Friday, April 19, 2024
Trang chủBiển nóngTuần tra chống cướp biển, giải pháp mới cho tự do hàng...

Tuần tra chống cướp biển, giải pháp mới cho tự do hàng hải ở Biển Đông

Biển Đông nằm trên tuyến đường giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương, châu Âu – châu Á, Trung Đông – châu Á. Khu vực này có 5 trong tổng số 10 tuyến đường biển thông thương lớn nhất trên thế giới liên gồm: tuyến Tây Âu, Bắc Mỹ qua Địa Trung Hải, Trung Đông đến Ấn Độ, Đông Á, Australia, New Zealand; tuyến Đông Á đi qua kênh đào Panama đến bờ Đông Bắc Mỹ và Caribe; tuyến Đông Á đi Australia và New Zealand, Nam Thái Bình Dương; tuyến Tây Bắc Mỹ đến Đông Á và Đông Nam Á. Theo ước tính, mỗi ngày có khoảng từ 150 – 200 tàu các loại qua lại Biển Đông, trong đó có khoảng 50% là tàu có trọng tải trên 5.000 tấn, hơn 10% là tàu có trọng tải từ 30.000 tấn trở lên. Trong khu vực Đông Nam Á có khoảng 536 cảng biển, trong đó có hai cảng vào loại lớn và hiện đại nhất thế giới là cảng Singapore và Hồng Công. Chính vì vậy, khu vực Biển Đông cũng là một trong những điểm nóng trên thế giới về nạn cướp biển.

Nhóm cướp biển trú ẩn ở Philippines

Cướp biển là gì?

Theo quy định của Điều 101 Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 định nghĩa, “hành động cướp biển” bao gồm:

(a) Mọi hành động trái phép dùng vũ lực hay bắt giữ hoặc bất kỳ sự cướp phá nào do thủy thủ hoặc hành khách trên một chiếc tàu hay một phương tiện bay tư nhân gây nên, vì những mục đích riêng tư, và nhằm:

(i) Chống lại một chiếc tàu hay một phương tiện bay khác, hay chống lại những người hay tài sản trên con tàu hoặc phương tiện bay đỗ ở biển cả;

(ii) Chống lại một chiếc tàu hay một phương tiện bay, người hay tài sản, ở một nơi không thuộc quyền tài phán của một quốc gia nào;

(b) Mọi hành động tham gia có tính chất tự nguyện vào việc sử dụng một chiếc tàu hay một phương tiện bay, khi người tham gia biết từ những sự việc rằng chiếc tàu hay phương tiện bay đó là một tàu hay phương tiện bay cướp biển;

(c) Mọi hành động nhằm xúi giục người khác phạm những hành động được xác định ở điểm (a) hoặc (b).

Cục Hàng hải Quốc tế (IMB) định nghĩa cướp biển như sau: “hành động lên bất kỳ tàu nào với ý định phạm tội trộm cắp hoặc bất kỳ hành động phạm tội nào khác và với ý định hoặc khả năng sử dụng vũ lực để thực hiện hành động đó”.

Tình trạng cướp biển đang ngày càng bùng phát tại khu vực Biển Đông:

Trước đây, số lượng các vụ việc gây ra do cướp biển châu Á chiếm đến 1/3 số lượng cướp tàu trên toàn thế giới, song cướp biển châu Á tuy ít được nói đến do chỉ có tính chất nhỏ lẻ như cướp tư trang, tài sản, hàng hóa nhỏ lẻ trên tàu. Tính chất phức tạp đã tăng lên đáng kể trong giai đoạn 2013-2015, trong đó cướp dầu ở khu vực eo biển Singapore và eo Malacca gây rất nhiều thiệt hại cho nhiều chủ tàu có tàu đi ngang qua đây. Theo Cục Hàng hải quốc tế (IMB), năm 2015 Đông Nam Á xảy ra 120 vụ cướp biển tấn công, chiếm gần 30% số vụ cướp biển toàn cầu, gây thiệt hại trung bình mỗi năm ít nhất 8,4 tỉ USD.

