Thursday, April 18, 2024
Trang chủBiển nóngTQ đang ngồi trên công luận khi khuyến khích người dân lên...

TQ đang ngồi trên công luận khi khuyến khích người dân lên các đá, bãi cạn không người ở trên Biển Đông

Những ngày gần đây, Trung Quốc liên tục có nhiều hoạt động vi phạm luật pháp quốc tế, đi ngược lại tuyên bố, cam kết của chính Bắc Kinh, khiến tình hình trong khu vực trở nên căng thẳng và có thể dẫn đến va chạm, xung đột ở Biển Đông.

Bãi cạn Luconia ở Biển Đông

Đưa người lên “đảo” không người ở – Kế hoạch điên rồ của Trung Quốc:

Ngày 4/7, chính quyền tỉnh Hải Nam, Trung Quốc đã ra thông báo chính thức cho phép người dân sử dụng các “đảo” không người ở trên Biển Đông để thực hiện các hoạt động du lịch và xây dựng trong 50 năm, song kế hoạch này bước đầu chủ yếu nhằm vào Hoàng Sa. Cụ thể, Bộ Đại dương và Nghề cá tỉnh Hải Nam tuyên bố, bất cứ thực thể hay cá nhân nào muốn phát triển các đảo không người ở cần đăng ký và trình kế hoạch phát triển tới các cơ quan chức năng của tỉnh. Khung thời gian để sử dụng các “đảo” này là 15 năm cho các hoạt động nông nghiệp, 25 năm cho hoạt động du lịch và giải trí, 30 năm sử dụng cho công nghiệp muối và khoáng sản, 40 năm phục vụ các dự án phúc lợi xã hội và 50 năm sử dụng cho hoạt động cảng và xây dựng xưởng đóng tàu. Các cá nhân sẽ phải trả phí sử dụng cho Chính phủ Trung Quốc.

Giới chuyên gia Trung Quốc ngang ngược cho rằng động thái này sẽ “củng cố toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc và duy trì sự ổn định trên Biển Đông”, đồng thời đạt được mục tiêu xây dựng một khu vực thương mại tự do và đẩy mạnh được việc sử dụng tài nguyên đất. Ông Trần Tương Miểu, Viện Nghiên cứu Nam Hải của Trung Quốc ngang ngược cho rằng “chiến lược phát triển đảo hoang sẽ mang đến sự ổn định và đập tan nỗ lực của các nước khác nhằm xâm lược và chiếm đóng lãnh hải của chúng ta”.

Âm mưu của Trung Quốc khi cho phép tỉnh Hải Nam triển khai kế hoạch phi pháp trên

Đầu tiên, Trung Quốc tìm cách đưa người dân ra những đảo không người ở Biển Đông nhằm tìm cách dân sự hóa số đảo trên. Thông qua việc để người dân khai thác, kinh doanh những đảo đá, bãi cạn trên để thể hiện cho thế giới thấy là Bắc Kinh đang “quản lý một cách hòa bình, lâu dài và liên tục” 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Thứ hai, Bắc Kinh đang tìm cách “củng cố”, tạo dựng chứng cứ pháp lý để khẳng định “chủ quyền” trong khu vực Biển Đông; tìm cách bác bỏ phán quyết của Tòa trọng tài theo Phụ lục VII của Liên hợp quốc về Luật Biển.

Thứ ba, thông qua kế hoạch trên, Trung Quốc muốn thúc đẩy các hoạt động tuyên truyền, định hướng dư luận trong và ngoài nước về “chủ quyền hợp pháp” của Bắc Kinh ở Biển Đông. Qua đó để nâng cao “tinh thần dân tộc và lòng yêu nước” của người dân trong nước và gây nhiễu loạn thông tin đối với cộng đồng quốc tế, khiến người dân các nước ngộ nhận về “chủ quyền” của Bắc Kinh đối với khu vực Biển Đông.

Thứ tư, Trung Quốc đang tăng tốc “quá trình bành trướng” ở Biển Đông để tạo ra “sự việc đã rồi”, trước khi ASEAN và Trung Quốc thông qua Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

Thứ năm, Bắc Kinh cũng muốn thông qua hành động này để thăm dò, thử phản ứng của các nước liên quan trước khi tiến hành thêm các hoạt động phi pháp khác ở Biển Đông, như cải tạo, mở rộng những đảo đá, bãi cạn, rạn san hô ở Hoàng Sa thành những đảo nhân tạo, tiền đồn quân sự của Trung Quốc.

