Thursday, April 18, 2024
Trang chủGóc nhìn mới9 hạn chế khi thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến...

9 hạn chế khi thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020

Cơ chế chính sách thiếu đồng bộ, việc khai thác, quản lý kinh tế biển còn bất cập, do đó, Chiến lược biển Việt Nam vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 09 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, công tác quản lý và khai thác tài nguyên, môi trường biển đã đạt được những kết quả nhất định, song việc thực hiện Chiến lược biển này còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém. PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, Thành viên Ban chỉ đạo Diễn đàn Đại dương toàn cầu (GOF), nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam chỉ ra 9 hạn chế cơ bản.

Cơ chế chính sách thiếu đồng bộ

Thứ nhất, nhận thức về vai trò, vị trí của biển và kinh tế biển của các cấp, các ngành, các địa phương ven biển và người dân còn chưa đầy đủ; vẫn còn có những quan niệm khác nhau về kinh tế biển; chưa coi trọng tính liên kết giữa các mảng không gian kinh tế biển và các vùng kinh tế biển-ven biển-đảo.

Thứ hai, quy mô kinh tế biển còn nhỏ bé, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; cơ cấu ngành nghề chưa hợp lý; chưa chuẩn bị điều kiện để vươn ra vùng biển quốc tế (đại dương), trong khi Đảng ta đã thừa nhận luận điểm của thời đại – “Thế kỷ XXI là thế kỷ của đại dương” trong Chiến lược biển 2020.

Theo các tính toán, quy mô kinh tế (GDP) biển và vùng ven biển (huyện, thị ven biển) Việt Nam năm 2005 bình quân đạt khoảng 48% GDP cả nước, trong đó GDP của kinh tế “thuần biển” đạt khoảng 22% tổng GDP cả nước. Trong các năm 2010-2017, GDP của kinh tế biển và ven biển có chiều hướng giảm (năm 2010 khoảng 40,73%, năm 2015 – 32,55% và 2017 – khoảng 30,19%); GDP của kinh tế thuần biển cũng giảm dần xuống 17% (2013), 13% (2017) và khả năng năm 2018 còn tiếp tục xuống thấp.

Công tác quy hoạch không gian biển, cơ sở hạ tầng các vùng biển, ven biển và đảo còn yếu kém, lạc hậu, manh mún, thiết bị chưa đồng bộ nên hiệu quả sử dụng thấp, chưa góp phần tạo ra liên kết vùng trong phát triển: giữa các cảng biển, thiếu hệ thống đường bộ cao tốc chạy dọc ven biển để nối liền các thành phố, khu kinh tế, khu công nghiệp và sân bay ven biển nhỏ bé thành một hệ thống kinh tế biển liên hoàn.

Hội chứng phát triển “tràn lan” các khu kinh tế ven biển đang hiện hữu ở nước ta, khiến cho đầu tư dàn trải, khó có thể tạo ra ‘đột phá’ trong phát triển. Trong mô hình phát triển các khu kinh tế ven biển nói riêng và kinh tế biển nói chung thiếu “đầu tàu”, chưa thực sự áp dụng quy luật lan tỏa trong phát triển; thể chế chưa rõ ràng, chưa tôn trọng ‘tính phổ quát’ của luật các khu kinh tế “mở”.

Chỉ tiêu về GDP của kinh tế biển – ven biển và GDP kinh tế ‘thuần biển’ không đạt mục tiêu của chiến lược đặt ra, chủ yếu liên quan tới diễn biến phức tạp trên Biển Đông đã cản trở đáng kể các hoạt động sản xuất trên biển. Bên cạnh đó, việc huy động nguồn lực đầu tư cho kinh tế biển chưa đúng tầm đối với yêu cầu của nhiệm vụ; thiếu các thực hành tốt để nhân rộng trong các lĩnh vực kinh tế biển then chốt.

Kinh tế biển 10 năm qua vẫn dựa chủ yếu vào “kinh tế khai thác”, phụ thuộc vào nguồn tài nguyên biển đang giảm sút nhanh chóng; chưa làm rõ quan niệm về kinh tế biển và kinh tế dựa vào biển nên còn lúng túng trong việc xác định các không gian kinh tế biển, tính liên kết của các ‘mảng’ không gian kinh tế biển – ven biển – đảo, cũng như việc theo dõi, thống kê và kiểm soát phát triển kinh tế biển.

Thứ ba, hệ thống các cơ sở nghiên cứu khoa học – công nghệ biển, đào tạo nguồn nhân lực cho kinh tế biển; các cơ sở quan trắc, dự báo, cảnh báo biển, thiên tai biển, các trung tâm tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn… ở ven biển còn nhỏ bé, trang bị thô sơ, năng lực yếu kém; phân tán, nhiệm vụ chồng chéo và chỉ tập trung ở các thành phố lớn, chưa thực hiện đúng yêu cầu của chiến lược là cần thành lập ở các tỉnh/thành phố ven biển.

Các hoạt động nghiên cứu biển chất lượng còn yếu, tập trung chủ yếu ở vùng ven biển và biển ven bờ, đặc biệt chưa chú ý nghiên cứu và chuyển giao công nghệ biển tiên tiến, hiện đại trong bối cảnh của Cách mạng công nghiệp 4.0. Nguồn nhân lực biển chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội vùng biển và ven biển, đặc biệt chưa chuẩn bị nguồn lực và trình độ công nghệ để sớm vươn ra đại đương – nơi quốc gia có biển và không có biển đều có quyền ra khai thác.

Khai thác, quản lý kinh tế biển chưa hiệu quả

Thứ tư, tình hình khai thác, sử dụng biển và đảo chưa hiệu quả, thiếu bền vững do khai thác tự phát, thiếu/không tuân thủ quy hoạch biển, đảo, làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn lợi ích và xung đột không gian trong sử dụng đa ngành ở vùng ven biển, biển, đảo, gây lãng phí lớn tài nguyên biển.

9 han che khi thuc hien chien luoc bien viet nam den nam 2020 hinh 2
Phương thức khai thác biển chủ yếu vẫn dưới hình thức sản xuất và đầu tư nhỏ, sử dụng công nghệ lạc hậu.

Phương thức khai thác biển chủ yếu vẫn dưới hình thức sản xuất và đầu tư nhỏ, sử dụng công nghệ lạc hậu. Còn nghiêng về ưu tiên khai thác tài nguyên biển ở dạng vật chất, không tái tạo, các giá trị chức năng, phi vật chất và có khả năng tái tạo của các hệ thống tài nguyên biển còn ít được chú trọng, như: giá trị vị thế của các mảng không gian biển, ven biển và đảo; giá trị dịch vụ của các hệ sinh thái; thậm chí các giá trị văn hóa biển.

Cách tiếp cận ‘nóng’ trong khai thác tài nguyên biển đang là hiện tượng phổ biến ở các lĩnh vực kinh tế biển: chú trọng nhiều đến tổng sản lượng, số lượng, ít chú ý đến chất lượng và lợi ích lâu dài của các dạng tài nguyên.

Thứ năm, môi trường biển tiếp tục biến đổi theo chiều hướng xấu và tiếp tục bị ‘đầu độc’ liên quan tới các hoạt động phát triển kinh tế – xã hội. Ngày càng có nhiều chất thải không qua xử lý từ các lưu vực sông và vùng ven biển đổ ra biển. Việt Nam đứng thứ 4 trên thế giới về ô nhiễm rác thải biển, đặc biệt là rác thải nhựa.

Một số khu biển ven bờ và cửa sông bị ô nhiễm dầu, chất hữu cơ liên quan tới chất thải sinh hoạt và du lịch dẫn đến hiện tượng thuỷ triều đỏ xuất hiện ngày càng nhiều với quy mô rộng; ô nhiễm xyanua liên quan đến tình trạng đánh bắt hải sản; hàm lượng kẽm ở các khu vực đóng và sửa chữa tàu biển thường cao hơn liên quan tới “nhân độc tố kẽm” trong thành phần của sơn chống hà bám tàu thuyền. Đây là sức ép lớn lên môi trường và tài nguyên biển nước ta.

Thứ sáu, đa dạng sinh học biển  – đầu vào của các hoạt động kinh tế dựa vào bảo tồn, như kinh tế thủy sản, du lịch biển và nguồn lợi thuỷ hải sản đang giảm sút nghiêm trọng, thiếu bền vững. Rừng ngập mặn mất khoảng 15.000 ha/năm, khoảng 80% rạn san hô trong vùng biển Việt Nam nằm trong tình trạng rủi ro, trong đó 50% ở mức cao, tình trạng trên cũng diễn ra tương tự với thảm cỏ biển và các hệ sinh thái biển – ven biển khác.