Từ năm 2016 và những tháng đầu năm 2017, hoạt động của bọn cướp trên khu vực biển châu Á, nhất là ở những khu vực biển trọng điểm, tuyến hàng hải có xu hướng gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp. Tình hình trên, đã và đang tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định về an ninh, trật tự, an toàn trên biển trong khu vực. Theo số liệu thống kê, trong năm 2016 và 2 tháng đầu năm 2017, ở khu vực châu Á đã xảy ra 95 vụ cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền. Trong đó, bọn cướp đã thực hiện thành công 83 vụ.

Trong thời gian tới, hoạt động cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền ở khu vực châu Á vẫn diễn biến phức tạp, phương thức, thủ đoạn hoạt động của bọn cướp biển sẽ tinh vi và liều lĩnh hơn. Vùng biển trọng điểm sẽ không có nhiều thay đổi so với trước, tập trung chủ yếu ở vùng biển Đông Nam Á, đặc biệt là các khu vực: quần đảo Anambas, Natuna, Mangkai, Subi Besar, Pulau Jemaja, Pulau Siantan, Pulau Matak thuộc Indonesia; eo biển Malacca; khu vực ngoài khơi Tioman, Pulau Aur, Đông Sabah thuộc Malaysia; khu vực biển thuộc Miền Nam Phillippines.

Phương thức hoạt động của các nhóm tội phạm cướp biển trong khu vực:

Các vụ cướp trên biển khu vực châu Á có phương thức, thủ đoạn hoạt động của bọn cướp thường là: Thứ nhất, sử dụng từ 02 đến 04 tàu, xuồng loại nhỏ, có tốc độ cao (trên 25 hải lý/giờ) để tiếp cận, tấn công các tàu vận tải hành trình đơn lẻ trên biển; Thứ hai, chúng tiếp cận, leo lên và tấn công từ phía đuôi, hoặc hai bên mạn tàu; Thứ ba, chúng sử dụng vũ khí hạng nhẹ (súng tiểu liên, súng phóng lựu…) đe dọa, uy hiếp thuyền viên để đưa ra các yêu cầu về giảm tốc độ, hoặc dừng tàu để tiếp cận và leo lên. Khi sử dụng vũ khí, bọn cướp biển thường nhằm vào buồng lái, buồng ngủ, phòng Câu lạc bộ…; Thứ tư, trong mỗi vụ, chúng thường sử dụng từ 01 đến 02 tàu mẹ, tàu mẹ có thể là tàu biển, tàu thuyền buồm, tàu đánh cá. Tàu mẹ dùng để chứa hàng dự trữ, nhiên liệu và có thể vận chuyển các hàng hóa cướp được. Các xuồng nhỏ để tấn công thường được kéo theo phía đằng sau tàu mẹ; Thứ năm, để tấn công, leo lên tàu, bọn cướp thường sử dụng sào móc với thang dây dài và nhẹ, hoặc dây thừng để leo lên tàu. Khi đã lên được tàu, bọn chúng thường lên buồng lái để khống chế, kiểm soát hàng hải và thông tin trên tàu, yêu cầu cho tàu chạy chậm, hoặc dừng lại để cho đồng bọn tiếp tục leo lên tàu và khống chế toàn bộ thủy thủ đoàn, kiểm soát tàu, tổ chức cướp tàu, cướp hàng hóa vận chuyển trên tàu hoặc bắt cóc thuyền viên. Quá trình khống chế, kiểm soát tàu, nếu thuyền viên có hành vi chống đối, bọn biển sẵn sàng sử dụng vũ khí nóng để sát thương nhằm quyết tâm thực hiện hành vi cướp đến cùng.

Một báo cáo của chuyên trang về an ninh hàng hải IHS Maritime & Trade vừa công bố cho thấy cướp biển Đông Nam Á đã thay đổi chiến thuật từ cướp hàng hóa sang bắt cóc tống tiền

Biện pháp đối phó với hoạt động cướp biển nói riêng và tội phạm trên biển nói chung trong khu vực Biển Đông

Thứ nhất, các nước liên quan, nhất là các nước ven Biển Đông cần tăng cường hợp tác, tuần tra song phương, đa phương trong khu vực, trong đó tập trung vào việc chia sẻ thông tin, tình hình cướp biển và cướp có vũ trang; công tác huấn luyện, diễn tập, đào tạo nâng cao trình độ cho cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phòng, chống cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền; thiết lập và duy trì hiệu quả hoạt động của các đường dây nóng giữa lực lượng thực thi pháp luật trên biển của mỗi nước; thiết lập và tăng cường cơ chế tuần tra chung giữa lực lượng thực thi pháp luật trên biển của mỗi quốc gia ở các vùng biển giáp ranh, …

Thứ hai, tăng cường sức mạnh lực lượng tuần duyên, cảnh sát biển, trang bị vũ khí hiện đại như súng máy, trực thăng chiến đấu hạng nhẹ; lắp đặt hệ thống giám sát bờ biển sử dụng radar, trang bị hệ thống nhận dạng tự động, cũng như nhiều thiết bị quản lý hiện đại khác… nhằm bảo đảm lực lượng thực thi pháp luật của mỗi quốc gia có đủ năng lực kiểm soát, kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý các đối tượng có hành vi cướp biển và cướp có vũ trang.

Thứ ba, mỗi quốc gia trong khu vực cần chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến các phương thức, thủ đoạn hoạt động của bọn cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền cho các doanh nghiệp và đội ngũ thuyền viên, nhất là thuyền viên các tàu vận tải. Đồng thời, có các khuyến cáo, chỉ dẫn về huấn luyện, các biện pháp phòng vệ, phương án thông tin liên lạc khẩn cấp khi bị cướp biển và cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền tấn công…

Thứ tư, yêu cầu các chủ tàu trang bị hệ thống tự động nhận dạng (AIS); Hoàn thiện cơ chế phản ứng nhanh và cài đặt điểm an toàn xung quanh vùng biển Sabah, điểm nóng của tệ nạn cướp biển trong khu vực Biển Đông.

Thứ năm, hỗ trợ xây dựng, đào tạo lực lượng, diễn tập để nâng cao trình độ kỹ thuật, khả năng phối hợp chiến đấu.

Thứ sáu, các quốc gia hiện vẫn còn tồn tại các tổ chức khủng bố, tổ chức phiến quân cần tích cực, chủ động đề ra các biện pháp, chính sách phù hợp để kiểm soát, loại bỏ những tổ chức trên.

Hoạt động tuần tra chống cướp biển cũng trực tiếp góp phần đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông:

Việc các nước phối hợp tuần tra song phương, đa phương trong khu vực Biển Đông không chỉ ngặn chặn, kiểm soát và trấn áp tội phạm cướp biển mà nó còn có ý nghĩa quan trọng trong việc duy trì, đảm bảo tàu thuyền của các nước được đi qua các eo biển, kênh đào, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế của các nước ở Biển Đông không bị cản trở và đe dọa về an ninh.

Trên khía cạnh luật pháp quốc tế, tàu hải quân, tàu cảnh sát biển của các nước đều có quyền tuần tra, truy đuổi và trấn áp tội phạm cướp biển. Vì vậy, khi các nước ASEAN, hay các nước lớn có lợi ích ở Biển Đông như Mỹ, Nhật Bản, Australia tham gia vào hoạt động tuần tra chung trong những vùng biển quốc tế không chỉ góp phần tăng cường lòng tin chính trị, nâng cao năng lực phối hợp tác chiến, ứng phó khi xảy ra cướp trên biển, mà còn gián tiếp thách thức, bác bỏ tuyên bố “chủ quyền” phi pháp của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (của Việt Nam).

Nhìn chung, tranh chấp chủ quyền biển đảo đang làm phân tán sự chú ý của các quốc gia, trong khi vấn đề tội phạm (cướp biển, buôn lậu, khủng bố, đánh bắt thủy hải sản trái phép) và an ninh, an toàn hàng hải trên Biển Đông ngày càng trầm trọng. Để góp phần thúc đẩy các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và trấn áp tội phạm trên biển, các nước liên quan cần hợp tác hơn nữa trong việc tuần tra chung ở Biển Đông. Hành động này không chỉ có ý nghĩa đối với việc đảm bảo tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông mà nó còn gián tiếp góp phần bác bỏ nhưng yêu sách “chủ quyền” phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới