Friday, April 19, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiSự tham gia của Singapore trong tranh chấp Biển Đông khi làm...

Sự tham gia của Singapore trong tranh chấp Biển Đông khi làm Chủ tịch ASEAN 2018

Với vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN 2018 và nước điều phối quan hệ Trung Quốc – ASEAN, về cơ bản Singapore tiếp tục quan điểm trung lập, songcũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, đảm bảo an ninh tự do hàng hải và hàng không theo luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, tiếp tục kêu gọi phi quân sự hóa, thúc đẩy đàm phán COC.

Mặc dù Singapore là nước không có tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc và các nước, song việc duy trì hòa bình, an ninh ổn định ở Biển Đông và hợp tác trong khu vực có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của Singapore. Vì vậy, với vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN 2018 và nước điều phối quan hệ Trung Quốc – ASEAN, Singapore đã tìm cách cân bằng lợi ích để đảm bảo thành công cho vai trò của mình. Singapore tích cực ủng hộ giải quyết vấn đề Biển Đông tại các diễn đàn khu vực, quốc tế, trong đó đưa ra nhiều sáng kiến, giải pháp trong vấn đề này. Có thể khái quát về sự tham gia của Singapore trong vấn đề Biển Đông như sau:

Tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 32 từ ngày 27-28/4/2018

Đây là Hội nghị Cấp cao đầu tiên năm 2018 trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Singapore. Trong tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị cấp cao ASEAN, Thủ tướng Lý cho hay lãnh đạo các nước tái khẳng định tầm quan trọng của việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Lãnh đạo các nước cũng ghi nhận lợi ích của khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định và thịnh vượng, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc áp dụng đầy đủ, hiệu quả DOC. Lãnh đạo các nước hoan nghênh sự tăng cường hợp tác giữa ASEAN với Trung Quốc, khởi đầu cho việc đàm phán về lộ trình cho COC và các biện pháp thiết thực nhằm giảm căng thẳng và nguy cơ xảy ra tai nạn, hiểu lầm và tính toán sai. Trong số này có việc thử nghiệm thành công đường dây nóng bộ ngoại giao giữa Trung Quốc và các nước ASEAN, cũng như Bộ quy tắc chống va chạm bất ngờ trên biển (CUES). Theo bản tuyên bố, lãnh đạo các nước ghi nhận quan ngại về việc bồi đắp và các hoạt động khác trên Biển Đông đã xói mòn lòng tin, làm gia tăng căng thẳng và phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực. Hội nghị nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng lòng tin, kiềm chế hành động làm phức tạp thêm tình hình và theo đuổi giải pháp hòa bình trong khuôn khổ luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Singapore từ ngày 25-26/4 của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, hai bên khẳng định tầm quan trọng của duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tái khẳng định ủng hộ thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hoàn tất Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và có tính ràng buộc.

Tại Đối thoại Shangri-la lần thứ 17 từ ngày 1-3/6/2018

Hội nghị Thượng đỉnh An ninh châu Á hay Đối thoại Shangri-La là một diễn đàn an ninh liên chính phủ tổ chức hàng năm bởi một tổ chức cố vấn độc lập là Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS). Hội nghị có sự tham dự của các Bộ trưởng Quốc phòng, các Bộ trưởng thường trực và các Tướng lĩnh quân đội của 28 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương. Diễn đàn được đặt theo tên của khách sạn Shangri-La ở Singapore, nơi nó đã được tổ chức từ năm 2002. Các đoàn đại biểu tham dự Hội nghị Shangri-La những năm qua đến từ các nước Australia, Brunei, Myanmar, Campuchia, Canada, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Lào, Malaysia, Mông Cổ, New Zealand, Pakistan, Trung Quốc, Philippines, Nga, Hàn Quốc, Sri Lanka, Singapore, Thái Lan, Đông Timor, Anh, Mỹ và Việt Nam.

