Tuesday, April 16, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiMột số nhìn nhận về đề xuất thành lập khu bảo tồn...

Một số nhìn nhận về đề xuất thành lập khu bảo tồn sinh vật ở Biển Đông

Trong những năm gần đây, đã có nhiều chuyên gia, học giả cũng như các tổ chức nghiên cứu khoa học của khu vực và quốc tế đề xuất thành lập một khu vực bảo tồn sinh vật ở Biển Đông nhằm giảm căng thẳng trong khu vực và bảo tồn các loài sinh vật biển trước nạn đánh bắt tận diệt của ngư dân Trung Quốc.

Biển Đông là khu vực có nguồn sinh vật biển phong phú

Khu vực bảo tồn sinh vật biển

Định nghĩa phổ biến nhất về khu bảo tồn biển là của Hiệp hội Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên. Theo đó, một khu vực được bảo tồn nói chung là “một không gian địa lý được xác định rõ ràng, được công nhận, chuyên dụng và được quản lý, bằng các công cụ pháp lý hoặc các biện pháp có hiệu quả khác, nhằm bảo tồn thiên nhiên về lâu dài cùng với các dịch vụ sinh thái và các giá trị văn hóa”. Định nghĩa này cũng áp dụng đối với khu bảo tồn biển. Theo định nghĩa này, các khu vực quản lý nghề cá như khu cấm đánh bắt, khu bảo vệ nghề cá chỉ có thể đủ điều kiện trở thành khu bảo tồn biển nếu mục đích chính là bảo tồn đa dạng sinh học chứ không phải quản lý nghề cá. Quan điểm này bị chỉ trích vì đánh bắt cá bền vững cũng góp phần vào việc bảo vệ các nguồn tài nguyên biển, đặc biệt là các loài có tính thương mại. Bên cạnh đó, không có nhiều khác biệt giữa Khu bảo tồn biển cấm đánh cá và một khu hạn chế đánh bắt hoặc khu bảo tồn cá.

Một mạng lưới hoặc hệ thống khu bảo tồn biển được định nghĩa là “một tập hợp các khu bảo tồn biển riêng biệt vận hành theo cách hợp tác và phối hợp lẫn nhau, ở quy mô không gian khác nhau, với nhiều mức độ bảo vệ, để thực hiện các mục tiêu sinh thái một cách hiệu quả hơn và toàn diện hơn so với các khu bảo tồn đơn lẻ”. Không phải bất kỳ tập hợp các khu bảo tồn biển riêng biệt nào cũng có thể tạo thành một mạng lưới, mà chỉ khi được đặt trong môi trường sống quan trọng, có chứa các yếu tố của một môi trường sống cụ thể hoặc các phần khác nhau của các môi trường sống quan trọng, và được kết nối với nhau bởi sự di chuyển của loài vật.

Một khu bảo tồn xuyên biên giới là “một khu đất hoặc biển nằm trên một hoặc nhiều biên giới giữa các quốc gia, các tỉnh và khu vực thuộc quốc gia, khu vực tự trị hoặc các khu vực nằm ngoài giới hạn chủ quyền quốc gia hoặc quyền tài phán, có các bộ phận cấu thành đặc biệt dành riêng cho việc bảo vệ và duy trì đa dạng sinh học, các nguồn tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên văn hóa, được hợp tác quản lý thông qua các công cụ pháp lý hoặc các biện pháp có hiệu quả khác”. Khi một khu bảo tồn xuyên biên giới được sử dụng không chỉ cho mục đích bảo vệ môi trường mà còn để thúc đẩy hòa bình, nó được gọi là một công viên vì hòa bình hoặc công viên hòa bình.

