Friday, March 29, 2024
Trang chủBiển nóngNhìn lại cam kết không “quân sự hóa” ở Biển Đông của...

Nhìn lại cam kết không “quân sự hóa” ở Biển Đông của TQ

Trong chuyến thăm chính thức tới Mỹ (25/9/2015), sau khi hội đàm với Tổng thống Mỹ B.Obama, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lần đầu tiên cam kết công khai rằng sẽ không “quân sự hóa” các đảo nhân tạo mà nước này xây trái phép trên Biển Đông. Tuy nhiên, trên thực tế những năm qua Trung Quốc đã không ngừng mở rộng xây dựng, bồi đắp đảo và quân sự hóa ở Biển Đông.

Hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc trên các đảo nhân tạo tại quần đảo Trường Sa. Nguồn: CSIS/AMTI

Từ những cam kết mập mờ về việc không “quân sự hóa” ở Biển Đông

Từ ngày 22-28/9/2015, Chủ tịch Trung Quốc có chuyến thăm chính thức đến Mỹ trong bối cảnh quan hệ hai nước căng thẳng bởi vấn đề Biển Đông và gián điệp mạng. Tổng thống Mỹ Barack Obama đón tiếp Chủ tịch Tập Cận Bình theo nghi thức trọng thể ở Nhà Trắng trước khi hai ông hội đàm trong phòng Bầu dục. Giới nghiên cứu lúc đó kỳ vọng Mỹ sẽ nêu đậm và gây sức ép mạnh với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông và an ninh, an toàn và tự do hàng hải, đặc biệt là việc Trung Quốc bồi đắp xây dựng đảo phi pháp ở Trường Sa. Tuy nhiên, trong bản tóm tắt nội dung chuyến thăm do Văn phòng báo chí Nhà trắng phát ra, không có bất kỳ từ nào đề cập Biển Đông. Đến cuộc họp báo chung sau đó, hai nhà lãnh đạo cũng chỉ nhắc lại quan điểm riêng của mình. Điểm đáng chú ý duy nhất là việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công khai cam kết sẽ không “quân sự hóa” ở Biển Đông. Ông Tập Cận Bình cho biết “các hoạt động xây dựng mà Trung Quốc đang tiến hành ở quần đảo Trường Sa không nhằm vào hay có ảnh hưởng gì tới bất kỳ quốc gia nào và Trung Quốc không có dự định theo đuổi quân sự hóa”. Dư luận giới nghiên cứu nhận định cụm từ “quân sự hóa” mà Chủ tịch Trung Quốc đưa ra là một ngôn ngữ mới và rất mơ hồ. Liệu các binh sỹ có sử dụng các đường băng đó không? Liệu có triển khai tên lửa không?”, ông Bonnie Glaser, chuyên gia quân sự thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) nhận định. “Ý của ông Tập trong tuyên bố mà ông ấy đưa ra tùy thuộc vào cách ông ấy hoặc Trung Quốc định nghĩa từ ‘quân sự hóa’”, chuyên gia M. Tayolor Fravel thuộc Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) phát biểu. “Mỹ và các nước khác có thể tham chiếu tuyên bố của ông Tập khi đánh giá hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông. Nhưng để làm vậy đòi hỏi phải có một định nghĩa rõ ràng và không quá rộng về ‘quân sự hóa’”. Cam kết “không quân sự hoá Biển Đông” do ông Tập Cận Bình đưa ra không có nghĩa là Trung Quốc sẽ không triển khai quân đội hay khí tài tại đây, chuyên gia Greg Austin nhận định. Đa số ý kiến đều cho rằng cần phải chờ xem Trung Quốc thực hiện như thế nào để có thể đưa ra kết luận chính xác.     Đến khẳng định việc quân sự hóa ở Biển Đông và tìm cách biện minh

          Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 51 (AMM-51) diễn ra từ ngày 01-4/2018, tại Trung tâm Hội nghị EXPO, Singapore. Hội nghị có sự tham dự của Thủ tướng Singapore, Chủ tịch ASEAN 2018, Lý Hiển Long, Bộ trưởng Ngoại giao 10 nước ASEAN và các nước khách mời (Argentina, Iran, Na Uy, Papua New Guinea, Thụy Sĩ, Timo Leste và Thổ Nhĩ Kỳ) cùng Tổng Thư ký ASEAN. Hội nghị đã thông qua Thông cáo chung AMM 51, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông; chia sẻ quan ngại trước hoạt động quân sự hóa làm xói mòn lòng tin, gây phương hại tới hoà bình và an ninh khu vực. Theo đó, các Ngoại trưởng ASEAN kêu gọi các bên kiềm chế không có các biện pháp làm phức tạp tình hình và leo thang căng thẳng; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS); thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC. Về đàm phán COC, các ngoại trưởng ghi nhận một số tiến triển vừa qua trong thương lượng, trong đó có việc thống nhất Văn bản dự thảo thương lượng duy nhất làm cơ sở đàm phán, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì môi trường thuận lợi cho tiến trình thương lượng COC. Trước những diễn biến tình hình phức tạp trên thực địa, các ngoại trưởng ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không quân sự hoá và thực hiện đầy đủ cá nghĩa vụ liên quan, trong đó có các nghĩa vụ ghi ở DOC.

          Phát biểu bên lề AMM 51, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã tuyên bố rằng “Một số quốc gia không giáp Biển Đông, chủ yếu là Mỹ, đã gửi lượng lớn vũ khí chiến lược tới khu vực để phô trương sức mạnh quân sự và gây sức ép lên các nước trong khu vực, trong đó có Trung Quốc. Tôi e đây chính là lý do lớn nhất thúc đẩy Trung Quốc quân sự hóa trên Biển Đông”. Ngoại trưởng Vương Nghị cho rằng áp lực quân sự như vậy khiến các nước trong khu vực, gồm cả Trung Quốc, phải “thiết lập các cơ sở phòng thủ để tự vệ”. Khi được hỏi về khả năng các quốc gia khác đáp trả việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông, ông Vương nói Bắc Kinh có quyền thực thi “các biện pháp bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ”. Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc công khai thừa nhận hoạt động quân sự hóa trên Biển Đông. Trong Đối thoại Shangri-La hồi tháng 6/2018, trung tướng Hà Lôi, Phó Giám đốc Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc cũng ngang nhiên cho rằng việc triển khai binh sĩ và vũ khí trên các đảo ở Biển Đông là “nằm trong quyền chủ quyền của Trung Quốc và được luật pháp quốc tế cho phép”. Còn trong cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tại Đại lễ đường nhân dân hôm 27/6/2018, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình một lần nữa cam kết duy trì hòa bình nhưng tuyên bố sẽ không từ bỏ “dù chỉ là một tấc đất lãnh thổ mà tổ tiên để lại”.

          Như vậy có thể thấy rõ, ngay trong các tuyên bố, Trung Quốc đã cho thấy sự bất minh, bất nhất về cam kết không quân sự hóa ở Biển Đông. Từ chỗ người đứng đầu nhà nước Trung Quốc đưa ra tuyên bố nhằm trấn an, hướng lái dư luận vào thời điểm đó, song sau đó chính các quan chức hàng đầu của Trung Quốc lại khẳng định “Trung Quốc quân sự hóa ở Biển Đông”. Vậy đâu là điều đáng lên án?

          Cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ và kêu gọi TQ thực hiện cam kết

          Hành động phản bội cam kết của chính mình đã khiến Trung Quốc hứng chịu nhiều chỉ trích tại Đối thoại Shangri-La tại Singapore tháng 6 vừa qua. Trong chuyến thăm Trung Quốc cùng thời gian này, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã tái khẳng định quan ngại sâu sắc về việc xây dựng và quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông, cho rằng hành động này “làm gia tăng căng thẳng, phức tạp và leo thang tranh chấp, gây nguy hiểm cho dòng chảy tự do thương mại và làm suy yếu sự ổn định của khu vực”. Quốc hội Mỹ cũng đã thông qua Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) cho năm tài khóa 2019, trong đó yêu cầu Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao phải thường xuyên báo cáo “về các hoạt động quân sự và đe dọa của Trung Quốc trên Biển Đông”. Còn Nhà Trắng nhiều lần hối thúc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mở rộng cam kết phi quân sự hóa ra phạm vi toàn bộ Biển Đông. Phát biểu trong một cuộc hội thảo tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington, phía Mỹ cho rằng Chủ tịch Tập Cận Bình phải mở rộng cam kết phi quân sự hóa đối với toàn bộ Biển Đông và không có những bước đi làm leo thang căng thẳng. Ngoại trưởng Mike Pompeo (14/6/2018) tái khẳng định quan ngại sâu sắc về việc xây dựng và quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông, vì những hành động đó làm gia tăng căng thẳng, phức tạp và leo thang tranh chấp, gây nguy hiểm cho dòng chảy tự do thương mại và làm suy yếu sự ổn định của khu vực.

          Giới nghiên cứu cho rằng Bắc Kinh muốn tạo ra “tính chính danh” cho các hoạt động quân sự của mình với cả cộng đồng quốc tế và dân chúng trong nước. “Điều này nguy hiểm về mặt lâu dài cho bất kỳ nỗ lực hợp tác giải quyết vấn đề chủ quyền ở Biển Đông một cách hòa bình. Ngoài ra, chúng ta cũng không biết Trung Quốc sẽ “tiến xa” và “tiến nhanh” tới đâu ở Biển Đông”, ông Trung nhận định. Trong khi đó, chuyên gia Hoàng Việt cho rằng việc quân sự hóa ngang ngược của Trung Quốc ở Biển Đông tạo ra hành vi đe dọa sử dụng vũ lực trong luật pháp quốc tế. Từ năm 2016 đến nay, Trung Quốc nhiều lần ngang nhiên điều hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 và chiến đấu cơ J-11 đến đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, theo Đài Fox News. Tháng 5/2018, Bắc Kinh lần đầu điều máy bay ném bom chiến lược H-6K diễn tập cất/hạ cánh trên đảo Phú Lâm. Trung Quốc còn xây 3 đường băng phi pháp ở Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi. Đây là 3 trong số 7 thực thể nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp, bồi đắp thành đảo nhân tạo. Ngày 3/5/2018, CNBC dẫn một số nguồn tin tiết lộ Trung Quốc đã âm thầm đưa tên lửa HQ-9 và tên lửa hành trình chống hạm YJ-12B đến 3 đá này. Hơn một tuần sau đó, Chương trình sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) đăng bài phân tích cho thấy Trung Quốc đã điều máy bay vận tải quân sự tới Chữ Thập, Vành Khăn và Xu Bi. AMTI nhận định hầu hết những hoạt động quân sự hóa gần đây của Trung Quốc ở Trường Sa theo mô hình đã thực hiện tại đảo Phú Lâm. Từ đó, AMTI dự đoán Bắc Kinh sẽ sớm đưa chiến đấu cơ tới Trường Sa.

          Gần đây, giới quan sát quốc tế cũng vạch rõ mưu đồ của Trung Quốc khi triển khai phi pháp tàu cứu hộ đến đồn trú thường trực tại quần đảo Trường Sa. Hành động quân sự hóa ở cả 2 đầu trong khu vực Biển Đông cho thấy chiến lược “quyết liệt từng bước” kéo dài trong nhiều thập kỷ đã trở thành một cuộc tấn công toàn diện. Trung Quốc đang biến Biển Đông thành một khu vực chống tiếp cận – chống xâm nhập. Trung Quốc muốn đẩy những đối thủ về mặt quân sự ra khỏi khu vực (đặc biệt là Hải quân Mỹ) hoặc ngăn cản các nước khác hoạt động tự do trong khu vực. Việc Trung Quốc quân sự hóa trái phép Biển Đông gây ra rất nhiều hệ lụy. Bắc Kinh có thể ngăn cản tự do hàng hải, cho phép Trung Quốc lấn át các nền kinh tế trong khu vực. Đặc biệt, Trung Quốc có thể gây khó khăn hơn cho những nước không phải là hải quân Trung Quốc khi đi lại giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, đồng thời có thể gây bất lợi cho chủ quyền của rất nhiều nước trong khu vực.

RELATED ARTICLES

Tin mới