Saturday, December 14, 2024
Trang chủBiển nóngNhững biện pháp tối ưu thúc đẩy giải quyết tranh chấp chủ...

Những biện pháp tối ưu thúc đẩy giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông

Trong bối cảnh tình hình tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông ngày càng diễn biến phức tạp và dần đi vào bế tắc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường an ninh và tình hình phát triển kinh tế của khu vực. Việc tìm ra và thực thi các biện pháp thúc đẩy giải quyết hòa bình tranh chấp ở Biển Đông là ưu tiên hàng đầu của các nước.

Những vùng đất thiêng liêng của Việt Nam

Trong nhiều năm nay, tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đã trở thành một điểm nóng về an ninh đối với cộng đồng quốc tế. Hầu hết các nước đều đang có những đóng góp nhất định nhằm tìm kiếm biện pháp khả thi để giải quyết hòa bình, tuân thủ luật quốc tế đối với khu vực này. Tuy nhiên, cho đến nay việc giải quyết tranh chấp chủ quyền Biển Đông đi vào bế tắc chủ yếu là do một số nguyên nhân chính sau:

Thứ nhất, do Biển Đông có nguồn tài nguyên phong phú và vị trí địa chiến lược quan trọng. Về tài nguyên thiên nhiên, Biển Đông được xác định có trữ lượng dầu mỏ khoảng lớn, ước đạt 28 tỷ thùng; Trữ lượng khí tự nhiên ước tính khoảng 7.500 km³; trong đó nhiều nguồn năng lượng mới được tìm thấy ở khu vực này, nhất là băng cháy (với trữ lượng lớn và được dự báo là nguồn năng lượng của tương lai); ngoài ra, Biển Đông cũng là khu vực có có nguồn tài nguyên hải sản phong phú, với nhiều loại hải sản có giá trị cao về kinh tế. Về địa chiến lược, Biển Đông có tuyến đường hàng hải huyết mạch, mang ý nghĩa chiến lược to lớn trong sự phát triển kinh tế-chính trị, quân sự đối với các nước.

Thứ hai, do việc giải thích, áp dụng sai các quy định về luật pháp quốc tế: Điển hình là việc Trung Quốc cố tình bóp méo, viện dẫn sai các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 về quy chế đảo, đá, vùng nước lịch sử; liên tục đưa ra các tuyên bố biện minh cho rằng “Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi ở Biển Đông” và rằng “Trung Quốc có đầy đủ chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Nam Sa, Tây Sa, Đông Sa và các vùng nước phụ cận”; Trung Quốc cũng viện dẫn sai các quy định trong UNCLOS, đặc biệt là quy định các nước ven biển có quyền hoạch định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) trong phạm vi 200 hải lý kể từ đường bờ biển để đưa đường lưỡi bò vào bản đồ quốc gia và hộ chiếu.

Thứ ba, do Trung Quốc đẩy mạnh các hoạt động trên thực địa và có chủ trương vô lý về việc giải quyết tranh chấp. Trung Quốc liên tục có các hoạt động phi pháp nhằm khẳng định chủ quyền ở Biển Đông. Trung Quốc liên tục bắt trái phép ngư dân các nước trong khu vực, phá hoại hoạt động của các tàu thăm dò dầu khí các tàu của trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam; hạ đặt phi pháp giàn khoan Hải dương 981 trong vùng biển của Việt Nam; tiến hành cải tạo, quân sự hóa phi pháp hàng loạt các bãi cạn, đá ở Trường Sa; triển khai các loại vũ khí tấn công ở Hoàng Sa; đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá hàng năm trên Biển Đông; đẩy mạnh hoạt động phi pháp của các lực lượng quân sự và bán quân sự tại Biển Đông dẫn tới tình hình căng thẳng tại Biển Đông trong thời gian gần đây. Ngoài ra, trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông, Trung Quốc luôn khăng khăng cho rằng mình có chủ quyền không thể tranh cãi (trên thực tế là dùng vũ lực chiếm quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam), chỉ tiến hành đàm phán, hiệp thương hòa bình trực tiếp song phương với bên liên quan đối với tranh chấp ở Trường Sa, khẳng định “Hoàng Sa không tồn tại tranh chấp, thuộc chủ quyền của Trung Quốc” và rằng Trung Quốc không tham gia, không chấp nhận, không tuân thủ bất cứ phán quyết hoặc vụ kiện nào liên quan giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh thổ.

Thứ tư, việc Trung Quốc không tuân thủ và thực thi phán quyết của Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII (12/7/2016) cũng là nguyên nhân khiến việc tìm ra giải pháp giải quyết tranh chấp Biển Đông đi vào bế tắc.

Thứ năm, thiếu thống nhất trong nội bộ ASEAN.ASEAN tiếp tục bị chia rẽ về cách ứng xử với Trung Quốc trong tranh chấp ở Biển Đông. Tuy tranh chấp Biển Đông là tranh chấp giữa Trung Quốc và một số nước ASEAN, song tranh chấp này có liên quan trực tiếp đến hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực, trong đó lợi ích của ASEAN là rõ ràng và thiết thực nhất. Tuy nhiên, do Trung Quốc sử dụng sức mạnh kinh tế, quân sự, ngoại giao để lôi kéo, mua chuộc, thậm chí là ép buộc một số nước ASEAN phải nghe theo Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, đưa ra các tuyên bố, hành đồng không phù hợp với lợi ích chung của ASEAN khiến nội bộ mất đoàn kết, cản trở việc đàm phán ký kết Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) mang tính ràng buộc về pháp lý.

Thứ sáu, Trung Quốc không tuân thủ Tuyên bố về ứng xử của các bên liên quan ở Biển Đông (DOC). Bắc Kinh là một bên tham gia DOC, song không tuân thủ đúng theo nội dung đã ký kết mà liên tục triển khai các hành động đi ngược lại DOC, làm xói mòn lòng tin đối với các nước ASEAN. Ngoài ra, DOC là một văn kiện nửa chính trị nửa pháp lý,một số quy định của DOC quá chung chung, mới chỉ dừng ở mức các bên “tìm kiếm cách thức” xây dựng lòng tin, không có biện pháp ràng buộc các nước tự kiềm chế, không có các hành vi làm phức tạp hoặc gia tăng tranh chấp hay ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định ở khu vực.

Thứ bảy, các nước lớn có lợi ích ở Biển Đông chưa thực sự có các hành động cụ thể góp phần giải quyết tranh chấp.Mỹ, Nhật Bản, Australia, Ấn Độ… mới chỉ đưa ra các cam kết đảm bảo tự do hàng hải ở Biển Đông, hỗ trợ các nước ven Biển Đông tăng cường năng lực quốc phòng, kêu gọi Trung Quốc kiềm chế các hoạt động leo thang căng thẳng và giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình. Những hành động trên là đáng quý, góp phần đảm bảo hòa bình, ổn định và tự do hàng hải của khu vực, song chưa đủ để thúc đẩy Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán đa phương, giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.

Thời gian tới, để giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, các bên liên quan cần tôn trọng quy định của Luật pháp quốc tế, các cam kết, Tuyên bố song phương, đa phương mà mình tham gia, đồng thời có các biện pháp thiết thực xây dựng lòng tin, tự kiềm chế, không có các hành động làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Cụ thể:

Trước hết, các bên liên quan tranh chấp cần tuân thủ các nguyên tắc nêu trong Hiến chương Liên hợp quốc, UNCLOS cùng các văn kiện, tuyên bố khác trong quan hệ giữa các quốc gia; tuân thủ nguyên tắc không sử dụng vũ lực, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thông qua đàm phán giữa các bên trực tiếp liên quan, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS; kiềm chế trong việc thực hiện các hành vi có thể gây phức tạp hoặc gia tăng tranh chấp và ảnh hưởng đến hòa bình ổn định, kể cả việc không đưa người đến ở trên những đảo, đá, bãi ngầm chưa có người ở.

Thứ hai, các bên liên quan cần đẩy mạnh các biện pháp xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa thông qua các hoạt động chung, như: nghiên cứu đại dương, hợp tác nghề cá, bảo vệ môi trường, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ trên biển, khắc phục hậu quả thiên tai, phòng, chống cướp biển, chống khủng bố, tuần tra chung, tập trận chung; nghiêm cấm các hành động làm gia tăng xung đột, tranh chấp ở Biển Đông. Ngoài ra, tranh chấp Biển Đông là vấn đề lâu dài, phức tạp, các bên liên quan không chủ quan, nóng vội trong đàm phán phân định biển để có thể tận dụng hết mọi khả năng cũng như cơ hội mà mình có được.

Thứ ba, cần thúc đẩy xây dựng COC: Xây dựng COC là việc làm cấp thiết, đem lại lợi ích không chỉ cho ASEAN và Trung Quốc mà cho tất cả các nước ở trong và ngoài khu vực. Tuy COC không thể là phương tiện để giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ hay phân định ranh giới biển ở Biển Đông, nhưng COC sẽ tiếp tục là một công cụ xây dựng lòng tin nhằm tạo môi trường hòa bình, ổn định, tin cậy lẫn nhau và khuyến khích hợp tác sử dụng và quản lý Biển Đông một cách hòa bình, tối ưu trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.

Thứ tư, các nước cần có tinh thần thượng tôn pháp luật, cân nhắc lợi ích giữa các bên để có thể đem đến một sự công bằng tương đối cũng như bảo vệ được lợi ích hợp pháp của quốc gia mình; chủ động tiến hành đàm phán song phương nếu là tranh chấp giữa hai nước và đàm phán đa phương nếu là tranh chấp có liên quan đến lợi ích của các bên liên quan; việc đàm phán cần được tiến hành hết sức linh hoạt dựa trên điều kiện thực tế của việc giải quyết tranh chấp, không nên giữ quan điểm cứng nhắc; vận dụng và học hỏi kinh nghiệm thực tiễn từ việc phân định biển của các nước khác, cần phải nhận rõ những thách thức, nắm bắt đúng thời cơ để vận dụng cho phù hợp với hoàn cảnh thực tại.

Thứ năm, Trung Quốc cần từ bỏ chủ trương vô lý và chấm dứt các hoạt động làm thay đổi hiện trạng ở Biển Đông; thực hiện nghiêm túc các quy định của luật pháp quốc tế cũng như các tuyên bố, hiệp định ký kết với các nước liên quan. Trong đó, Trung Quốc phải từ bỏ ngay chủ trương về việc chỉ tiến hành đàm phán song phương trực tiếp với từng nước liên quan; Trung Quốc phải thừa nhận quần đảo Hoàng Sa là của Việt Nam, Trung Quốc đã tiến hành chiếm đóng phi pháp và Trung Quốc phải tiến hành đàm phán với Việt Nam để giải quyết tranh chấp.

Thứ sáu, các nước ASEAN cần đoàn kết, thống nhất trong nội bộ khối trước khi tiến hành đàm phán với Trung Quốc để có lập trường thống nhất, đủ nặng buộc Trung Quốc phải tuân thủ các hiệp định, tuyên bố đã ký kết với ASEAN, trong đó có DOC và TAC.

Cuối cùng, các nước lớn có lợi ích ở Biển Đông cần tích cực can thiệp sâu hơn vào tranh chấp Biển Đông, có các biện pháp cụ thể kiềm chế các hoạt động phi pháp của Trung Quốc nhằm làm thay đổi nguyên trạng ở Trường Sa và buộc Trung Quốc phải tuân thủ các quy định của luật pháp quốc tế.

Kết luận:

Hiện nay, do tính chất phức tạp và nhạy cảm của các tranh chấp trên Biển Đông đã tác động trực tiếp đến sự ổn định chính trị trong khu vực và quốc tế. Để giải quyết được tranh chấp Biển Đông, điểm mấu chốt vẫn là ý chí trí chính trị và quyết tâm của lãnh đạo các nước liên quan, chỉ khi tất cả các nước cùng đồng thuận quan điểm, cách tiếp cận vấn đề thì mới tìm ra được biện pháp giải quyết các bất đồng, mâu thuẫn và tranh chấp ở Biển Đông.

Tất cả các bên liên quan cần nghiêm túc thực thiện các Hiệp định, Thỏa thuận song phương và đa phương đã ký kết, trong đó có UNCLOS và DOC nhằm đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định ở Biển Đông; không được có các hành động sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, thay đổi nguyên trạng, quân sự hóa các đảo, đá, bãi nửa nổi nửa chìm ở Biển Đông. Đặc biệt là Trung Quốc, nước lớn có trách nhiệm trên thế giới và là láng giềng hữu nghị với các nước ASEAN, cần thể hiện vai trò và trách nhiệm của mình, đi tiên phong trong việc tuân thủ luật pháp quốc tế, từ bỏ các yêu sách chủ quyền phi pháp ở Biển Đông, để phối hợp cùng các nước ASEAN giải quyết hòa bình tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới