Friday, April 19, 2024
Trang chủKinh tế - Văn hóa - Xã hộiLộ diện người thắng, kẻ bại trong cuộc chiến thương mại Mỹ...

Lộ diện người thắng, kẻ bại trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung thông qua một chỉ số

Chỉ số PMI tháng 10 của Đài Loan đang tiếp tục giảm mạnh trong khi đó, Việt Nam không có dấu hiệu giảm sút.

Chiến tranh thương mại Mỹ – Trung đã bắt đầu có những tác động tới các nhà sản xuất châu Á, với một vài nền kinh tế đang có dấu hiệu bị thu hẹp, thể hiện rõ qua Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (Purchasing Managers’ Index – PMI) vừa được Nikkei công bố.

Tuy nhiên, số liệu cũng chỉ ra, vẫn có những thị trường tăng trưởng tốt, bất chấp những tranh chấp đang diễn ra liên tục giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Khảo sát PMI của Nikkei đã đặt câu hỏi cho các công ty ở châu Á, ngoại trừ Trung Quốc, về những sự thay đổi về đầu ra, đơn đặt hàng và những điều kiện kinh doanh khác so với 1 tháng trước đó.

Chỉ số PMI ở mức dưới 50 điểm biểu thị một nền kinh tế đang bị co hẹp về quy mô. Ngược lại, nền kinh tế được coi là đang mở rộng khi đạt trên 50 điểm. Trong số 15 tiêu chí của PMI tháng 10, 6 chỉ số giảm kể từ tháng 9, trong khi 9 tiêu chí còn lại tăng.

Đài Loan đang hứng chịu một sự giảm sút nghiêm trọng vào tháng 10, khi PMI giảm xuống còn 48,7 điểm, so với 50,8 điểm vào tháng 9. Đây là sự thu hẹp đầu tiên của ngành kể từ tháng 5 năm 2016. Theo đó, cả thành phẩm đầu ra và lượng đơn đặt hàng tháng 10 đều giảm xuống do nhu cầu thấp tại các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản và Mỹ.

Hơn nữa, Chỉ số sản lượng tương lai tháng 10 giảm xuống còn 48 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 1 năm 2016, cho thấy ngày càng nhiều các nhà sản xuất đánh giá sản lượng thành phẩm sẽ bị sụt giảm trong 12 tháng tới.

Annabel Fiddes, một nhà kinh tế học tại IHS Markit, nơi thực hiện cuộc khảo sát nhận định: “Nhiều công ty sẽ dự đoán trước những tranh chấp thương mại liên tục diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc để cân nhắc, tính toán những bước đi tiếp theo cho mình”.

Bên cạnh căng thẳng thương mại leo thang, một điều đáng quan tâm nữa ở châu Á tháng vừa qua là lượng cầu về chất bán dẫn có dấu hiệu chững lại, khi các nhà sản xuất đòi hỏi một thỏa thuận về cung – cầu mềm mỏng hơn.

“Trong quý 4 tới, Samsung cho rằng thu nhập toàn công ty sẽ giảm xuống vì họ sắp bước vào thời kỳ chậm phát triển trong năm trên thị trường chất bán dẫn”- Samsung Electronics nhận định vào cuối tháng 10 trong báo cáo kết quả kinh doanh giai đoạn tháng 7 – 9. Chỉ riêng chất bán dẫn đã chiếm tới khoảng 70% lợi nhuận hoạt động của Samsung.

Chỉ số PMI tháng 10 của 7 quốc gia trong khối ASEAN cũng đánh dấu bước đầu của sự thu hẹp kể từ tháng 12 năm ngoái khi đạt 49,8 điểm. Đây cũng là mức điểm thấp nhất kể từ tháng 7 năm 2017.

Trong 7 quốc gia ASEAN tham gia khảo sát, mức thấp nhất thuộc về Singapore, một trung tâm chế tạo chất bán dẫn của châu Á. Chỉ số PMI nước này đạt 43,3 điểm vào tháng 10, giảm từ 48 điểm trong tháng trước đó. Xu hướng này đã ảnh hưởng đến toàn bộ số liệu đầu ra ngành chế tạo tháng 9 của Chính phủ Singapore, với riêng ngành sản xuất chất bán dẫn đã giảm tới 3,9%.

Hai quốc gia khác có chỉ số PMI sụt giảm là Thái Lan, từ 50 điểm xuống còn 48,9 điểm và Malaysia từ 51,5 xuống còn 49,2 điểm.

“Chỉ số PMI tháng 10 là một dấu hiệu dự báo sớm cho sự suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế sắp tới”- ông Priyanka Kishore, Trưởng bộ phận Kinh tế Ấn Độ và Đông Nam Á của Oxford Economics nhận định.

“Chúng ta đang nghĩ về một sự tổn thất lớn vào năm 2019 như một tác động tiêu cực do căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, tiếp nối những chính sách thắt chặt của FED”.

Tuy vậy, vẫn có những quốc gia Đông Nam Á đạt được những thành tích đáng ghi nhận.

Điển hình là Việt Nam, chỉ số PMI trong tháng 10 tăng từ 51,5 lên 53,9 điểm, với số lượng đơn hàng xuất khẩu mới tăng 3 tháng liên tiếp. Theo khảo sát, nhiều công ty đã chú trọng gia tăng đơn hàng từ những khách hàng hiện có.

Điều này hoàn toàn phù hợp với một cuộc khảo sát gần đây của Phòng Thương mại Mỹ đặt tại Quảng Châu (Trung Quốc). Theo đó, các công ty Mỹ hay Trung Quốc đang lo ngại chiến tranh thương mại diễn ra khiến họ mất đi thị phần, đặc biệt rơi vào tay các công ty Việt Nam.

Bên cạnh Việt Nam, PMI của Philipines cũng tăng, đạt 54 điểm vào tháng 10, vượt ngưỡng của tháng trước đạt 52 điểm.

Số liệu này đã phần nào phác họa những kẻ chiến thắng và thất bại ngầm từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ – Trung Quốc.

RELATED ARTICLES

Tin mới