Thursday, April 18, 2024
Trang chủĐàm luậnVai trò của Bắc Kinh trong chiến lược của Kim Jong Un

Vai trò của Bắc Kinh trong chiến lược của Kim Jong Un

Các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên đã vấp phải một số trở ngại, sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố, chuyến thăm của Ngoại trưởng Mike Pompeo là “đáng tiếc”. Thông cáo này được công bố chỉ vài giờ sau khi Ngoại trưởng Pompeo kết thúc hai ngày đàm phán (6 và 7/7) với các quan chức cao cấp của Triều Tiên mà không gặp nhà lãnh đạo Kim Jong Un.

Đến hiện tại, hai bên vẫn để ngỏ khả năng cho các cuộc thảo luận mới về giải trừ hạt nhân và hồi hương hài cốt của những binh sĩ Mỹ thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên. Bộ Ngoại giao Triều Tiên nói Mỹ đã phản bội tinh thần hội nghị thượng đỉnh tháng trước giữa ông Trump và ông Kim bằng việc đưa ra những đòi hỏi “đơn phương và theo kiểu gangster” về “giải trừ hạt nhân hoàn toàn, kiểm chứng được và không thể đảo ngược” (CVID).

Ngày 8/7, tại Tokyo, Hội nghị 3 nước Nhật-Hàn-Mỹ đã nhóm họp, cam kết hợp tác thúc đẩy phi hạt nhân hoàn toàn của Triều Tiên. Ngoại trưởng Nhật Taro Kono, Ngoại trưởng Mỹ Pompeo và Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha dẫn đầu tham dự. Cùng ngày, Ngoại trưởng Nhật Taro Kono đã có cuộc hội đàm riêng rẽ với Ngoại trưởng Pompeo và Ngoại trưởng Kang Kyung-wha.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Triều Tiên ngày 7/7 nói kết quả của các cuộc hội đàm vừa qua là “rất đáng lo ngại”, bởi vì nó đã dẫn tới một “giai đoạn nguy hiểm, có thể làm lung lay sự sẵn sàng của chúng tôi đối với việc giải trừ hạt nhân mà từ trước đến giờ vẫn vững chắc”. Thông cáo viết: “Chúng tôi đã dự kiến rằng phía Mỹ sẽ đưa ra các biện pháp mang tính xây dựng để giúp vun đắp lòng tin dựa trên tinh thần của hội nghị thượng đỉnh của hai nhà lãnh đạo… Về phần mình, chúng tôi cũng đang suy nghĩ về việc đưa ra các biện pháp đối ứng”.

Bản thông cáo này được công bố bởi một phát ngôn viên không được nêu danh tính và được Thông tấn xã Trung ương Triều Tiên loan tải. Phát ngôn viên này cũng nói: “Tuy nhiên, thái độ và lập trường mà Hoa Kỳ cho thấy trong cuộc họp cao cấp đầu tiên (giữa hai nước sau Thượng đỉnh) là hết sức đáng tiếc… Những kỳ vọng và hy vọng của chúng tôi ngây thơ tới mức có thể được gọi là ngờ nghệch”.

Theo phát ngôn viên này, trong các cuộc đàm phán với ông Pompeo, phía Bình Nhưỡng đã nêu ra việc có thể tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, vốn mới khép lại bằng một hiệp ước đình chiến, chứ chưa phải là một hiệp ước hòa bình. Bắc Triều Tiên cũng đề nghị thảo luận về việc đóng cửa một địa điểm thử nghiệm động cơ phi đạn mà sẽ “xác nhận một cách có thực chất”- một bước đi nhằm đình chỉ việc sản xuất phi đạn đạo liên lục địa và thiết lập các cuộc thảo luận ở cấp làm việc để hồi hương hài cốt lính Mỹ thời chiến.

Tuy nhiên, phát ngôn viên này nói, Mỹ đã đưa ra nhiều “điều kiện và lý do” để trì hoãn tuyên bố việc chấm dứt chiến tranh. Phát ngôn viên cũng đã giảm tầm quan trọng của việc Mỹ đình chỉ các cuộc tập trận quân sự với Hàn Quốc, nói rằng Bắc Triều Tiên đã đưa ra một nhượng bộ lớn hơn bằng việc cho nổ tung các đường hầm tại địa điểm thử nghiệm hạt nhân của mình.

Mặc dù chỉ trích Pompeo, song Bình Nhưỡng cũng cẩn thận tránh công kích ông Trump, nói rằng “Triều Tiên hoàn toàn duy trì niềm tin nơi Tổng thống Trump”. Trong phát biểu trước khi rời Bình Nhưỡng, Pompeo nói rằng các cuộc đàm phán của ông với ông Kim Yong Chol đã “mang lại kết quả,” được thực hiện “bằng thiện chí” và “rất nhiều tiến bộ” đã đạt được ở một số lĩnh vực. Hiện “vẫn còn nhiều việc cần phải làm”, trong số đó sẽ được thực hiện bởi các nhóm công tác mà hai bên đã thành lập để giải quyết các vấn đề cụ thể.

Trước khi gặp nhau, ông Pompeo và ông Kim Yong Chol đều nói họ cần một sự rõ ràng về những giới hạn của một thỏa thuận giải trừ hạt nhân bán đảo Triều Tiên mà ông Trump và ông Kim Jong Un đã nhất trí ở Singapore. Đây là chuyến công du thứ ba của ông Pompeo đến Bình Nhưỡng kể từ tháng 4 và chuyến đi đầu tiên của ông kể từ hội nghị thượng đỉnh.

Cuộc họp của ngoại trưởng Mỹ Pompeo với đại diện Bình Nhưỡng đã kéo dài 6 tiếng. Cả hai bên cho biết muốn “làm sáng tỏ” thêm một số điều. Trước khi rời Bình Nhưỡng sang Tokyo, ngoại trưởng Mỹ Pompeo cho biết cuộc thương thuyết đạt kết quả, nhưng không nói cụ thể Bắc Triều Tiên sẽ làm thế nào để thực hiện các cam kết phi hạt nhân hóa.

Theo phân tích của hãng tin Mỹ AP, mục tiêu chuyến đi Bình Nhưỡng vừa qua của ông Pompeo là thúc đẩy Triều Tiên cung cấp một bản liệt kê chi tiết về chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của nước này, bao gồm số lượng và vị trí các cơ sở hạ tầng. Tiếp đến là yêu cầu Bắc Triều Tiên cho phép các chuyên gia đến kiểm chứng các thông tin đó, cũng như là quan sát các hoạt động đang hoặc chưa diễn ra tại hiện trường.

Khi các công đoạn này kết thúc, lịch trình với các giai đoạn đặc biệt và có hạn định sẽ được vạch ra. Kế hoạch này của ngoại trưởng Pompeo gần như trái ngược hoàn toàn với tuyên bố của cố vấn an ninh quốc gia John Bolton, đưa ra hôm 30/6 cho rằng, chính quyền Trump đã có một kế hoạch giải trừ hạt nhân của Bắc Triều Tiên trong vòng một năm.

Câu hỏi đặt ra: Liệu Kim Jong Un sẵn sàng đáp ứng mong muốn của Mỹ hay không? Theo quan điểm của AP, câu trả lời gần như là không. Và từ nay, ván cờ của Kim còn phức tạp hơn nhiều so với các cuộc mặc cả với Donald Trump. Bình Nhưỡng đã khẳng định rõ lập trường của mình: Chuyển hướng tập trung phát triển kinh tế đất nước và thiết lập quan hệ với thế giới vì đất nước đã hoàn thiện năng lực hạt nhân của mình.

Trong thế trận mới này, Kim đã mấy lần gặp Trump? Chỉ mới một lần duy nhất, trong khi nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã ba lần gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Qua đây cho thấy Bắc Kinh có vai trò đáng kể như thế nào trong chiến lược của Kim Jong Un đối phó với Washington. Vẫn biết trong chuyến đi này, ngoại trưởng Mỹ đã đề ra được một số hướng đi cụ thể để thuyết phục lãnh đạo Bắc Triều Tiên thực hiện những cam kết tại thượng đỉnh Singapore.

RELATED ARTICLES

Tin mới