Thursday, April 25, 2024
Trang chủĐàm luậnTokyo không ảo tưởng về sự “thật lòng” của TQ

Tokyo không ảo tưởng về sự “thật lòng” của TQ

Ngày 26/10/2018 vừa qua là ngày thứ hai trong chuyến công du Trung Quốc, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã được đón tiếp rất trọng thể. Thủ tướng Abe và đồng nhiệm Lý Khắc Cường đã duyệt đội danh dự tại quảng trường Thiên An Môn, trước khi có cuộc hội đàm tại Đại Lễ đường Nhân dân.

Chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Thủ tướng Abe từ ngày 25 đến 27/10/2018 được dư luận đặc biệt quan tâm. Còn nhớ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Shinzo Abe, trong lần đầu tiên gặp nhau với tư cách là hai nhà lãnh đạo của Trung Quốc và Nhật Bản vào năm 2014, đã bắt tay nhau, nhưng ánh mắt cả hai nhìn xuống với vẻ mặt tối sầm. Cả hai ông đều quyết tránh bất cứ dấu hiệu nào cho thấy rằng họ hứng thú đối với cuộc gặp diễn ra ở Bắc Kinh ngày ấy.

Tuy nhiên sau bốn năm, ông Abe đã nhận được sự đón tiếp nồng hậu hơn nhiều khi tới Bắc Kinh lần này. Phải chăng có được sự thay đổi phần lớn là nhờ vào Tổng thống Mỹ Donald Trump? Chính sách đối ngoại phi truyền thống của chính quyền Trump về thương mại và liên minh quân sự đã khiến Tokyo cảm thấy bấp bênh về sự ủng hộ của Mỹ vốn đã là nền tảng trong quan hệ quốc tế của Nhật kể từ khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã liên tục kêu gọi các đồng minh Đông Á tăng chi trả cho quốc phòng của họ, úp mở về việc chấm dứt sự hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực trong khi thúc đẩy Nhật mua thêm nhiều vũ khí Mỹ. Còn đối với Trung Quốc, Bắc Kinh đang hứng chịu sức ép ngày càng tăng của chính quyền Trump và đang rất cần đồng minh kinh tế và ngoại giao trong khu vực.

Hàng hóa Trung Quốc trị giá hàng tỷ USD đã bị chính quyền Trump áp thuế trong khi giới chức Mỹ cáo buộc Trung Quốc ăn cắp sở hữu trí tuệ của Mỹ. Những tháng gần đây, tranh chấp Mỹ-Trung đã lan từ phạm vị kinh tế đi vào lĩnh vực quân sự và chính trị, với những tuyên bố không có chứng cớ của ông Trump rằng Bắc Kinh can thiệp vào bầu cử Mỹ. Còn về phía Nhật, bất chấp nhiều cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước và nỗ lực có phối hợp nhằm ve vãn ông Trump, chính phủ Nhật hầu như vẫn trắng tay.

Tuy là đồng minh thân cận, nhưng Nhật không hề được ông Trump miễn thuế nhôm và thép xuất khẩu sang Mỹ trong khi ông Trump cũng có những lời lẽ gay gắt về giao thương với Nhật. Hồi tháng 4/2018, ông Trump đã viết trên Twitter rằng “Nhật đã khiến chúng ta tổn thất về thương mại rất nhiều trong nhiều năm”. Nhật có thặng dư thương mại vào khoảng 70 tỷ đô la với Mỹ. Tuy nhiên, bất chấp sự thù địch của Mỹ đã kéo Bắc Kinh và Tokyo lại gần nhau hơn, lịch sử lâu đời và đầy xích mích giữa Trung Quốc và Nhật Bản đã khiến cho sự xích lại gần nhau giữa hai nước này không phải dễ dàng.

Từ lâu Nhật Bản muốn hợp tác với Trung Quốc tại các quốc gia thứ ba là bởi dự án “Con Đường Tơ Lụa” của Trung Quốc dường như đang gặp nhiều vấn đề và Tokyo muốn giảm bớt những khó khăn đó, đồng thời tận dụng thời cơ để đẩy mạnh hợp tác kinh tế, chẳng hạn như là với Thái Lan, hay sử dụng tuyến đường xe lửa nối liền Trung Quốc sang đến tận châu Âu. Khu vực kinh tế tư nhân Nhật Bản mong muốn quan hệ kinh tế với Trung Quốc được tốt đẹp hơn, với ít rủi ro về mặt chính trị. Nhật Bản và Trung Quốc cùng nghĩ rằng cải thiện bang giao sẽ có lợi cho Đông Bắc Á. Tokyo ý thức được rằng phải chú ý đến tranh chấp lãnh hải, nhưng đồng thời Nhật Bản cũng cố gắng tìm ra được những sân chơi để có thể hợp tác với Trung Quốc và chứng minh với thế giới về sự hợp tác đó.