Nhiệm vụ của các khu bảo tồn sinh vật biển

Khu bảo tồn biển, nói chung, có hai nhiệm vụ chính: (1) Bảo vệ hệ sinh thái biển bằng cách gìn giữ môi trường sống then chốt và chất lượng nguồn nước, bảo vệ cho quá trình hỗ trợ đời sống của biển và bảo vệ các khu vực biển khỏi tác động của con người. (2) Duy trì nghề cá và tái sinh các nguồn dự trữ đã bị tổn hại. Việc đánh bắt cá tại các khu vực bên ngoài các khu bảo tồn biển cũng có thể hưởng lợi do các loài từ khu bảo tồn biển di chuyển ra ngoài; tuy nhiên, giả thuyết này chưa được nghiên cứu kỹ. Bên cạnh đó, khu bảo tồn biển có thể có nhiều vai trò quan trọng khác, như đóng góp, tăng cường du lịch và vui chơi giải trí, là các khu vực tham quan cho giáo dục và nghiên cứu khoa học, bảo vệ các giá trị văn hóa, lịch sử, tinh thần và thẩm mỹ quan trọng. Công viên hòa bình biển có thể được phát triển như một cơ chế để giải quyết tranh chấp biên giới, bảo đảm hoặc duy trì hòa bình trong và sau xung đột vũ trang, thúc đẩy mối quan hệ ổn định và hợp tác giữa các nước láng giềng.

Mạng lưới các khu bảo tồn có thể mang lại nhiều lợi ích, đảm bảo cho việc bảo vệ tất cả các loại đa dạng sinh học, duy trì cơ cấu tự nhiên của các loài, bảo vệ loài quý hiếm và có nguy cơ tuyệt chủng trong một môi trường sống bị phân tán, và bảo vệ các quá trình sinh thái cần thiết cho hệ sinh thái hoạt động và các quá trình ở phạm vi rộng. Từ góc độ quản lý, mạng lưới giúp kết nối xã hội và kinh tế giữa các khu vực bảo tồn, kết nối các cơ quan ban ngành và các bên có lợi ích liên quan khác nhau, tạo điều kiện chia sẻ thông tin thuận lợi và sử dụng tài nguyên hiệu quả hơn. Mạng lưới cũng cho phép một sự linh hoạt hơn trong định vị và định dạng các khu bảo tồn để tối đa hóa tác động tích cực và tránh các tác động kinh tế xã hội tiêu cực. Ở cấp độ khu vực, mạng lưới giúp cho việc bảo vệ hệ sinh thái với các loài đôi khi không thể được bảo vệ một cách đầy đủ ở một nước, đồng thời thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia láng giềng trong việc giải quyết các vấn đề chung.

Việc thực hiện mạng lưới bảo tồn biển quan trọng hơn vì những đặc điểm riêng của hệ sinh thái biển. So với môi trường trên mặt đất, trong môi trường biển sinh vật dễ phân tán và di cư hơn ở các giai đoạn khác nhau trong vòng đời của chúng. Các thay đổi trong hệ sinh thái biển xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn hơn do lệ thuộc vào môi trường xung quanh và phản ứng với các lực tác động như thủy triều hoặc luồng hải lưu. Hệ sinh thái biển và các loài được kết nối chặt chẽ hơn bằng nhiều cách, như sóng, gió, dòng nước ngọt, hoặc các dòng thủy triều. Ranh giới trong môi trường biển là rất mơ hồ, kể cả về giới hạn bên ngoài của hệ sinh thái cũng như giới hạn có thể xác định được của các cộng đồng sinh thái và cơ cấu các loài. Hơn nữa, các loài sinh vật biển lưu động như cá, động vật biển có vú và rùa có thể di chuyển trong môi trường ba chiều và ở các khoảng cách lớn hơn nhiều so với các loài vật phổ biến trên mặt đất.

