Friday, April 19, 2024
Trang chủBiển nóngVề cái gọi là “kêu gọi đầu tư tư nhân tại Biển...

Về cái gọi là “kêu gọi đầu tư tư nhân tại Biển Đông” của TQ

Trang “Global Times” của Trung Quốc (5/7) đưa tin cho biết Chính quyền tỉnh Hải Nam đã vừa công bố thông tin kêu gọi, mời chào các cá nhân, doanh nghiệp tư nhân tham gia khai thác, xây dựng phát triển tại các đảo không có người ở ở Biển Đông để phục vụ các mục đích khác nhau, trong đó quy định thời hạn đầu tư cho hoạt động nuôi trồng thủy sản là 15 năm, hoạt động du lịch giải trí là 25 năm, hoạt động khai thác khoáng sản là 30 năm, các dự án công trình phục vụ dân sinh là 40 năm và thậm chí nếu xây dựng cảng biển là 50 năm.

Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc kêu gọi đầu tư tư nhân

Từ năm 2011, Cơ quan quản lý hải dương Trung Quốc đã công bố danh sách 176 đảo “không người ở” ở Biển Đông để kêu gọi đầu tư từ trong và ngoài nước theo nội dung phát triển hải đảo của Trung Quốc Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 (2011-2015). Đến tháng 7/2012, Trung Quốc đang ngang nhiên tuyên bố thành lập phi pháp cái gọi là “thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, nhằm thâu tóm toàn bộ các quần đảo ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Mặc dù Trung Quốc gọi đó là một “thành phố”, song dân số thường trú trên “Tam Sa” không nhiều và phần lớn trong số các đảo và bãi đá tại đây đều không có người ở. Vì vậy, bất chấp sự phản đối của dư luận khu vực và quốc tế, Trung Quốc đã liên tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại đây. Bên cạnh đó, Trung Quốc (15/1/2016) đã lần đầu tiên kêu gọi hình thức “đầu tư tư nhân” theo chương trình “đối tác công – tư” nhằm củng cố, phát triển các đảo, đá tranh chấp này. Theo kế hoạch “thành phố ưu tiên thúc đẩy kế hoạch và quá trình xây dựng một trung tâm cứu hộ y tế trên biển, đầu tư cáp quang ngầm và phủ sóng Wifi bao phủ lên toàn bộ đảo và đá không người”.

Mặc dù Trung Quốc không công khai đến tình hình đầu tư của tư nhân tại các đảo, đá ở Biển Đông theo những lời kêu gọi, mời chào đầu tư trên. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, cộng đồng quốc tế, khu vực đã chứng kiến một quá trình xây dựng ồ ạt, quy mô lớn và quân sự hóa tại các đảo, đá ở Biển Đông của Trung Quốc. Nhiều công trình được Trung Quốc bao biện và khoác lên vỏ bọc “dân sự” như sân bay, cầu cảng, hệ thống hạ tầng cơ sở khác (điện, nước, mạng di động…). Song thực tế, giới chuyên gia các nước cho rằng đây đều là các công trình phục vụ cho mục đích quân sự.

Hoạt động của Trung Quốc trái với luật pháp quốc tế và các thỏa thuận mà Trung Quốc đã ký kết với các nước

Hoạt động kêu gọi đầu tư tại các đảo, đá tranh chấp nói riêng, cũng như hành vi bồi đắp, xây dựng các đảo nhân tạo trên Biển Đông nói chung của Trung Quốc là hoàn toàn trái với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), trái với các cam kết chính trị giữa Trung Quốc và ASEAN, đặc biệt là Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông ký kết năm 2002 (DOC). Điều 121 của UNCLOS 1982 quy định rất rõ rằng “Các đảo nhân tạo, các thiết bị và công trình không được hưởng quy chế của các đảo. Chúng không có lãnh hải riêng và không có tác động gì đối với việc hoạch định ranh giới lãnh hải, vùng đặc quyền về kinh tế hoặc thềm lục địa”. Theo Giáo sư, Tiến sỹ Erick Frankx, Giám đốc Khoa Luật quốc tế và Luật châu Âu của Đại học Vrije Brussel (Vương quốc Bỉ), Trọng tài viên theo UNCLOS 1982, một trong những chuyên gia về Luật Biển hàng đầu thế giới cho rằng “những hành động của Trung Quốc là vi phạm các quy định của UNCLOS 1982”. Cũng tại điểm 7, Điều 60 của UNCLOS 1982 quy định “Không được xây dựng những đảo nhân tạo, thiết bị hoặc công trình, không được thiết lập các khu vực an toàn xung quanh các đảo, thiết bị, công trình đó khi việc đó có nguy cơ gây trở ngại cho việc sử dụng các đường hàng hải đã được thừa nhận là thiết yếu cho hàng hải quốc tế”.

Tại Điều 5 của DOC quy định “Các bên chịu trách nhiệm thực hiện sự tự chế trong việc thi hành các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng tới hòa bình và sự ổn định, kiềm chế không tiến hành đưa người đến sinh sống trên những hòn đảo hiện không có người sinh sống, trên các rặng đá ngầm, bãi cát ngầm, đảo nhỏ và những yếu tố khác và phải được xử lý những khác biệt của mình bằng phương pháp có tính xây dựng”. Giới quan sát cho rằng việc Trung Quốc ồ ạt xây dựng với quy mô lớn nhằm biến một số bãi đá chiếm đóng phi pháp ở quần đảo Trường Sa thành đảo nhân tạo đã, đang, sẽ cản trở và đe dọa tự do hàng hải, hàng không, thương mại khu vực và thế giới. Bởi vì, nhằm mục đích bảo vệ các đảo nhân tạo phi pháp, Trung Quốc đã tuyên bố thiết lập một vùng biển 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo và cấm tàu thuyền, máy bay của các quốc gia khác hoạt động trong vùng biển và vùng trời trên các đảo nhân tạo đó.

Ý đồ của Trung Quốc đằng sau các hoạt động kêu đầu tư

Việc Trung Quốc kêu gọi đầu tư tư nhân tại các đảo không người ở ở Biển Đông là nhằm: (1) Củng cố và đạt được các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Hành động này giúp Trung Quốc huy động các nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng, tăng cường hiện diện của Trung Quốc các đảo, đá do nước này đang chiếm đang trái phép ở Biển Đông. (2) Trung Quốc muốn sử dụng danh nghĩa hoạt động kêu gọi đầu tư tư nhân để “lách luật”, hướng lãi dư luận rằng các hoạt động xây dựng, cải tạo của Trung Quốc chỉ đơn thuần là phục vụ “mục đích dân sự”. Tuy nhiên dù mục đích gì thì những hoạt động này đều diễn ra tại các đảo, đá do Trung Quốc chiếm đóng phi pháp. (3) Cũng giống như trong các hoạt động khác, Trung Quốc cũng muốn tuyên truyền theo chủ ý, đánh lạc hướng dư luận về hoạt động mở rộng, bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông. Cũng có thể Trung Quốc sẽ kêu gọi và cho phép một số tư nhân nước ngoài tham gia đầu tư tại một số đảo này.

RELATED ARTICLES

Tin mới