Tuesday, April 16, 2024
Trang chủSự thật Trung HoaTQ đặt chân sâu vào châu Phi với chiêu xóa nợ

TQ đặt chân sâu vào châu Phi với chiêu xóa nợ

Xóa nợ cho một số nước kém phát triển nhất châu Phi, Trung Quốc còn sẵn sàng phối hợp để hỗ trợ châu Phi theo đuổi hòa bình, phát triển.

Đó là tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-châu Phi (FOCAC).

Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh Bắc Kinh sẽ xóa nợ cho một số nước châu Phi theo hình thức các khoản nợ chính phủ Trung Quốc không trả lãi trước cuối năm 2018. Việc xóa nợ này sẽ được dành cho các nước kém phát triển nhất của châu Phi, các nước mắc nợ chồng chất và nghèo đói, các nước đang phát triển không có biển và là đảo nhỏ mà có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Ông Tập Cận Bình cũng tuyên bố Trung Quốc sẽ tăng khoản tài trợ tổng cộng 60 tỷ USD cho châu Phi.

Ngoài ra, Bắc Kinh cũng sẽ thực hiện các sáng kiến lớn với các nước châu Phi, bao gồm các lĩnh vực như thúc đẩy công nghiệp, kết nối cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi thương mại và phát triển xanh.

Phát biểu trong một cuộc hội đàm cấp cao với các nhà lãnh đạo, đại diện doanh nghiệp châu Phi chỉ một vài giờ trước lễ khai mạc FOLAC, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết đầu tư của Trung Quốc tại châu Phi không đính kèm các điều kiện về mặt chính trị, và rằng Trung Quốc không can thiệp vào các hoạt động nội bộ của châu Phi và không áp đặt các ý muốn riêng của nước này với châu Phi.

Lâu nay, Trung Quốc đã cho các nước tại châu Á và châu Phi mượn nhiều tỷ USD để phục vụ các dự án về đường sá, đường sắt, bến cảng và các dự án hạ tầng lớn khác.

Reuters dẫn số liệu thống kê từ Trường Nghiên cứu Quốc tế Cấp cao thuộc Đại học Johns Hopkins ở Washington cho biết từ năm 2000 đến năm 2016, Trung Quốc đã cho châu Phi vay khoảng 125 tỷ USD. Trung Quốc hiện là chủ nợ chính của nhiều quốc gia châu Phi, trong đó phải kể tới Djibouti khi Bắc Kinh nắm tới 77% tổng nợ của nước này tính đến cuối năm 2016 hay Zambia – quốc gia vay mượn ít nhất 6,4 tỷ USD từ Trung Quốc.

Những món quà tỷ USD mà Trung Quốc tặng cho châu Phi đã giúp nước này đặt chân vào lục địa đen sâu hơn. Các công ty thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc nhờ đó đẩy mạnh các hoạt động đầu tư lớn tại châu Phi – nơi nguồn tài nguyên dồi dào đã tiếp lực cho quá trình chuyển đổi của Trung Quốc thành một cường quốc kinh tế.

Các chuyên gia quốc tế đã nhiều lần bày tỏ lo ngại về tình trạng doanh nghiệp Trung Quốc khai thác ồ ạt khoáng sản và nguyên liệu thô tại châu Phi mang về nước, không có đóng góp nhiều cho kinh tế địa phương cũng như kèm theo ý đồ khác về chiến lược và chính trị trong các dự án.

Không dừng ở đó, các doanh nghiệp Trung Quốc còn mang hàng ngàn nhân công từ Trung Quốc sang như ở Ghana và Nigeria hoặc thuê công nhân địa phương với giá rẻ mạt như tại Zambia.

Đã có nhiều ý kiến cho rằng Bắc Kinh đang đẩy các nước châu Phi vào “bẫy nợ” khi cho các nước này vay tiền nhưng không có khả năng thanh toán.

Trường hợp điển hình là Sri Lanka. Nội chiến kết thúc năm 2009 kéo theo nhu cầu kiến thiết đất nước khẩn cấp của Sri Lanka và Bắc Kinh là nhà cung cấp viện trợ hào phóng nhất, lên đến 15 tỷ USD trong giai đoạn 2005-2017. Tính đến cuối năm 2015, Sri Lanka nợ nước ngoài lên đến 94% GDP, trong đó có 8 tỷ USD của Trung Quốc.

Tháng 9/2014, dự án thành phố cảng Colombo của Sri Lanka và Trung Quốc được khởi công với sự có mặt của lãnh đạo hai nước là ông Mahinda Rajapaksa và Chủ tịch Tập Cận Bình.

Trong vòng hai năm sau đó, tiến độ xây dựng liên tục bị trì hoãn do xích mích giữa nhà thầu và chính quyền địa phương khiến hải cảng này vẫn không thu hút được tàu thuyền quốc tế.

Khu vực cảng Hambantota với vốn đầu tư 1,5 tỉ USD cũng chịu tình trạng thất bại tương tự và đến cuối năm 2017 thì chính phủ Sri Lanka đã bán 80% hải cảng này cho Trung Quốc với giá 1,1 tỷ USD để giải quyết áp lực nợ. Sự hoạt động kém hiệu quả so với vốn đầu tư của hai dự án đã đóng góp không nhỏ vào số nợ nước ngoài của Sri Lanka.

Cho đến nay,  các quốc gia châu Phi đang có những bước đi tích cực để giảm phụ thuộc vào nhà đầu tư nước ngoài, hướng tới phát triển bền vững hơn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức trước mắt, trong đó có sức ép từ Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới