Friday, April 19, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnSri Lanka cản TQ quân sự hóa cảng biển

Sri Lanka cản TQ quân sự hóa cảng biển

Đứng trước nguy cơ bị thâu tóm cảng biển Hambantota, Sri Lanka cấm Trung Quốc sử dụng mục đích quân sự.

Trang điện tử của Lanka Business ngày 2/7 thông tin, Sri Lanka đã thông báo với Trung Quốc về việc không sử dụng cảng Hambantota cho mục đích quân sự. Bên cạnh đó, Sri Lanka cũng điều Bộ Tư lệnh Hải quân miền nam đến cảng biển đang thuộc quyền kiểm soát của Trung Quốc.

“Hải quân Sri Lanka đang di chuyển Bộ Tư lệnh miền Nam đến cảng Hambantota. Không cần phải lo sợ về vấn đề an ninh vì cảng này sẽ thuộc quyền kiểm soát của hải quân Sri Lanka” – Văn phòng Thủ tướng Sri Lanka tuyên bố trong một văn bản.

“Sri Lanka cũng đã thông báo tới Trung Quốc rằng cảng Hambantota không thể được sử dụng cho mục đích quân sự”- thông báo nêu rõ.

Cảng nước sâu Hambantota đã cho Trung Quốc thuê 99 năm với giá 1,12 tỉ USD.

Chính phủ Sri Lanka cho biết họ buộc phải cho Trung Quốc thuê cảng nước sâu có vị trí chiến lược này tới 99 năm bởi không thể hoàn trả khoản vay xây dựng cơ sở hạ tầng cảng này của chính quyền cựu Tổng thống Mahinda Rajapakse (2005-2015).

Trong khi đó, Cựu Tổng thống Mahinda Rajapaksa cho rằng, dù có vay tiền Trung Quốc để xây dựng cảng này và lâm vào nguy cơ không thể trả nợ được, ông cũng không bao giờ có kế hoạch cho thuê toàn bộ cảng Hambantota trong 99 năm cho bất kỳ công ty nước ngoài nào.

Việc cho thuê cảng Hambantota cho phép Trung Quốc kiểm soát lãnh thổ gần bờ biển Ấn Độ, và Ấn Độ giờ đây e ngại về việc sử dụng cảng này cho mục đích quân sự của Trung Quốc.

Phương Tây lo ngại Hambantota với một vị trí chiến lược sẽ giúp cho Trung Quốc phát triển mạnh mẽ sáng kiến “Vành đai- Con đường” của mình đặc biệt có thể sử dụng cảng này như một căn cứ hải quân. Dự án này là một ví dụ rõ ràng cho thấy mưu đồ của Bắc Kinh trong việc cho vay số tiền khổng lồ để xây dựng cơ sở hạ tầng khi chính quyền địa phương vượt quá khả năng trả nợ thì buộc phải nhường quyền kiểm soát dự án cho phía Trung Quốc.

Theo người phát ngôn Hải quân Sri Lanka Dinesh Bandara, một đơn vị hải quân đã được thiết lập ở Hambantota và hoạt động xây dựng để chuyển đổi cảng này thành căn cứ hải quân đang được tiến hành.

Đây là một trong những nỗ lực của Sri Lanka nhằm giảm sự kiểm soát cả về hoạt động thương mại, cơ sở hạ tầng cảng Hambantota và vị trí quân sự chiến lược của cảng này trong tay Trung Quốc.

Sri Lanka can Trung Quoc quan su hoa cang bien
Sri Lanka đưa quân đội đến cảng Hambantota nhằm trấn an quan điểm phục vụ mục đích quân sự của Trung Quốc.

Sri Lanka được cho là cũng “cho” cảng biển Colombo cho Trung Quốc khi cảng này được cải tạo với nguồn kinh phí lớn từ Trung Quốc.

Tờ Namibian của Ấn Độ hồi năm 2014 thông tin, Trung Quốc dự kiến thiết lập 18 căn cứ hải quân ở Sri Lanka, Pakistan, Myanmar và nhiều nơi khác ở tây và nam Ấn Độ Dương.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc khi đó nói rằng, tàu ngầm của quân đội Trung Quốc chỉ hai lần “neo đậu kỹ thuật” tại cảng Colombo ở Sri Lanka trong lúc đang làm nhiệm vụ hộ tống cho hoạt động chống cướp biển ở vịnh Aden tại Somalia.

Cựu Đại sứ Sri Lanka tại Trung Quốc Nihal Rodrigo cho biết, trong đàm phán các quan chức Trung Quốc nói rất rõ, chia sẻ tin tức tình báo là một bộ phận của dự án.

Bắc Kinh muốn biết những ai (tàu thuyền nước ngoài nào) đến và đi từ cảng này.

Các dự án rót vốn khổng lồ của Trung Quốc đặc biệt chú trọng tới các vị trí chiến lược ở mỗi quốc gia có thể giúp ích cho hoạt động phát triển hành lang kinh tế của nước này.

Trung Quốc một mực khẳng định dự án “Con đường tơ lụa hàng hải” chỉ phục vụ mục đích phát triển kinh tế. Tuy nhiên, căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài tại Djibouti đã tố cáo Trung Quốc có sẵn mưu đồ quân sự và mở rộng ảnh hưởng toàn cầu.

Hồi năm 2015, Chính phủ Trung Quốc đã ký kết bản thỏa thuận có thời hạn 10 năm với Tổng thống Djibouti để xây dựng một căn cứ hải quân đóng vai trò là trung tâm hậu cần cho các tàu thuyền của Hải quân Trung Quốc tham gia sứ mệnh chống hải tặc ở khu vực ngoài khơi bờ biển Yemen.

Giới truyền thông cho thấy, chi phi hoạt động của căn cứ này là 100 triệu USD/năm và được đặt tại vùng bắc Obock. Đây cũng chính là nơi một tiền đồn của Mỹ đã buộc phải đóng cửa hoạt động hồi đầu tháng 8/2015.

Tranh cãi về việc Trung Quốc giấu diếm tham vọng quân sự trong dự án “Một vành đai, một con đường” có tổng trị giá lên tới 140 tỷ USD, đã âm ỉ bấy lâu nay. Mục tiêu cuối cùng của dự án này là giúp Hải quân Trung Quốc có thể tiếp cận hàng loạt cầu cảng kéo dài từ Biển Đông cho tới khu vực bờ biển Đông Phi. Đây chính là mô hình “chuỗi ngọc trai”.

Danh sách các cầu cảng nằm trong “chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc gồm có Colombo ở Sri Lanka, Gwadar ở Pakistan, Chittagong tại Bangladesh, đảo Maday của Myanmar và cảng Victoria ở Seychelles.

RELATED ARTICLES

Tin mới