Friday, April 19, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnMỹ kiện Nga lên WTO: Putin thay đổi cuộc chơi

Mỹ kiện Nga lên WTO: Putin thay đổi cuộc chơi

Bởi “kẻ mạnh” phạm luật chơi thì luật chơi không thể thay đổi, còn “người yếu” phạm luật chơi thì việc thay đổi luật chơi sẽ có cơ may…

Mỹ khởi kiện Nga tại WTO vì trả đũa Mỹ quá đà

Ngày 29/8, Mỹ cho biết đã khởi kiện Nga tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thách thức “biện pháp bảo hộ đặc biệt” mà Nga đã áp dụng với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, cụ thể là tăng thuế với các sản phẩm nhôm và thép của Mỹ, theo RT.

Hành động của Moscow là nhằm đáp trả việc chính quyển Mỹ tăng thuế nhập khẩu đối với nhôm, thép của Nga, như một biện pháp bảo hộ cho ngành sản xuất nhôm, thép của nước Mỹ.

Phía Mỹ cho rằng Nga đã vi phạm quy định của WTO vì các mức thuế bổ sung của Nga chỉ được áp đặt với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, chứ không phải với hàng hóa nhập khẩu từ bất kỳ thành viên WTO nào khác.

Bên cạnh đó, mức thuế mới mà chính phủ Nga áp dụng với sản phẩm, hàng hoá nhập khẩu từ Mỹ đã cao hơn mức giới hạn tối đa theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới.

Xin nhắc lại là ngày 1/3/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định áp các hình thức trừng phạt lên thép và nhôm nhập khẩu, bằng cách áp mức thuế 25% đối với thép nhập khẩu và 10% đối với nhôm nhập khẩu từ nước ngoài.

Hành động của Mỹ thực ra là biện pháp tấn công trong cuộc chiến thương mại với các đối tác bị cho là đã “cướp” mất lợi ích từ nước Mỹ, song đã khiến Nga thiệt hại trên lượng hàng hoá xuất khẩu vào Mỹ có giá trị khoảng 537,6 triệu USD.

Để đáp trả, từ ngày 5/8/2018, Nga đã áp dụng mức thuế mới tăng từ 25% lên 40% với hàng loạt chủng loại hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, gồm một số phương tiện vận tải, máy xây dựng, thiết bị dầu khí, công cụ chế biến thép và khoan đá, sợi quang.

Với mức thuế bổ sung, Nga bù lại được 87,6 triệu USD bị thiệt hại vì Mỹ, trong năm 2018.

Số 450 triệu bị thiệt hại còn lại, theo tính toán của Moscow thì sẽ được bù lại trong 3 năm tiếp theo.

Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Nga Maxim Oreshkin cho biết hành động của Nga phù hợp với quy định của WTO.

Tuy nhiên, Washington cho rằng Moscow vi phạm quy định của WTO và đã khởi kiện.

Theo thông tin từ WTO, Nga sẽ có 60 ngày để tìm ra hướng giải quyết ổn thoả tranh chấp này, nếu sau thời hạn trên mà vấn đề vẫn chưa được giải quyết, Mỹ có thể đề nghị WTO lập một ủy ban để xét xử tranh chấp.

Các mức thuế của Nga đối với hàng hóa xuất khẩu thường niên của Mỹ, chỉ có tổng trị giá khoảng 537,6 triệu USD, vì vậy hành động trả đũa của chính phủ Nga vốn bị xem chỉ là cú đánh thiếu lực, giống như gãi ngứa với Mỹ.

My kien Nga len WTO: Putin thay doi cuoc choi
Nga cố tình đáp trả quá đà để Mỹ phải tuân thủ luật chơi

Vậy mà Washington lại kiện Moscow lên WTO. Phải chăng chỉ vì Washington mong muốn Moscow tuân thủ luật chơi – mà Mỹ là một trong những tác giả xây dựng luật – hay còn lý do nào khác phía sau vụ kiện thương mại này nữa?  

Putin buộc Mỹ phải thay đổi luật chơi và thay đổi cuộc chơi

Theo giới phân tích, chính phủ Nga áp thuế nhập khẩu mới với hàng hoá Mỹ không chỉ nhằm trả đũa Mỹ, mà qua hành động này, Moscow hướng tới mục tiêu lớn hơn nhiều. Đó là điều chỉnh luật chơi của Mỹ.

Việc đáp trả của Nga là nhằm ngăn chặn việc Mỹ tuỳ tiện áp dụng các nguyên tắc trong cơ chế thương mại song phương cho cơ chế thương mại đa phương, từ đó vô hiệu hoá các nguyên tắc của WTO.

Chính Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Nga Oreshkin đã cho biết: “Nga sử dụng quyền được quy định bởi Tổ chức Thương mại Thế giới để đưa ra biện pháp đáp trả nhằm tái cân bằng xuất- nhập khẩu với Mỹ”.

Như đã biết, WTO là một diễn đàn toàn cầu và là một tổ chức quốc tế thống nhất, một tổ chức hoạt động quản lý tất cả các hoạt động thương mại đa phương, là một yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy lợi ích từng quốc gia thành viên.

Thương mại đa phương đang là biểu hiện cho xu thế toàn cầu hoá và WTO là biểu tượng cho xu thế đó, khi thành viên của WTO có thể tham gia các cuộc đàm phán thương mại đa phương, cũng như thúc đẩy quan điểm và tầm nhìn của mình. 

Ngoài việc giám sát thực hiện các quy tắc và quy định hiện hành thì WTO còn không ngừng phát triển các điều kiện mới cho thương mại quốc tế, qua đó giúp hệ thống thương mại toàn cầu thích ứng với xu thế hội nhập – toàn cầu hoá. 

Tham gia vào WTO là hướng tới đa lợi ích, khi hiệp định thương mại đa phương được xem như một công cụ giúp cho các quốc gia thành viên có thể khai thác lợi ích đan xen mà hiệp định thương mại song phương không mang lại được. 

My kien Nga len WTO: Putin thay doi cuoc choi
Tổng thống Putin buộc Mỹ phải thay đổi cuộc chơi

Biểu hiện rõ nhất khi tham gia vào WTO là tham gia vào liên kết chuỗi, giúp cho lợi ích của các thành viên WTO có được từ cả quan hệ trực tiếp lẫn quan hệ gián tiếp, trong cả ngắn hạn lẫn dài hạn. 

Trong quan hệ thương mại song phương thì, hoặc là “ưu thế luôn thuộc về kẻ mạnh”, hoặc phải ngang bằng theo kiểu “ăn miếng trả miếng”. WTO ra đời nhằm tạo ra một sân chơi bình đẳng với cơ chế thương mại đa phương.

Nga dựa vào quy định của WTO để đáp trả Mỹ, tại sao Mỹ lại kiện Nga vì vi phạm quy định của WTO? Vậy Nga đã vi phạm luật chơi trong WTO hay Mỹ đã cố tạo ra sự bất bình đẳng trong cơ chế thương mại đa phương? Xin đi vào phân tích vụ kiện.

Thứ nhất, Phía Mỹ cho rằng các mức thuế bổ sung của Nga chỉ được áp đặt với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, không phải với hàng hóa nhập khẩu từ bất kỳ thành viên WTO nào. Đây bị xem là vi phạm nguyên tắc Không phân biệt đối xử của WTO.

Nguyên tắc Không phân biệt đối xử (non-discrimination) được hiểu theo tinh thần là không có sự phân biệt đối xử giữa hàng hóa của các nước khác nhau. Nguyên tắc này được quy định cụ thể qua “quy tắc tối huệ quốc” và ” quy tắc đối xử quốc gia”.

Quy tắc tối huệ quốc (MFN) quy định mỗi thành viên phải áp dụng các quy tắc thuế quan một cách công bằng cho tất cả các thành viên trong WTO. Trong khi Nga chỉ áp thuế với hàng nhập khẩu Mỹ nên vi phạm quy tắc này.

Thứ hai, phía Mỹ cho rằng mức thuế mới mà Nga áp dụng với sản phẩm, hàng hoá nhập khẩu từ Mỹ vì phạm quy định về mức giới hạn tối đa theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới.

