Saturday, October 12, 2024
Trang chủGóc nhìn mớiTQ lợi bao nhiêu khi bơm tiền cho nền kinh tế?

TQ lợi bao nhiêu khi bơm tiền cho nền kinh tế?

Trung Quốc là nền kinh tế đặc biệt nên về trung hạn, không chịu tác động nghiêm trọng của chiến tranh thương mại.  

Ngày 7/10, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tuyên bố cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc khoảng một điểm phần trăm từ ngày 15/10, giải phóng khoảng 110 tỷ USD tại các ngân hàng cho vay.

Trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Nguyễn Huy Quý, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc cho biết, việc giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, bơm thêm tiền vào nền kinh tế là biện pháp đã được Trung Quốc thực hiện nhiều năm nay. Riêng trong năm 2018, đây là lần thứ 4 Bắc Kinh nới van tín dụng.

“Đây là một hình thức nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Trung Quốc về vốn, hạ thấp các chi phí tài chính, từ đó nâng cao khả năng tự túc của nền kinh tế về hàng tiêu dùng, giảm bớt hàng nhập khẩu từ Mỹ vào Trung Quốc”, PGS.TS Nguyễn Huy Quý đánh giá.

Ông lưu ý, trong cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ, Trung Quốc áp dụng rất nhiều biện pháp nhằm điều chỉnh cơ cấu sản xuất và xuất khẩu, đối phó với các đòn thương mại của Mỹ.

Vì thế, các đòn thương mại, trong đó có đòn thuế quan mà Mỹ liên tục áp vào hàng xuất khẩu của Trung Quốc chắc chắn có tác động đến nền kinh tế Trung Quốc nhưng tác động đến đâu thì cần phải xem xét, đánh giá kỹ càng.

Trước mắt, đồng USD vẫn lên giá, còn đồng nhân dân tệ mất giá song tác động của chiến tranh thương mại với thị trường Trung Quốc, theo ông Quý, là không lớn vì Trung Quốc là một thị trường đặc biệt.

“Về mặt trung hạn, tác động của chiến tranh thương mại với Trung Quốc không phải là nghiêm trọng. Trung Quốc không tư duy máy móc như của các nước phương Tây, nhất là trong điều kiện hiện nay Trung Quốc ngày càng phát triển các ngành sản xuất những sản phẩm phải nhập khẩu trực  tiếp. Trung Quốc đã đưa ra chiến lược Made in China 2025 với mục tiêu tăng tỷ trọng sản phẩm nội địa của một số ngành công nghiệp trọng điểm lên 40% năm 2020 và 70% năm 2025.

Trung Quốc có rất nhiều thứ đặc biệt. Trong cuộc chiến thương mại này, rất nhiều ý kiến cho rằng kinh tế Mỹ bị thiệt hại nhiều hơn, còn kinh tế Trung Quốc dù ở thế yếu nhưng lại co giãn hơn kinh tế Mỹ.

Trung Quốc có thể tự sản xuất các sản phẩm thuộc ngành kinh tế công nghệ cao vốn phải nhập khẩu từ Mỹ, nhưng Mỹ rất khó thay đổi những sản phẩm trước nay vẫn phụ thuộc vào Trung Quốc. Hơn nữa, chính sách của chính quyền Tổng thống Donald Trump áp dụng với Trung Quốc cũng được vận dụng với các nền kinh tế khác và đương nhiên sẽ bị phản ứng lại. Do đó, Mỹ sẽ thiệt hại nhiều hơn.

Trong giao lưu thương mại, Trung Quốc cần Mỹ hơn Mỹ cần Trung Quốc và xuất khẩu đóng vai trò quan trọng đối với Trung Quốc hơn đối với Mỹ. Nhưng Trung Quốc, ngoài quan hệ với Mỹ, có thể co giãn thị trường xuất khẩu, tăng cường các đối tác thương mại khác và việc điều chỉnh thị trường nội địa Trung Quốc cũng rộng mở hơn Mỹ”, PGS.TS Nguyễn Huy Quý phân tích.

Vị chuyên gia chỉ ra rằng, biện pháp thuế quan mà Mỹ áp dụng với Trung Quốc không hiệu quả như Washington mong đợi. Bằng chứng là trong điều kiện chiến tranh thương mại căng thẳng, thâm hụt của Mỹ trong thương mại hàng hóa với Trung Quốc vẫn tăng.

Theo Cục thống kê dân số Mỹ, tính từ đầu năm, thâm hụt thương mại của Mỹ tăng lên thành 338 tỷ USD trong khi con số của 7 tháng đầu năm 2017 chỉ là 316 tỷ USD.

Trung Quốc và EU là 2 trong số những nền kinh tế mà chính quyền Trump đặc biệt nhắm đến trong cuộc chiến thương mại. Tuy nhiên, mức thâm hụt trong tháng 7 của Mỹ với Trung Quốc và EU đều chạm mốc kỷ lục.

Mỹ bị thâm hụt 36,8 tỷ USD trong cán cân với Trung Quốc và lượng hàng hóa Washington nhập từ Bắc Kinh tăng 5,6%, trong khi xuất khẩu giảm 7,7%. Tương tự, Mỹ thâm hụt 17,59 tỷ USD trong cán cân thương mại với EU, khi nhập khẩu tăng 2,5% còn xuất khẩu giảm 15,7%.

“Có nhiều lý do khiến mức thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc tăng. Cần lưu ý rằng, thâm hụt thương mại không chỉ bị tác động bởi thuế nhập khẩu mà còn chịu tác động rất lớn của nguồn nhập khẩu”, ông nói.

Cũng theo vị chuyên gia, Tổng thống Trump đe dọa đánh thuế thêm 267 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, đồng nghĩa với việc toàn bộ hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ sẽ bị tăng giá nhưng đó mới chỉ là tuyên bố.

Từ nay đến tháng 11 tới, khả năng Mỹ sẽ không tiếp tục ra đòn thuế quan vì khi thị trường Mỹ chịu tác động tiêu cực từ chiến tranh thương mại, uy tín của ông Trump cũng sẽ suy giảm, từ đó ảnh hưởng đến cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11.

“Vì thế, đồng USD có tăng giá và đồng nhân dân tệ có mất giá thì cũng chỉ ở mức độ nhất định bởi đó là con dao hai lưỡi. Cả Mỹ và Trung Quốc đều sẽ thận trọng trong chính sách tỷ giá.

Nên nhớ rằng, trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, tính toán của Tổng thống Trump không hoàn toàn xuất phát từ vấn đề thiệt-hơn trong quan hệ thương mại mà còn nhằm nhiều mục đích địa chính trị, an ninh… khác”, PGS.TS Nguyễn Huy Quý lưu ý.

RELATED ARTICLES

Tin mới