Là Thủ tướng Nhật đầu tiên công du Trung Quốc từ bảy năm nay, ôngAbe đánh giá chuyến thăm Trung Quốc hiện nay là “một bước ngoặt lịch sử” trong quan hệ Nhật-Trung. Ông Abe cũng hy vọng hợp tác song phương sẽ được tăng cường trong nhiều lĩnh vực, chẳng hạn hạ tầng cơ sở, chăm sóc sức khỏe, tài chính… Trong bối cảnh căng thẳng thương mại với Mỹ gia tăng, nhân chuyến công du của thủ tướng Abe, Nhật Bản và Trung Quốc đã ký hàng loạt thỏa thuận kinh tế, trong đó có một thỏa thuận trao đổi ngoại tệ có tổng giá trị tương đương 30 tỉ đô la.

Mặc dù vì lợi ích kinh tế, Nhật Bản và Trung Quốc sưởi ấm quan hệ, nhưng những xung khắc về chiến lược và phản ứng của Hoa Kỳ vẫn thách thức quan hệ Tokyo-Bắc Kinh. Tại thượng đỉnh lần này, Shinzo Abe đối thoại với Tập Cận Bình, nhưng vẫn để mắt đến phản ứng của Donald Trump từ Washington. Chính sách ngoại giao khác thường của Nhà Trắng và chủ trương bảo hộ mậu dịch của Tổng thống Trump đang góp phần giúp cải thiện quan hệ Nhật-Trung. Là một đồng minh truyền thống của Hoa Kỳ, Thủ tướng Shinzo Abe công du Trung Quốc vào lúc hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới đang lao vào một cuộc chiến thương mại và Washington cùng lúc tấn công Bắc Kinh trên nhiều mặt trận. Giới quan sát cho rằng, Thủ tướng Nhật muốn tìm một thế cân bằng giữa Donald Trump với Tập Cận Bình.

Thăm Trung Quốc lần này, Thủ tướng Nhật Bản không che giấu tham vọng lật sang trang mới sau bảy năm quan hệ nguội lạnh với Bắc Kinh, vì tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trong vùng biển Hoa Đông. Khoảng 500 doanh nhân Nhật Bản tháp tùng ông Abe tới Bắc Kinh lần này. Có nhiều tín hiệu cho thấy đối thoại song phương giữa hai ông Shinzo Abe và Tập Cận Bình sẽ suôn sẻ, ít ra là trong vế kinh tế, thương mại. Đơn giản là vì, thứ nhất, Nhật Bản không thể lơ là với Trung Quốc, thị trường gần 1 tỷ rưỡi người tiêu dùng và cũng là đối tác thương mại và kinh tế hàng đầu của nhiều tập đoàn xứ hoa anh đào. Thứ hai, Tokyo vẫn còn choáng váng vì bị Mỹ bỏ rơi khi quyết định rút khỏi Hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương TPP.

Nhật Bảnvà Trung Quốc nay là đối tác thương mại hàng đầu của nhau, với kim ngạch buôn bán song phương 297 tỉ đô la, vượt trao đổi thương mại Nhật-Mỹ 204 tỉ đô la. Tuy nhiên, Tokyo “không hề ảo tưởng về sự thật lòng của Trung Quốc”, theo nhà nghiên cứu Giulio Pugliese, King’s College, ở Luân Đôn. Trong một hội thảo mới đây, ông đã tóm tắt quan hệ Nhật-Trung trong một câu: “Đó là sự hòa hoãn mang tính chiến thuật”. Điều cơ bản là Nhật Bản đang hết sức lo ngại trước sức mạnh đang lên của Trung Quốc, muốn thay thế vị trí lãnh đạo của Hoa Kỳ tại khu vực. Chiến lược của Nhật là tìm cách đối trọng lại sự trỗi dậy ấy. Cụ thể là tham gia vào Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), một thỏa thuận tự do mậu dịch không có Trung Quốc. Hay liên minh với các quốc gia trong vùng cùng chia sẻ nỗi quan ngại này, như Ấn Độ, Úc và một số quốc gia Đông Nam Á khác. Tokyo cũng chủ trì dự án “Ấn Thái Dương tự do và mở”(FOIP) để đối lại “Sáng kiến Vành đai Con đường”(BRI) của Bắc Kinh.Vẫn theo nhà nghiên cứu Giulio Pugliese, hiện không có cấu trúc mang tính xây dựng nào cho phép Tokyo và Bắc Kinh thiết lập được quan hệ mang tính tin cậy. Giai đoạn hòa hoãn Nhật-Trung có thể nhanh chóng khép lại, nếu căng thẳng bùng lên tại Biển Đông hay về vấn đề Đài Loan.

RELATED ARTICLES

Tin mới