Khu bảo tồn sinh vật biển từ khía cạnh luật quốc tế

Trên quan điểm pháp lý, việc thành lập một mạng lưới các khu bảo tồn biển song phương hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế, yêu cầu các nước hợp tác để bảo vệ môi trường biển và các nguồn sinh vật sống xuyên biên giới, cụ thể: (1) UNCLOS yêu cầu các nước có chung biên giới biển, hoặc những nước chia sẻ các nguồn dự trữ hải sản hoặc quần thể các loài, hợp tác với nhau để bảo vệ môi trường biển và các quần thể. Điều 123 yêu cầu các có đường biên giới trong khu vực biển kín hoặc nửa kín phải nỗ lực phối hợp, dù trực tiếp hay thông qua các tổ chức khu vực thích hợp trong việc quản lý, khai thác và bảo tồn các nguồn tài nguyên sinh vật biển, bảo vệ và bảo tồn môi trường biển. Điều 63 yêu cầu các quốc gia ven biển có liên quan hợp tác với nhau trong việc bảo tồn và phát triển các đàn thủy hải sản xuất hiện trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của họ, cũng như khu vực bên ngoài và tiếp giáp với vùng đặc quyền kinh tế. Điều 66 liên quan đến việc khai thác, bảo tồn và quản lý các đàn cá biển ngược sông để sinh sản yêu cầu các nước có nguồn dự trữ hải sản và các nước khác khai thác đánh bắt chúng “cùng thu xếp” thực hiện. (2) Công ước về loài di cư và động vật hoang dã ký vào năm 1979, cũng yêu cầu các quốc gia có liên quan bảo vệ các loài di cư, môi trường sống và tuyến đường di cư của chúng. (3) Bộ luật ứng xử đánh bắt cá có trách nhiệm của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc, trong đó yêu cầu các quốc gia có liên quan hợp tác để bảo đảm trữ lượng nguồn cá xuyên quốc gia, xuyên biên giới, nguồn cá có độ di cư cao và nguồn cá tại vùng biển cả.

Việc thành lập mạng lưới các khu bảo tồn biển, đặc biệt là ở cấp khu vực, đã được đề cập trong một số văn kiện quốc tế và khu vực có liên quan đến việc bảo vệ môi trường biển, cụ thể: (1) Công ước về Đa dạng sinh học được ký tại Hội nghị Liên Hợp Quốc về môi trường và phát triển tại Rio De Jainero vào năm 1992 với mục đích đảm bảo đa dạng sinh học, sử dụng bền vững các yếu tố của đa dạng sinh học cũng như chia sẻ công bằng và hợp lý lợi ích từ việc sử dụng các nguồn tài nguyên mang tính di truyền. Điều 8 của Công ước yêu cầu các nước thực hiện một loạt nhiệm vụ để bảo đảm bảo tồn đúng nơi đúng chỗ. Các nhiệm vụ trong đó bao gồm thiết lập một hệ thống các khu bảo tồn, triển khai hướng dẫn lựa chọn, thành lập và quản lý các khu bảo tồn, điều chỉnh hoặc quản lý những tài nguyên sinh học quan trọng cần cho bảo tồn đa dạng sinh học bất kể trong hay ngoài khu vực bảo tồn, thúc đẩy sinh thái phát triển bền vững trong khu vực tiếp giáp với khu bảo tồn. (2) Nghị quyết về Đại dương và Luật Biển năm 2010, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khẳng định các nước cần tiếp tục và tăng cường các nỗ lực để phát triển và tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng các phương pháp và công cụ đa dạng để bảo tồn và quản lý các hệ sinh thái biển dễ bị tổn thương, bao gồm cả việc có thể thành lập khu bảo tồn biển và phát triển mạng lưới các khu bảo tồn biển tiêu biểu vào năm 2012.

Việc thành lập một mạng lưới khu bảo tồn biển song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc

Mạng lưới song phương các khu bảo tồn biển giữa Việt Nam và Trung Quốc có thể được triển khai ở một số khu vực, lĩnh vực sau: (1) Tất cả các khu vực có tuyên bố chồng lấn giữa hai nước, bao gồm khu vực quần đảo Hoàng Sa. (2) Các khu vực không có tuyên bố chồng chéo giữa hai nước, cụ thể là vùng nước ven biển Tây Nam Trung Quốc và Tây Bắc Việt Nam và một phần của Vịnh Bắc Bộ đã được phân định. (2) Các khu vực đang tranh chấp, cụ thể là các phần biển đang được đàm phán giữa Việt Nam và Trung Quốc có liên quan đến việc phân định cửa Vịnh Bắc Bộ.

Hai nước cần thành lập một cơ chế quản lý chung cho mạng lưới các khu bảo tồn biển song phương bao gồm số đại diện tương đương nhau từ các cơ quan có liên quan của cả hai nước. Chức năng chính của cơ chế gồm: xác định mục tiêu của mạng lưới, xác định các khu vực biển quan trọng trong khu vực cần được bảo tồn để đạt được những mục tiêu đã đề ra, kiến nghị lên cả hai chính phủ thông qua những các biện pháp bảo tồn; và giám sát những thành tựu của mạng lưới. Cơ chế được phép kiến nghị thực hiện các hoạt động hợp tác giữa hai nước để nâng cao hiệu quả của mạng lưới và giải quyết các tranh chấp liên quan. Một mô hình cho cơ chế chung thực hiện mạng lưới khu bảo tồn biển song phương giữa Việt Nam và Trung Quốc là Ủy ban nghề cá chung trước đây giữa Trung Quốc và Việt Nam trong Vịnh Bắc Bộ, được thành lập theo Hiệp định hợp tác nghề cá ở Vịnh Bắc Bộ do Trung Quốc và Việt Nam ký vào năm 2000.

Để một mạng lưới khu bảo tồn biển thành công, một trong những điều kiện cần thiết là nó phải được thiết lập dựa trên cơ sở dữ liệu và thông tin liên quan sẵn có tốt nhất về địa chất, địa chất hải dương, sinh thái, đa dạng sinh học, sinh học và tình hình kinh tế – xã hội của khu vực. Việc nghiên cứu quan trọng không chỉ ở giai đoạn đầu khi xác định các khu vực cần bảo tồn, mà còn ở giai đoạn sau khi giám sát hiệu quả của mạng lưới. Vì lý do này, hai nước cần phải tham gia tiến hành nghiên cứu khoa học biển chung trong khu vực đã nhất trí.

Việc Trung Quốc và Việt Nam hợp tác bảo tồn sinh vật biển phù hợp quy định của luật pháp quốc tế và thỏa thuận song phương

Về UNCLOS: Điều 123 của UNCLOS nói rằng, các quốc gia nằm trong vùng biển kín hoặc nửa kín cần nỗ lực phối hợp chính sách nghiên cứu khoa học và thực hiện chương trình nghiên cứu khoa học chung một cách thích hợp trong khu vực. Bên cạnh đó, Điều 241 nói rằng các hoạt động nghiên cứu khoa học biển không thể là cơ sở pháp lý cho bất kỳ yêu sách nào đối với môi trường biển hoặc các tài nguyên biển đi kèm.

Trên cơ sở song phương, “nhận thức chung của các lãnh đạo hai nước trong việc giải quyết một cách hòa bình các vấn đề trên biển thông qua đối thoại thân thiện và đàm phán”, được công bố trong tuyên bố chung trong các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao về việc hai bên nhất trí tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực nghiên cứu hải dương học và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, Việt Nam và Trung Quốc cũng nhất trí thực hiện các cuộc thăm dò ở cửa Vịnh Bắc Bộ trong khuôn khổ cuộc đàm phán của Trung Quốc và Việt Nam liên quan đến việc phân định và phát triển chung trong khu vực này. Những quy tắc này đã được tái khẳng định trong Thỏa thuận giữa Việt Nam và Trung Quốc về các nguyên tắc cơ bản giải quyết các vấn đề trên biển được ký nhân chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (12/10/2011).

Nhìn chungmột mạng lưới song phương các khu bảo tồn sinh vật biển giữa có thể mang lại nhiều lợi ích, không chỉ cho các nước nói riêng mà còn cho khu vực Biển Đông nói chung. Nó có thể là công cụ rất hiệu quả để bảo tồn các nguồn tài nguyên sinh vật biển ở Biển Đông, không chỉ là nguồn lợi thuỷ sản có giá trị thương mại, mà còn là môi trường sống quan trọng cho các loài có nguy cơ tuyệt chủng; đồng thời nó cũng là biện pháp góp phần giảm căng thẳng trong Biển Đông.

RELATED ARTICLES

Tin mới