Đối thoại Shangri-la lần thứ 17 diễn ra tại Singapore từ ngày 1/6 đến ngày 3/6/2018 thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận khu vực và quốc tế, trong đó vấn đề Biển Đông là một trong những chủ đề chính đã được nước chủ nhà và các nước tham dự đề cập đến. Qua Đối thoại Shangri-la lần thứ 17 do Singapore tổ chức, dư luận quốc tế và khu vực đã lên án mạnh mẽ hành động của Trung Quốc ở Biển Đông hiện nay. Đây được xem như một đóng góp tích cực của Singapore trong những nỗ lực giải quyết tranh chấp Biển Đông. Ngay tại Hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis (2/6) đã lên án các hành động có thể ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định trong khu vực, trong đó có những hành động đơn phương của Trung Quốc gần đây trên Biển Đông, cho rằng sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực uy hiếp và cưỡng ép các nước láng giềng. “Trung Quốc đã triển khai hàng loạt khí tài quân sự, trong đó có tên lửa chống hạm, tên lửa đất đối không và các thiết bị gây nhiễu điện tử trên khắp Biển Đông, khu vực mà Bắc Kinh đã các xây đảo nhân tạo và biến các thực thể trên biển khác thành các cơ sở quân sự”, hãng tin AFP dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ. Bên lề Hội nghị (4/6), Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã ra thông cáo chung chống hành động đơn phương tại Biển Đông và phác họa tăng cường hợp tác hàng hải. Dù thông cáo không đề cập đến một quốc gia cụ thể, nhưng giới quan sát tin rằng hành động này nhằm đáp trả việc Trung Quốc mới đây xây dựng các đảo và tăng cường sự hiện diện quân sự tại Biển Đông.

Phát biểu tại phiên toàn thể thứ 3 với nội dung “Định hình trật tự an ninh đang biến đổi của châu Á”, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh Việt Nam kiên định và ủng hộ việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC); thúc đẩy xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC). Việt Nam cho rằng mọi hành động vi phạm chủ quyền của nước khác, quân sự hóa và gia tăng sức mạnh quân sự đều không phù hợp với luật pháp quốc tế, đi ngược lại các cam kết khu vực.

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 51 từ ngày 01-4/8/2018

Với tư cách chủ nhà, Singapore cũng đã đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự. Các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã ra Thông cáo chung AMM 51, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; chia sẻ quan ngại trước hoạt động quân sự hóa làm xói mòn lòng tin, gây phương hại tới hoà bình và an ninh khu vực. Theo đó, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN kêu gọi các bên kiềm chế không có các biện pháp làm phức tạp tình hình và leo thang căng thẳng; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS); thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC. Về đàm phán COC, các Bộ trưởng Ngoại giao ghi nhận một số tiến triển vừa qua trong thương lượng, trong đó có việc thống nhất Văn bản dự thảo thương lượng duy nhất làm cơ sở đàm phán, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì môi trường thuận lợi cho tiến trình thương lượng COC. Trước những diễn biến tình hình phức tạp trên thực địa, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không quân sự hoá và kiềm chế, thực hiện đầy đủ cá nghĩa vụ liên quan, trong đó có các nghĩa vụ ghi ở DOC. Cũng tại Hội nghị này, các Bộ trưởng ASEAN và Trung Quốc đã đạt được thống nhất về một dự thảo đàm phán COC, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan ngày 2/8 cho biết.

