp tác kinh tế với Triều Tiên, TQ thực sự muốn gì?

Phái đoàn quan chức phụ trách kinh tế của Triều Tiên tới Bắc Kinh chỉ vài ngày trước khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trở lại Bình Nhưỡng ngày 5/7 tới.

Thứ trưởng Kinh tế Triều Tiên Ku Bon-tae ngày 2/7 đã tới Bắc Kinh để đàm phán việc mở rộng hợp tác kinh tế song phương. Các cuộc đối thoại giữa hai bên được cho là sẽ bao gồm hợp tác về về nông nghiệp, đường sắt và điện lực, cũng như các hỗ trợ phát triển. Chuyến thăm diễn ra chưa đầy 2 tuần sau chuyến thăm Trung Quốc lần thứ 3 của Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

Tờ Chosun của Hàn Quốc cho rằng, chuyến thăm của các quan chức phụ trách kinh tế Triều Tiên tới Trung Quốc là dấu hiệu cho thấy Bình Nhưỡng và Bắc Kinh sẽ tích cực hợp tác kinh tế với tốc độ cao trong thời gian tới.

Gia tăng ảnh hưởng bằng hợp tác kinh tế

Chuyến thăm của phái đoàn Triều Tiên tới Trung Quốc cũng diễn ra chỉ vài ngày trước chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo tới Bình Nhưỡng vào ngày 5/7 tới để thúc đẩy việc thực hiện Tuyên bố chung đạt được sau cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử Mỹ-Triều tại Singapore ngày 12/6 vừa qua.

Nhà nghiên cứu Konstantin Asmolov thuộc Viện Viễn Đông của Nga cho rằng, đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc làm việc một cách thành công và chủ động trong chính sách ngoại giao về Bán đảo Triều Tiên. Ông nhận định, việc tăng cường hợp tác kinh tế với Triều Tiên cho thấy Trung Quốc sẽ không để Bình Nhưỡng “nghiêng” theo sự ảnh hưởng của Mỹ và đang tìm cách thể hiện mình là “người bạn tốt nhất” của nước láng giềng bị cô lập này.

“Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng sẽ cố gắng đàm phán với Bình Nhưỡng, để đề xuất một số thỏa thuận về phát triển kinh tế. Do đó, trong tất mọi khả năng, phái đoàn Triều Tiên ở Bắc Kinh sẽ cố tìm cách làm rõ những gì mà Trung Quốc có thể đề xuất cho họ. Điều rõ ràng là Bình Nhưỡng kỳ vọng những đề xuất của Trung Quốc sẽ tốt hơn so với những gì mà Mỹ có thể đưa ra cho họ. Bên cạnh đó, Triều Tiên cũng hiểu rõ và biết rõ giá trị của việc hợp tác kinh tế với cả Nga và Trung Quốc”, ông Asmolov nói.

Ông Lu Chao, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu Triều Tiên-Hàn Quốc tại Viện khoa học xã hội Liêu Ninh nói với Sputnik rằng, Bình Nhưỡng thừa nhận sự cần thiết của những hỗ trợ từ Trung Quốc trong việc tái định hướng chiến lược phát triển kinh tế của mình. Bắc Kinh tất nhiên cũng khuyến khích láng giềng của mình làm như vậy và để có thể gia tăng ảnh hưởng của mình đối với Triều Tiên thông qua các sáng kiến thương mại và kinh tế.

Thời điểm thích hợp?

“Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã thăm Trung Quốc 3 lần trong năm nay. Ngày 1-2/7, ông Kim Jong-un đã tới thăm khu vực hợp tác kinh tế đặc biệt Trung-Triều ở tỉnh Bắc Pyongan. Ông cũng thị sát một nhà máy mỹ phẩm ở đặc khu Sinuiju nằm sát biên giới với Trung Quốc. Điều đó có thể thấy được rằng, Bình Nhưỡng có mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế với Trung Quốc”, học giả Lu Chao cho biết thêm.

Ông cũng nhấn mạnh, Bắc Kinh lâu nay chỉ có thể công khai hoan nghênh chiến lược tập trung vào phát triển kinh tế trước mắt của Bình Nhưỡng. “Trung Quốc và Triều Tiên là các nước láng giềng hữu nghị. Thực tế lâu nay sự hợp tác giữa 2 nước vẫn diễn ra mà không cần phải nói rằng Trung Quốc sẽ ủng hộ hoàn toàn sự phát triển kinh tế của Triều Tiên”.

Việc Triều Tiên tuyên bố sẵn sàng phi hạt nhân hóa là thời điểm thích hợp để Trung Quốc có thể “công khai” tăng cường hợp tác kinh tế với Triều Tiên.

Căng thẳng hạ nhiệt trên Bán đảo Triều Tiên cũng đã thúc đẩy việc khôi phục các cuộc thảo luận về nhiều dự án kinh tế trong khu vực, trong đó có cả các sáng kiến liên Triều, các dự án giữa Trung Quốc với Triều Tiên cũng như giữa Triều Tiên với Nga.

Các nhà ngoại giao của Triều Tiên đang làm việc để tạo một cơ chế nhằm dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc, và nhiều khả năng vấn đề này sẽ được nói đến trong chuyến thăm của phái đoàn Triều Tiên tới Bắc Kinh lần này. Bình Nhưỡng hy vọng họ có thể dựa vào Trung Quốc để vận động cho việc dỡ bỏ trừng phạt, từ đó đem lại hỗ trợ phát triển và đầu tư kinh tế. Bên cạnh đó, họ cũng sẽ tiếp tục thuyết phục Washington về cam kết phi hạt nhân hóa của mình

RELATED ARTICLES

Tin mới