Các sản phẩm, hàng hoá nhập khẩu từ Mỹ mà Nga áp tăng thuế là mặt hàng công nghiệp và kinh tế Mỹ là nền kinh tế phát triển, nên theo quy định của WTO thì mức tối đa chỉ là 37%, trong khi mức thuế tối đa mới của Nga là 40%.

My kien Nga len WTO : Putin buoc My thay doi cuoc choi
Mỹ chỉ tăng thuế nhập khẩu nhôm, thép từ Nga, nhưng Nga tăng thuế nhiều mặt hàng của Mỹ

Như vậy, rõ ràng Moscow đã vi phạm luật chơi nên bị Washington khởi kiện là hợp lý. Dư luận đặt câu hỏi tại sao Nga lại cố tình vi phạm luật chơi khi đã tham gia vào cơ chế của WTO? Phía sau sự cố tình này là gì?

Có thể thấy rằng, Mỹ là một trong những nước đi đầu trong việc tham gia vào cơ chế đa phương, thúc đẩy toàn cầu hoá, tuy nhiên chính Washington lại thường xuyên vi phạm những luật chơi mà Mỹ đã đưa ra để tạo cuộc chơi.

Vậy nhưng khi các thực thể khác – trong đó có Nga – có những phản ứng trái chiều thì Washington lại thực hiện ngay hành động của kẻ mạnh. Việc tăng thuế nhập khẩu nhôm, thép là một hành động của kẻ mạnh.

Nga không tham gia xây dựng những nguyên tắc của WTO và Nga gia nhập WTO gần như đồng thời với việc bị phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt, vì vậy Nga đã hiểu rất rõ luật chơi và cách chơi của Mỹ.

Vì vậy, khi không thể chấp nhận việc Washington tự tung tự tác, biến các định chế quốc tế thành công cụ của mình, Moscow đã tìm cách điều chỉnh luật chơi và qua đó điều chỉnh cuộc chơi, đảm bảo bình đẳng cho những tiểu nhược trước các đại cường.

Việc Nga áp thuế nhập khẩu mới cho hàng hoá Mỹ được xem là cách Tổng thống Putin điều chỉnh cuộc chơi, hạn chế Mỹ sử dụng quy tắc Washington Consensus – Sự đồng thuận của Washington – để chèn ép các quốc gia “yếu về thế, kém về lực”.

Quy tắc Washington Consensus đã khiến các định chế kinh tế quốc tế như WTO được thành lập theo nguyên tắc tự do thương mại nhưng không thể miễn nhiễm với “yếu tố chính trị”, nguyên tắc mở cửa để hợp tác giữa các quốc gia đã bị hạn chế.

Như vậy, sự công bằng-bình đẳng trong WTO đã không hề được xác lập, “mạnh ép yếu” vẫn được xem là xu thế ứng xử trong cơ chế đa phương này. Vậy ngược lại “yếu ép mạnh” thì vấn đề sẽ được giải quyết ra sao?

My kien Nga len WTO : Putin buoc My thay doi cuoc choi
Mỹ không thể mãi vô tư vi phạm luật chơi

Theo giới phân tích đó mới là mục đích Tổng thống Putin có đáp trả quá đà với Mỹ, buộc Washington phải khởi kiện. Bởi “kẻ mạnh” phạm luật chơi thì luật chơi không thể thay đổi, còn “người yếu” phạm luật chơi thì việc thay đổi luật chơi sẽ có cơ may.

Từ việc Mỹ khởi kiện Nga do đáp trả mạnh tay sau cú ra đòn của Mỹ, sử dụng quy định về thuế quan để tạo bất bình đẳng rồi sử dụng WTO như bùa hộ mệnh, cho thấy việc Nga điều chỉnh luật chơi của Mỹ đã có tín hiệu tích cực.

Năm 2007, Tổng thống Putin từng lên tiếng cảnh báo nguy cơ Mỹ áp đặt luật lệ lên những thực thể khác thông qua các định chế quốc tế nhưng “chẳng ai làm gì để ngăn chặn điều đó nên phải chịu hậu quả”.

Có lẽ đến nay đã nhận thấy không ai có thể làm được điều đó ngoài bản thân ông, vì vậy ông Putin đã ra tay, từ đó hy vọng có thể thay đổi cuộc chơi của Mỹ!

RELATED ARTICLES

Tin mới