Trong vùng biển nước ta đã có khoảng 100 loài hải sản có mức độ nguy cấp khác nhau và trên 100 loài đã được đưa vào Sách Đỏ Việt Nam. Nguồn lợi hải sản có xu hướng giảm dần về trữ lượng, sản lượng và kích thước cá đánh bắt (trữ lượng hải sản giảm 16%, trong khi trữ lượng hải sản ở vùng biển xa bờ chưa được đánh giá đầy đủ). Nguồn lợi hải sản ở vùng biển gần bờ có dấu hiệu bị khai thác quá mức do tăng nhanh số lượng tàu thuyền đánh cá nhỏ, hiệu suất khai thác hải sản giảm từ 0,92 (1990) xuống 0,32 tấn/CV/năm (2015).

Khai thác hải sản bất hợp pháp, không có báo cáo và không theo quy định (IUU) có những tác động xấu ở cả trong lẫn ngoài vùng biển thuộc quyền tài phán quốc gia và nếu không được khắc phục sẽ gây ra hiệu ứng domino, không chỉ ảnh hưởng đến sinh kế của ngư dân, kinh tế ngành thủy sản mà còn ảnh ảnh hưởng đến khả năng ‘hiện diện dân sự’ trên biển. 

Thứ bảy, đến nay biển, đảo và vùng ven biển nước ta vẫn chủ yếu được quản lý theo cách tiếp cận mở kiểu “điền tư, ngư chung” và chủ yếu quản lý theo ngành. Thiếu các luật cơ bản về biển để thực thi hiệu quả công tác quản lý nhà nước tổng hợp và thống nhất về biển, đảo. Điều này dẫn đến sự chồng chéo về quản lý giữa khoảng 15 bộ ngành về biển; chính sách và pháp luật về quản lý biển thiếu đồng bộ; trong các luật hiện có không ít điểm chồng chéo, hiệu lực thi hành thấp.

Sự tham gia của cộng đồng địa phương và các doanh nghiệp vào tiến trình quản lý còn rất thụ động, chưa làm rõ vấn đề sở hữu/sử dụng đất ven biển và mặt nước biển cho người dân địa phương ven biển. Công tác kiểm tra, kiểm soát, cấp và thu hồi giấy phép sử dụng, khai thác tài nguyên biển…chậm được triển khai để thực hiện chủ trương ‘kinh tế hóa’ trong lĩnh vực quản lý biển và tài nguyên biển.

Thứ tám, công tác quốc phòng, an ninh trên biển còn có mặt hạn chế. Khả năng phối hợp giữa các lực lượng để tạo sức mạnh tổng hợp, tạo thế trận liên hoàn trên biển để bảo vệ các quyền và lợi ích quốc gia trên Biển Đông; để quản lý, bảo vệ tài nguyên và môi trường biển cần tiếp tục tăng cường một cách hiệu quả.

Thứ chín, đời sống của người dân ven biển và trên đảo, người lao động trên biển còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo tăng (năm 2014 có 320 xã bãi ngang nghèo trong khi năm 2004 chỉ có 157 xã bãi ngang nghèo), không đáp ứng chỉ tiêu của Chiến lược biển 2020. Thu nhập bình quân đầu người của 28 tỉnh, thành phố trung ương ven biển tăng gấp 4,84 lần trong các năm 2007-2016, cao hơn mức tăng trung bình chung của cả nước. Tuy nhiên, số thu nhập tuyệt đối bình quân của người dân vẫn thấp hơn trung bình cả nước.

Nguyên nhân chính của những hạn chế trên là do 10 năm qua, ngân sách nhà nước đầu tư cho vùng ven biển và đảo tăng nhưng lại chủ yếu cho các công trình hạ tầng, cho phúc lợi xã hội hạn chế; khả năng đầu tư của ngoài nhà nước rất hạn chế. Bên cạnh đó, xuất phát điểm sinh kế và thu nhập của người dân ven biển, đảo rất thấp so với mức trung bình cả nước vào thời điểm trước khi ban hành chiến lược (2006), do đó, cần thời gian để thay đổi

RELATED ARTICLES

Tin mới