Thursday, April 25, 2024
Trang chủĐàm luậnÔng Trump căng thẳng hay ủng hộ NATO?

Ông Trump căng thẳng hay ủng hộ NATO?

Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt đầu cuộc họp thượng đỉnh với các đồng minh khối quân sự NATO ngay trước khi hội đàm cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tối 10-7, ông Trump đã khởi hành đến Brussels (Bỉ) tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), tổ chức trong hai ngày 11 và 12-7.

Đây được xem là thời điểm Mỹ và các đồng minh NATO điểm lại những vấn đề nội bộ, trong khi cùng xác định lập trường chung thể hiện trước Nga. Sự kiện giữa những đồng minh này bỗng trở nên căng thẳng. Vì sao?

Ông Trump sẽ làm gì ở Brussels?

Brussels là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến đi kéo dài 7 ngày của ông Trump khắp các nước châu Âu. Ngay sau khi kết thúc thượng đỉnh NATO, Tổng thống Mỹ sẽ ghé thăm Anh (ngày 13-7), trước khi thăm và dự kiến sẽ đánh golf ở Scotland trong hai ngày cuối tuần. Hành trình sẽ kết thúc bằng chuyến đi Phần Lan ngày 16-7 để gặp Tổng thống Putin.

 Tại cuộc họp báo của Nhà Trắng trước chuyến công du dài ngày này, đại sứ Mỹ phụ trách NATO, bà Kay Bailey Hutchison cho biết các cuộc họp đầu tiên của ông Trump sẽ là gặp song phương với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, nơi ông Trump sẽ cùng thảo luận về những gì Mỹ và NATO sẽ làm. Sau đó, ông Trump sẽ gặp gỡ giới chức Mỹ ở châu Âu cũng như các nhân viên và gia đình họ.

“Chúng tôi có ba nhiệm vụ tại Brussels: công việc của chúng tôi ở EU (Liên minh châu Âu), quan hệ song phương với Bỉ, và tất nhiên là công việc của chúng tôi trong NATO. Vì vậy mọi người đều đang hết lòng hướng tới điều đó”, bà Hutchison mô tả.

Theo vị đại sứ này, đoàn Mỹ sẽ đến trụ sở NATO để dự lễ khai mạc thượng đỉnh, nơi họ sẽ gặp lãnh đạo các nước thành viên. Một số phiên sự kiện sẽ mang nội dung về những vấn đề quốc phòng và hoài nghi trong khối, đặc biệt là thúc đẩy nỗ lực mở rộng thành viên về phía nam.

Trong ngày 12-7, sẽ có cuộc họp khác giữa lãnh đạo các nước, trong đó có Gruzia và Ukraine, cũng như họp với các đối tác Afghanistan và sứ mệnh hòa bình tại đây.

Mỹ muốn gì ở NATO?

Ngay trước khi lên đường, Tổng thống Mỹ Trump đã dành thời gian lên Twitter chỉ trích NATO. Và dự báo những phát ngôn của ông tại Brussels cũng sẽ không nằm ngoài nội dung ấy.

Nhà Trắng xác nhận tại thượng đỉnh này, Mỹ muốn nhấn mạnh việc san sẻ gánh kinh phí hoạt động nặng trong khối, nơi 16 trong tổng số các đồng minh của Lầu Năm Góc đều đang thực hiện cam kết chi 2% GDP cho quốc phòng, và tốt nhất là toàn bộ thành viên đều giữ vững cam kết.

Có thông tin ông Trump đã gửi hàng loạt lá thư tới các đồng minh NATO như Đức, Bỉ, Canada… trong đó yêu cầu các nước này tăng cường chi tiêu quốc phòng, đồng thời dọa rằng Mỹ sẽ rút bớt sự hiện diện tại châu Âu nếu yêu cầu không được đáp lại.

Tại sao ông Trump căng thẳng với NATO? - Ảnh 2.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk. Ông Tusk đang có những lời lẽ cảnh báo ông Trump về tình trạng đồng minh sau khi Tổng thống Mỹ chỉ trích NATO – Ảnh: AFP

Theo lời đại sứ Hutchison, Mỹ sẽ thúc đẩy bàn thảo sáng kiến của họ tại thượng đỉnh, gọi là “30 lần 4”.

Cụ thể sáng kiến này sẽ gồm 30 tiểu đoàn, 30 phi đội, 30 tàu và 30 ngày để tiến tới hỗ trợ bất kỳ nước thành viên nào cần được hỗ trợ.

Việc tái cấu trúc NATO cũng dự kiến được phê duyệt tại thượng đỉnh. Cấu trúc bộ chỉ huy mới do Bộ chỉ huy liên quân tối cao của NATO, tư lệnh Mỹ Curtis Scaparrotti thống nhất, sẽ được phê duyệt. 

Sau đó, kế hoạch cải cách NATO sẽ bao gồm việc thiết lập trụ sở mới của Mỹ và Đức để giải quyết vấn đề an toàn hàng hải thúc đẩy sức mạnh ở khu vực Bắc Đại Tây Dương.

NATO có bất đồng gì với Mỹ?

NATO hiện có 29 thành viên. Ngoài Mỹ, số thành viên còn lại gồm: Albania, Bỉ, Bulgaria, Canada, Croatia, Cộng hòa Czech, Đan Mạch, Estonia, Pháp, Đức, Hi Lạp, Hungary, Iceland, Ý, Latvia, Lithuania, Luxembourg, Montenegro, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Romania, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ và Anh.

Nhiều nước trong NATO đang bất đồng với Mỹ ở nhiều vấn đề như Hiệp định về biến đổi khí hậu Paris và tăng thuế nhập khẩu hàng hóa.

Tại sao ông Trump căng thẳng với NATO? - Ảnh 3.

Bức ảnh diễn tả quan hệ giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu tại sự kiện thượng đỉnh G7 năm nay – Ảnh: AFP

Chính vì vậy, bất chấp theo thông lệ là thượng đỉnh sẽ nhằm mừng thành quả gần 70 năm hợp tác chính trị và quân sự, đây sẽ là cuộc họp căng thẳng.

Phần trọng tâm trong chương trình nghị sự lần này là Nga, cụ thể hơn là Tổng thống Vladimir Putin. Nhiều nước cho rằng Nga ngày càng trở nên hiếu chiến trước châu Âu và thế giới. Trong khi đó ông Trump lại hé lộ khả năng đưa Nga trở lại với nhóm quốc gia G7.

Ngoài ra, chương trình làm việc còn bao gồm các kế hoạch để cải thiện sự hợp tác với EU trong việc ngăn chặn các chiến dịch phá hoại, can thiệp bầu cử và các mối đe dọa phi quân sự khác.

Và dĩ nhiên, NATO và Mỹ sẽ phải giải quyết vấn đề trọng tâm là gánh nặng quốc phòng như đã nêu.

RELATED ARTICLES

Tin mới