Saturday, April 20, 2024
Trang chủBiển nóngSự kiệnDiện mạo nhóm tác chiến tàu sân bay tương lai của TQ

Diện mạo nhóm tác chiến tàu sân bay tương lai của TQ

Hải quân Trung Quốc đang tìm cách hoàn thiện lực lượng tác chiến xa bờ gồm tàu sân bay và các biên đội tàu chiến hộ tống.

Trung Quốc đang theo đuổi kế hoạch đầy tham vọng nhằm xây dựng lực lượng “hải quân biển xanh” và cạnh tranh trực tiếp với hải quân Mỹ trên khắp thế giới. Để làm được điều này, Bắc Kinh đang phát triển mô hình nhóm tác chiến tàu sân bay, cho phép triển khai lực lượng tới các vùng biển xa lãnh thổ mà không cần sự hỗ trợ từ cảng biển đồng minh.

Lực lượng này sẽ lấy tàu sân bay làm trung tâm, cùng hàng loạt khu trục hạm và tàu hộ vệ tên lửa các loại trong biên chế hải quân Trung Quốc hiện nay, theo Business Insider.

Tàu sân bay đóng vai trò trung tâm

Trung Quốc đang sở hữu một tàu sân bay trong biên chế, thử nghiệm một chiếc khác và sẽ chế tạo thêm một hàng không mẫu hạm nữa trong tương lai gần, nhằm đóng vai trò là hạt nhân của các nhóm tác chiến xa bờ mà hải quân nước này đang xây dựng.

Tàu sân bay Liêu Ninh được Trung Quốc mua lại từ Ukraine, sau đó đại tu và đưa vào biên chế năm 2012. Bắc Kinh tuyên bố Liêu Ninh đạt khả năng sẵn sàng chiến đấu vào năm 2016, nhưng nó chủ yếu làm nhiệm vụ huấn luyện và tuần tra các vùng biển gần lãnh thổ Trung Quốc.

“Liêu Ninh khá thành công trong vai trò hiện tại. Trung Quốc mua lại và sao chép nó, giúp họ thiết kế chế tạo tàu sân bay nội địa đầu tiên. Bắc Kinh đang dùng nó để nghiên cứu hoạt động tác chiến hàng không mẫu hạm, cách tích hợp tàu sân bay vào hoạt động của hải quân và đánh giá những loại tàu cần đi kèm với nó để hoàn thành nhiệm vụ”, Matthew Funaiole, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Mỹ, nhận xét.

Sau vài năm vận hành tàu Liêu Ninh, Trung Quốc bắt đầu chế tạo và đang đưa vào thử nghiệm Type-001A, tàu sân bay nội địa đầu tiên của nước này, được ứng dụng nhiều cải tiến so với tàu Liêu Ninh. Tuy nhiên, Funaiole cho rằng tàu sân bay Type-002 đang trong quá trình chế tạo mới là “bước nhảy vọt khổng lồ” cho hải quân Trung Quốc.

Trung Quốc nhiều khả năng sẽ bắt đầu thành lập nhóm tác chiến tàu sân bay chuyên biệt khi Type-001A và Type-002 được đưa vào hoạt động. Bắc Kinh đã triển khai Liêu Ninh với nhiều loại tàu hộ tống trong những năm qua, nhưng đây chưa thể coi là một nhóm tác chiến tàu sân bay thực sự do những hạn chế của Liêu Ninh.

“Họ có thể cần ít nhất 5 năm nữa để biên chế nhóm tác chiến tàu sân bay thực sự. Điều này còn phụ thuộc vào kinh nghiệm vận hành thực tế tiêm kích trên hạm”, Tony Cordesman, học giả của CSIS, đánh giá.

Tàu Liêu Ninh cùng nhóm chiến hạm hộ tống gần eo biển Đài Loan năm 2017. Ảnh: Sina.

Tàu Liêu Ninh cùng nhóm chiến hạm hộ tống gần eo biển Đài Loan năm 2017. Ảnh: Sina.

Tàu sân bay Trung Quốc hiện nay vẫn thua xa các chiến hạm cùng loại của hải quân Mỹ, dù chúng có lợi thế ở những vùng biển gần nước này nhờ các tổ hợp tên lửa đạn đạo diệt hạm DF-21. Nhiệm vụ chính của hàng không mẫu hạm Trung Quốc nhiều khả năng sẽ là phô trương sức mạnh và duy trì sự hiện diện trên các vùng biển quốc tế.

“Nhóm tác chiến tàu sân bay của Bắc Kinh sẽ có nhiều chiến hạm phòng không, họ muốn bảo đảm khả năng đối phó với các mối đe dọa đường không và cho thấy đây là lực lượng đáng gờm. Nó có thể tương đồng với đội hình tàu chiến mà hải quân Mỹ đang triển khai hiện nay”, chuyên gia Bryan Clark thuộc Trung tâm Đánh giá Chiến lược và Ngân sách (CSBA) của Mỹ cho biết.

Nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ thường có một hàng không mẫu hạm lớp Nimitz hoặc Ford, cùng một tuần dương hạm lớp Ticonderoga và 4 tàu khu trục lớp Arleigh Burke. Hải quân Trung Quốc có thể triển khai nhiều chiến hạm hơn mức này, do giới hạn số bệ phóng thẳng đứng (VLS) trên mỗi tàu mặt nước.

Tàu hộ vệ tên lửa lớp Type-054A

Type-054A là một trong những lớp tàu mặt nước chủ lực của Trung Quốc với lượng giãn nước 4.000 tấn. Vũ khí chủ đạo của Type-054A là 32 bệ phóng VLS cho tên lửa phòng không tầm trung HQ-16 và 8 tên lửa chống hạm C-803. Phiên bản HQ-16 ban đầu có tầm bắn 40 km, nhưng tầm bắn của các biến thể mới nhất đã đạt đến mức 70 km.

Chiếc Type-054A đầu tiên được Bắc Kinh đưa vào biên chế năm 2005, tới nay đã có 23 tàu hoạt động trong biên chế hải quân Trung Quốc. Nước này đã liên tục cải tiến Type-054A, bổ sung thêm hệ thống sonar kéo hoạt động ở nhiều độ sâu khác nhau, cũng như tăng cường tổ hợp pháo phòng thủ tầm cực gần (CIWS).

Tàu khu trục lớp Type-052C/D

Type-052C/D được đặt biệt danh là tàu khu trục “Aegis Trung Quốc” do có nhiều điểm tương đồng với các khu trục hạm lớp Arleigh Burke trong biên chế hải quân Mỹ.

Tàu khu trục Type-052D của Trung Quốc. Ảnh: Bộ Quốc phòng Trung Quốc.

Tàu khu trục Type-052D của Trung Quốc. Ảnh: Bộ Quốc phòng Trung Quốc.

Mỗi chiếc được trang bị cụm 64 ống phóng VLS, có thể sử dụng tên lửa phòng không tầm xa HHQ-9 với tầm bắn tối đa 200 km. Đây sẽ là tàu phòng không chủ lực trong mọi đội hình tác chiến của hải quân Trung Quốc.

Hồi cuối tháng 9, một tàu khu trục Type-052C đã thách thức chiến hạm USS Decatur của Mỹ trên Biển Đông. Tàu Trung Quốc đã chạy cắt mặt ở khoảng cách 42 m, buộc tàu chiến Mỹ phải đổi hướng để tránh va chạm.

Tàu khu trục hạng nặng Type-055

Bắc Kinh gọi Type-055 là tàu khu trục, trong khi Washington coi đây là những tuần dương hạm do kích thước lớn và khả năng độc lập thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau. Type-055 dự kiến phục vụ mục đích tương tự lớp Ticonderoga của Mỹ.

Chiếc Type-055 đầu tiên bắt đầu thử nghiệm trên biển từ tháng 8/2018, được trang bị 112 bệ VLS dành cho tên lửa phòng không HHQ-9, tên lửa diệt hạm YJ-18 và tên lửa hành trình CJ-10. Nó sử dụng pháo chính H/PJ-38 cỡ nòng 130 mm, nhưng có khả năng được lắp pháo điện từ trong tương lai.

Tàu hộ vệ hạng nhẹ Type-056

Type-056 cũng sở hữu khả năng chống ngầm tương tự lớp Type-054A, giúp bảo đảm an toàn cho nhóm tàu sân bay Trung Quốc khỏi tàu ngầm tấn công của đối phương.

Một tàu hộ vệ hạng nhệ lớp Type-056. Ảnh: Sina.

Một tàu hộ vệ hạng nhệ lớp Type-056. Ảnh: Sina.

“Tôi nghĩ mỗi nhóm tác chiến tàu sân bay Trung Quốc sẽ được biên chế một chiếc Type-056. Chúng sẽ không đóng góp nhiều vào khả năng phòng không, mà tập trung vào đối phó với mối đe dọa từ dưới lòng biển”, Clark giải thích.

Tàu tiếp vận và hậu cần

Hải quân Trung Quốc không cần tàu tiếp vận khi hoạt động ở gần lãnh thổ. Họ có thể dựa vào lực lượng tàu vận tải dân sự, cũng như các cảng biển trên bờ để bảo đảm hậu cần. Tuy nhiên, khi hoạt động ở các vùng biển xa, nhóm tác chiến tàu sân bay nước này cần có các loại tàu tiếp vận lớn, có khả năng  chuyên chở nhiên liệu, đạn dược và nhu yếu phẩm cho cả đội tàu.

“Nhóm tác chiến tàu sân bay Trung Quốc sẽ cần ít nhất một tàu chở dầu. Nhiệm vụ của nó là cập các cảng ở Ấn Độ Dương để tiếp nhận nhiên liệu, sau đó chuyển tới các chiến hạm đang vận hành ngoài khơi. Mô hình này đang được Bắc Kinh áp dụng trong chiến dịch chống cướp biển ở vịnh Aden, khi hai tàu chiến luôn đi kèm với một tàu hậu cần”, Clark cho biết.

RELATED ARTICLES

Tin mới