Hành động của Trung Quốc là vi phạm luật pháp quốc tế, đi ngược lại các tuyên bố của nước này về vấn đề Biển Đông

Đầu tiên, Trung Quốc là một bên tham gia ký kết Tuyên bố của các bên liên quan về ứng xử ở Biển Đông (DOC), vì vậy nước này có nghĩa vụ và trách nhiệm tuân thủ nghiêm DOC. Tuy nhiên, hành động trên của Bắc Kinh đã vi phạm Điều 5 của DOC khi đưa người ra những đảo không có người ở. Điều 5 quy định “Các bên chịu trách nhiệm thực hiện sự tự chế trong việc thi hành các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và sự ổn định, kiềm chế không tiến hành đưa người đến sinh sống trên những hòn đảo hiện không có người sinh sống, trên các rặng đá ngầm, bãi cát ngầm, đảo nhỏ và những yếu tố khác và phải được xử lý những khác biệt của mình bằng phương pháp có tính xây dựng…”.

Thứ hai, quan chức, lãnh đạo Trung Quốc đã đưa ra nhiều tuyên bố, cam kết khẳng định nước này sẽ không quân sự hóa, không tìm cách thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông. Tuy nhiên, hành động này đã đi ngược lại những gì mà Trung Quốc tuyên bố.

Thứ ba, Bắc Kinh triển khai kế hoạch đưa người lên các đảo không người ở sẽ khiến tình hình khu vực trở nên căng thẳng, bất ổn, có thể dẫn đến va chạm và xung đột quân sự. Hành động này cho thấy Trung Quốc đã đi ngược lại những cam kết của nước này trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực.

Thứ tư, Trung Quốc không có chủ quyền đối với khu vực quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa, vì vậy tất cả các hoạt động của nước này tại Biển Đông là vi phạm luật pháp quốc tế, xâm phạm chủ quyền của nước khác.

Ngoài ra, hành động này cũng cho thấy Trung Quốc không thực hiện đúng nghĩa vụ, trách nhiệm trong việc không làm phức tạp hóa tranh chấp ở Biển Đông, giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình.

Hành động của Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông

Lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam cũng như Bộ Ngoại giao Việt Nam nhiều lần khẳng định Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và căn cứ pháp lý khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việc Trung Quốc sử dụng vũ lực chiếm đóng phi pháp các đảo, đá, bãi cạn của Việt Nam là vi phạm luật pháp quốc tế và cái gọi là “chủ quyền” của Trung Quốc ở Biển Đông hoàn toàn không được luật pháp cũng như cộng đồng quốc tế thừa nhận.

Năm 1974, Trung Quốc lợi dụng tình trạng chiến tranh ở Việt Nam, sử dụng các lực lượng hải quân và không quân chiếm đoạt phi pháp toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Hành động này của Bắc Kinh đã bị cộng đồng quốc tế phản đối, cho rằng nó chính là hành động xâm lược vũ trang. Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng phản đối, yêu cầu Trung Quốc tiến hành đàm phán hòa bình để giải quyết tranh chấp, song phía Trung Quốc ngang ngược cho rằng quần đảo Hoàng Sa “là của Trung Quốc và không tồn tại tranh chấp tại đây”.

Khác với sự ngang ngược của Trung Quốc, chủ trương nhất quán của Việt Nam trong việc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông là không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết mâu thuẫn thông qua thương lượng hòa bình trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, DOC, nhằm sớm tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài, đáp ứng lợi ích chính đáng của các bên, tiến tới xây dựng Biển Đông thành vùng biển hòa bình, hợp tác và phát triển. Việt Nam cũng hoan nghênh nỗ lực và đóng góp của tất cả các nước trong và ngoài khu vực vào việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông; đánh giá cao việc cộng đồng quốc tế có những đóng góp xây dựng nhằm bảo vệ an ninh, an toàn hàng hải và duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực Biển Đông. Đối với các vấn đề liên quan đến hai nước Việt Nam – Trung Quốc (ở quần đảo Hoàng Sa) thì giải quyết song phương, vấn đề nào liên quan đến các bên khác (ở quần đảo Trường Sa), liên quan đến tự do hàng hải thì cần có sự bàn bạc của tất cả các bên liên quan. Nếu các bên không giải quyết được bằng cơ chế đàm phán thì cần phải giải quyết bằng các phương thức khác như trung gian, hòa giải hoặc bằng các cơ chế tài phán quốc tế như Tòa ICJ, Tòa ITLOS và các tòa trọng tài.

Vì vậy, Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động này, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa; nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS cũng như DOC, không có những hành động làm phức tạp tình hình, thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới