Thursday, April 25, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTiếp tục hứng đòn đau đớn từ EU, Nga hết kiên nhẫn?

Tiếp tục hứng đòn đau đớn từ EU, Nga hết kiên nhẫn?

Hội đồng Liên minh Châu Âu (EU) vừa thông báo tiếp tục sẽ kéo dài thời hạn áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga cho đến hết tháng 1 năm sau. Gói biện pháp mà EU đang áp đặt lên Nga vừa hết hạn trong tháng này.

“Vào ngày 5/7/2018, Hội đồng Châu Âu đã kéo dài thời hạn áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào những khu vực cụ thể trong nền kinh tế Nga thêm sáu tháng, bắt đầu từ tháng này. Hạn mới sẽ là vào ngày 31/1/2019,” Hội đồng Châu Âu cho biết trong một thông cáo báo chí được phát đi ngày hôm qua (5/7).

“Quyết định trên được đưa ra sau khi Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Đức Merkel cập nhật tình hình thực thi các thỏa thuận Minsk trước Hội đồng Châu Âu vào hôm 28/6 và 29/6 vừa rồi. Việc thực hiện các thỏa thuận Minsk có liên quan trực tiếp đến vấn đề trừng phạt”, Hội đồng Châu Âu cho hay.

Thông báo về việc gia hạn thời gian áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga sẽ được công bố trên Công báo Chính thức của EU vào ngày thứ Hai tới (9/7) và sẽ chính thức có hiệu lực từ thời gian đó.

Phản ứng trước bước đi mới nhất nói trên của EU, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm qua đã nói, quyết định của EU trong việc gia hạn các biện pháp trừng phạt Nga sẽ làm phương hại đến sự phát triển của mối quan hệ hợp tác mang tính xây dựng giữa hai bên.

“Chúng tôi cho rằng, bằng quyết định chính trị được nguyên thủ và chính phủ các nước thành viên EU đưa ra trong việc kéo dài thời hạn áp dụng các biện pháp trừng phạt đơn phương nhằm vào đất nước chúng tôi trong các lĩnh vực kinh tế và tài chính, Brussels đã một lần nữa bỏ qua cơ hội xem xét lại một cách mang tính xây dựng về phương pháp tiếp cận trong chính sách đối ngoại của EU với Moscow”, nhà ngoại giao Nga phát biểu.

Bà Zakharova nói thêm rằng: “Chúng tôi lấy làm tiếc khi các nước thành viên của EU một lần nữa lại thiếu quyết tâm trong việc thừa nhận bản chất giả của việc kết nối toàn bộ mối quan hệ Nga-EU với việc thực hiện các thỏa thuận Minsk trong khi giới chức Kiev đang cố tình phong tỏa các thỏa thuận này. Cộng đồng doanh nghiệp của EU và các công dân bình thường sẽ tiếp tục phải chịu hậu quả vì lập trường của Brussels – một lập trường thiếu tính thực tế và sự linh hoạt”.

EU bắt đầu áp dụng các biện pháp trừng phạt mạnh tay nhằm vào Nga từ ngày 31/7/2014, sau khi cuộc xung đột ở miền đông Ukraine bùng phát và Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Mỹ, EU cùng với các đồng minh liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Moscow đã gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine, kích động cuộc xung đột ở miền đông nam Ukraine. Bất chấp việc Nga liên tục lên tiếng bác bỏ những cáo buộc trên, phương Tây do Mỹ dẫn đầu đã tung ra hàng loạt biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Nhiều trong số này là những biện pháp trừng phạt đang gây tổn hại nghiêm trọng đến nền kinh tế Nga khi nó nhằm vào các ngành then chốt như ngân hàng, năng lượng và quốc phòng. Đáp lại, Moscow cũng đáp trả bằng cách áp dụng một gói biện pháp trừng phạt nhằm vào tất cả các nước đang tham gia chiến dịch trừng phạt Nga. Kết quả là cả hai bên đều bị tổn thất từ cuộc chiến trừng phạt nói trên.

Trong bối cảnh như vậy, không ít các nước thành viên của Liên minh Châu Âu có xu hướng muốn hàn gắn, khôi phục lại quan hệ với Nga để tránh phải tiếp tục hứng chịu những tổn thất gây ra từ cuộc chiến trừng phạt.

Ngay từ đầu, khi EU áp dụng các biện pháp trừng phạt Nga, đã có mâu thuẫn nổi lên trong nội bộ nước này. Mâu thuẫn đó ngày càng trở nên sâu hơn khi các nước thành viên EU phải gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề từ chính sách trừng phạt Nga, đặc biệt là mức độ thiệt hại của các nước thành viên trong EU là khác nhau cũng như giữa EU và Mỹ.

Nga vốn là đối tác thương mại lớn thứ ba của Châu Âu, vì vậy, “đánh” vào nền kinh tế Nga đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp của các nước thành viên EU sẽ phải hứng chịu những hậu quả không khác gì những công ty của Nga.

Việc một số nước thành viên EU lên tiếng kêu gọi hủy bỏ chính sách trừng phạt Nga đã khiến Moscow không ít lần hy vọng. Tuy nhiên, trên thực tế, Nga luôn phải thất vọng trước quyết định của liên minh phương Tây. EU vẫn tiếp tục gia hạn nhiều lần các gói biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga. Kết quả là đến nay, cuộc chiến trừng phạt giữa Nga và EU không những không có dấu hiệu kết thúc mà còn ngày càng được kéo dài không hồi kết. EU vẫn khăng khăng gắn vấn đề Ukraine với quyết định dỡ bỏ biện pháp trừng phạt. Trong khi đó, Moscow nhiều lần nhấn mạnh, họ sẽ không lùi bước trong lập trường về cuộc khủng hoảng ở Ukraine và chính sách trừng phạt sẽ không có tác dụng với Nga, chỉ làm cho Nga mạnh lên dù có phải hứng chịu nhiều tổn thất.

RELATED ARTICLES

Tin mới