Xu hướng chính sách trong vấn đề Biển Đông của Singapore thời gian tới

          Singapore không phải là nước tranh chấp, không có đòi hỏi về chủ quyền tại Biển Đông, giữ lập trường trung lập không nghiêng về bên nào. Singapore quan tâm vấn đề Biển Đông là vì Singapore phụ thuộc nhiều vào thương mại quốc tế, tự do hàng hải và tự do hàng không tại Biển Đông liên quan đến lợi ích kinh tế của nước này. Trong những năm qua, Singapore vừa giương cao lá cờ “trung lập”, vừa dần hướng về phương Tây để cân bằng quan hệ với Trung Quốc. Năm 2011, tàu tuần tra “Hải tuần 31” của Trung Quốc đến thăm Singapore. Sau đó, Bộ Ngoại giao Singapore tuyên bố Singapore không có đòi hỏi chủ quyền ở Biển Đông, nhưng bất cứ vấn đề nào ảnh hưởng đến tự do hàng hải và hàng không trong vùng biển quốc tế đều liên quan đến lợi ích then chốt của Singapore. Tuyên bố này được hiểu là Singapore và Trung Quốc “vạch rõ giới hạn”. Năm 2012, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cùng với Ngoại trưởng Sanmugam trong các dịp khác nhau đã bày tỏ rằng Singapore trong vấn đề Biển Đông luôn giữ lập trường trung lập, không lựa chọn đứng về bên nào, đề xướng các nước liên quan đến tranh chấp tự giải quyết. Nhưng cùng năm đó, Bộ Quốc phòng Singapore đồng ý cho Mỹ bố trí 4 tàu chiến đấu ven biển. Năm 2013, thái độ công khai trong vấn đề Biển Đông của Bộ Ngoại giao Singapore vẫn là giữ lập trường trung lập, kêu gọi giải quyết tranh chấp bằng luật quốc tế. Sau đó, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đến thăm Mỹ, bày tỏ hoan nghênh Mỹ quay trở lại châu Á-Thái Bình Dương và chào đón sự ra đời của TPP. Năm 2014, tuyên bố công khai của Bộ Ngoại giao Singapore đối với vấn đề Biển Đông là: “Singapore quan tâm đến sự phát triển của tình hình Biển Đông. Kêu gọi các bên kiềm chế, tránh các hành vi có thể khiến tình hình căng thẳng ở Biển Đông leo thang. Nhắc nhở các bên tranh chấp xử lý tranh chấp một cách hòa bình trong khuôn khổ luật quốc tế”. Tháng 3/2015, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore trong một cuộc phỏng vấn công khai đã “mời” Ấn Độ tham gia can thiệp vào vấn đề Biển Đông, “Ấn Độ là một nước lớn có tầm ảnh hưởng, hy vọng sự hiện diện và tham gia của nước này ở Biển Đông có thể tăng cường lòng tin và thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau”. Tháng 8/2015, Ngoại trưởng Singapore Sanmugam bày tỏ “các nước ngoài khu vực có quyền lên tiếng về vấn đề Biển Đông”.

          Thời gian tới, Singapore sẽ tiếp tục duy trì quan điểm trung lập do không phải là một bên tranh chấp chủ quyền, nhằm tránh gây căng thẳng trong quan hệ với Trung Quốc và tránh là gia tăng căng thẳng trong nội khối về vấn đề này. Tuy nhiên, để không làm giảm vai trò là đối tác của Mỹở khu vực và là thành viên tích cực của ASEAN, Singapore sẽ tiếp tục thúc đẩy vấn đề Biển Đông, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, đảm bảo an ninh tự do hàng hải và hàng không teo luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982, tiếp tục kêu gọi phi quân sự hóa, thúc đẩy đàm phán COC và các công cụ giảm thiểu nguy cơ va chạm bất ngờ trên biển. Singapore có thể tiếp tục ủng hộ quan điểm của Mỹ trong giải quyết vấn đề Biển Đông, cũng như những nỗ lực quốc tế hóa vấn đề này trong bối cảnh Trung Quốc muốn hạn chế trong phạm vị các nước liên quan trực tiếp và gia tăng hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông. Ngoài ra, Singapore sẽ tiếp tục thúc đẩy đưa vào công cụ giúp giảm căng thẳng Biển Đông như Bộ quy tắc ứng xử trong các vụ đụng độ không báo trước trên biển (CUES), đẩy nhanh quá trình đàm phán và đạt được COC giữa ASEAN và Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới