Friday, April 19, 2024
Trang chủNhìn ra thế giớiHải đăng: Ý đồ hợp thức hóa chủ quyền phi pháp của...

Hải đăng: Ý đồ hợp thức hóa chủ quyền phi pháp của TQ ở Biển Đông

Chỉ trong vài năm trở lại đây, Trung Quốc đã cho xây dựng và vận hành phi pháp 5 ngọn hải đăng trên các thực thể do nước này chiếm đóng ở Biển Đông. Mặc dù tích cực tuyên truyền về mục đích hỗ trợ điều hướng, tìm kiếm cứu nạn hàng hải, an toàn hàng hải, phòng chống thiên tai, cứu trợ. Tuy nhiên, giới quan sát đều cho rằng đây thực chất là các hoạt động trái phép nhằm hợp thức hóa các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

Các ngọn hải đăng do Trung Quốc xây dựng, vận hành trái phép ở Trường Sa và Hoàng. Nguồn: Reuters/Xinhua

Liên tục xây dựng các ngọn hải đăng

Tính đến nay, Trung Quốc đã xây dựng và vận hành khoảng 5 ngọn hải đăng trên các thực thể do nước này chiếm đóng ở Biển Đông. Ngày 21/10/2015, “Chính quyền thành phố Tam Sa” của Trung Quốc ngang ngược tuyên bố việc xây dựng 2 ngọn hải đăng tại đá Hải Sâm và đảo Duy Mộng thuộc nhóm đảo Lưỡi Liềm của quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) đã hoàn thành thuận lợi và bắt đầu đưa vào sử dụng. Báo chí và quan chức Trung Quốc ngụy biện rằng, hải đăng là cột mốc hàng hải cố định, “có thể hướng dẫn tàu thuyền di chuyển hoặc tránh những khu vực nguy hiểm, thuận tiện lưu thông hàng hải và phục vụ cho nhu cầu của ngư dân trên các đảo”. Cũng trong năm 2015, Trung Quốc tiếp tục xây trái phép thêm 2 ngọn hải đăng nữa trên đá Châu Viên, đá Gạc Ma. Tháng 7/2016, Trung Quốc thông báo đag xây dựng ngọn hải đăng thứ 5 trên bãi Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và sẽ sớm đưa nó vào hoạt động. Theo China Daily, 5 ngọn hải đăng lớn và đa năng này có chiều cao từ 50 đến 55 m, được trang bị các thiết bị đèn xoay lớn, đèn hải đăng rọi xa được 22 hải lý. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã đưa vào sử dụng các ngọn hải đăng trên đảo nhân tạo phi pháp nước này bồi lấp trên đá Subi, Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Tại đá Subi, Trung Quốc khánh thành ngọn hải đăng xây dựng trái phép trên đá này từ tháng 4/2016. Ngọn hải đăng phi pháp trên đá Subi được Trung Quốc động thổ vào tháng 10/2015. Hải đăng hình trụ tròn, làm bằng bê tông cốt thép, bên ngoài sơn màu trắng với viền màu xanh da trời ở giữa, phần chân gồm hai tầng hình bát giác. Ngọn hải đăng cao 55 m, có phạm vi chiếu sáng 22 hải lý. Trung Quốc còn xây dựng Trạm nhận biết tàu thuyền tự động (AIS) và trạm radar cao tần (VHF) trên đá Subi, với cái cớ bao biện là “phục vụ thông tin hàng hải, cung cấp số liệu định vị” cho tàu thuyền qua lại.

Âm mưu, ý đồ của Trung Quốc

Báo chí và quan chức Trung Quốc ngụy biện rằng việc xây dựng và sử dụng 5 ngọn hải đăng này chứng tỏ nghĩa vụ quốc tế của Trung Quốc, đồng thời đóng góp vào hỗ trợ điều hướng, tìm kiếm cứu nạn hàng hải, an toàn hàng hải, phòng chống thiên tai, cứu trợ… Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng Trung Quốc cố tình xây dựng hải đăng để tạo sự hiểu nhầm cũng như bằng chứng về cái gọi là chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông dù chúng hoàn toàn vô giá trị.Với tranh chấp trên Biển Đông, hải đăng phi pháp của Trung Quốc trên các đá và rạn san hô của Việt Nam đang gây ra nhiều mối quan ngại. Nó vi phạm các quy định của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về luật biển năm 1982 (UNCLOS) cũng như tuyên bố về cách ứng xử trên Biển Đông giữa các nước có tranh chấp. Có thế thấy các ngọn hải đăng Trung Quốc trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam là bẫy pháp lý mà Trung Quốc bày ra để đánh lừa cả thế giới. Rõ ràng Trung Quốc đã có những tính toán kỹ lưỡng khi xây dựng hải đăng trên các thực thể chiếm đóng bất hợp pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc muốn đánh lừa cả thế giới khi dùng các công trình dân sự để đăng ký với các tổ chức quốc tế nhằm tìm kiếm sự thừa nhận chủ quyền. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tăng cường việc tuyên truyền để thế giới nghĩ rằng Trung Quốc bồi lấp nhằm mục đích quân sự. Trên thực tế, Trung Quốc đang triển khai nhiều cơ sở quân sự trên cả hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam. Theo giới phân tích, cho dù có các thiết bị định vị hiện đại song khi đi sát những hòn đảo hay bãi đá ngầm, tàu thuyền vẫn phải dựa vào các hải đăng để xác định vị trí. Vì vậy, hải đăng ở những nơi này vẫn xuất hiện trong nhật ký hành trình các tàu, thuyền. Bởi vậy, nếu tàu thuyền các nước khác buộc phải sử dụng và ghi 2 hải đăng ở Đá Châu Viên và Gạc Ma vào nhật ký hành trình, thì nó có thể được coi là sự thừa nhận trên thực tế chủ quyền của Trung Quốc với những hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc chiếm giữ bằng vũ lực rồi xây dựng trái phép. Chuyên gia về Biển Đông tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á Ian Storey cảnh báo “nếu tàu chiến và tàu buôn các nước khác, trong đó có Mỹ, buộc phải sử dụng và ghi những hải đăng này vào nhật ký hành trình, nó có thể được coi là sự thừa nhận trên thực tế chủ quyền của Trung Quốc”.

Việc xây dựng hải đăng cũng như các công trình khác phục vụ mục đích quốc phòng dưới dạng dân sinh của TQ nhằm nhiều mục đích. Một là phá vỡ tính nguyên trạng ở Biển Đông đã được ASEAN và Trung Quốc cam kết trong DOC, tạo tiền lệ diễn giải Luật Biển mới có lợi cho Trung Quốc.Hai là củng cố thêm yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Trường Sa. Ba là buộc thế giới chấp nhận chuyện đã rồi về việc Trung Quốc cải tạo bãi thành đảo nhân tạo.Bốn là tìm hiểu ‎ý định thực sự và mức độ chịu đựng của Mỹ trong việc Trung Quốc đòi quy chế lãnh hải 12 hải l‎ý cho các đảo nhân tạo. Đổi lại Trung Quốc sẽ bảo đảm cho Mỹ và các nước quyền tự do hàng hải bên ngoài giới hạn 12 hải lý. Cuối cùng là nếu Mỹ không có bước đi kiên quyết, TQ sẽ tiếp tục cải tạo hơn 200 đá, bãi còn lại ở Trường Sa, tạo cơ sở hậu cần vững chắc chọc thủng chiến lược các chuỗi đảo ngăn chặn của Mỹ, tiến ra Thái Bình dương, đòi Mỹ chia sẻ quyền lợi. Điều này cũng sẽ tạo tiền lệ thúc đẩy một cuộc chạy đua xây dựng hải đăng mới tại Trường Sa khi sau TQ, Đài Loan đã công bố ý định xây dựng hải đăng trên đảo Ba Bình.

Trung Quốc vi phạm rõ ràng luật quốc tế

Trung Quốc tuyên bố việc xây dựng và vận hành các ngọn hải đăng ở Biển Đông hoàn toàn hợp pháp theo thông lệ quốc tế và nằm trong chủ quyền của Trung Quốc. Trung Quốc trích Điều 7 và Điều 47 của Công ước Liên hợp quốc vế Luật biển 1982 (UNCLOS) nói rằng một quốc gia ven biển có thể vẽ đường cơ sở thẳng từ hải đăng mà họ xây dựng trên một vùng ngập nước khi thủy triều rút. Tuy nhiên, Trung Quốc không có quyền được áp dụng quy định này tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Quan điểm trên chưa phản ánh đúng và đầy đủ toàn bộ Công ước năm 1982. Rõ ràng việc Trung Quốc chiếm đóng, bồi lấp các đá và rạn san hô của Việt Nam cũng là sự vi phạm không thể chối cãi. Các hoạt động của Trung Quốc xâm hại nghiêm trọng tới chủ quyền của Việt Nam.

Thứ nhất, tại Điều 4, điều 5 Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) nêu rõ các bên không làm thay đổi hiện trạng trên biển và “thực hiện việc kiềm chế các hoạt động có thể gây phức tạp hoặc leo thang tranh chấp, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định”. Trung Quốc đã ký kết văn kiện này tháng 11/2002 nên có trách nhiệm phải tuân thủ nó.Theo đó, nguyên tắc chung cho việc vẽ đường cơ sở của một quốc gia ven biển được quy định tại Điều 5 của UNCLOS. Nó được lựa chọn tại những điểm ngoài cùng nhất nhô ra biển khi thủy triều ở mức thấp nhất (trung bình nhiều năm).

Thứ hai, Điều 7 được bổ sung khi bờ biển của một quốc gia thụt vào trong hoặc có các đá và rạn san hô nằm gần bờ. Toà án Công lý Quốc tế cho rằng các quy tắc vẽ đường cơ sở thẳng sẽ luôn được thực thi. Các trường hợp đặc biệt sẽ được xem xét với những điều kiện cụ thể và được áp dụng “hạn chế”. Tuy nhiên, Trung Quốc cố tình hiểu sai UNCLOS dù là thành viên của công ước. Bắc Kinh tuyên bố sử dụng biện pháp vẽ toàn bộ đường lãnh hải theo quy định ở các trường hợp đặc biệt thay vì vẽ như quy định.

Thứ ba, Điều 13 của UNCLOS cũng khẳng định các rạn san hô chìm dưới mặt nước khi thủy triều xuống thấp không có lãnh hải riêng nếu nó nằm xa đất liền. Việc xây dựng trên các thực thể này không thể tạo ra vùng lãnh hải 12 hải lý xung quanh nó. Điều 60.8 và 80 của UNCLOS cũng khẳng định quá trình bồi lấp, cải tạo đảo không giúp nó có lãnh hải. Dù Trung Quốc xây dựng hải đăng, các tòa nhà hay cao ốc trên đảo nhân tạo phi pháp thì cũng không có giá trị pháp lý.

Thứ tư, Điều 16 của UNCLOS nêu rõ Trung Quốc phải công bố tọa độ của tất cả các đường cơ sở. Trung Quốc vẫn mập mờ về điều này dù vẽ đường cơ sở xung quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1996 và quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà nước này tranh chấp với Nhật Bản vào năm 2012. Ngoài ra, Trung Quốc chưa công bố đường cơ sở xung quanh các thực thể chiếm đóng phi pháp trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Trung Quốc cho rằng hải đăng ở Trường Sa có thể là căn cứ để Bắc Kinh vẽ đường cơ sở thẳng xuống quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam. Tuy nhiên, Trung Quốc không nằm trong diện được áp dụng các quy định cho việc vẽ đường lãnh hải đặc biệt. Việc Trung Quốc xây hải đăng ở Trường Sa hoàn toàn không có giá trị pháp lý.

Chỉ trích, phản đối từ các nước

Philippines khẳng định việc Trung Quốc đưa vào sử dụng các ngọn hải đăng phi pháp mới đây ở Biển Đông là nhằm hiện thực hóa yêu sách chủ quyền phi lý tại vùng biển chiến lược trọng yếu này. Chính phủ Philippines đã lên án mạnh mẽ âm mưu thâm hiểm này của Trung Quốc trong việc xây dựng ngọn hải đăng phi pháp trên Biển Đông. Tuyên bố của Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose, được trang tin Rappler đăng tải ngày 20/10/2015, khẳng định: “Chúng tôi phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc xây dựng và vận hành các ngọn hải đăng trên bãi đá Châu Viên và Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam). Những hành động này rõ ràng có mưu đồ thay đổi tình hình thực tế nhằm củng cố yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines nhấn mạnh, Manila sẽ “không bao giờ chấp nhận những hành động đơn phương này như là sự đã rồi”. Chính phủ và người dân Philippines tố cáo và lên án mạnh mẽ sau khi Trung Quốc khánh thành và đưa vào sử dụng 2 hải đăng phi pháp xây dựng trên đá Châu Viên và đá Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam từ đầu tháng 10/2015. Có thể nói đây là động thái đầy toan tính thâm hiểm của Trung Quốc trong chuỗi hành động nhất quán ráo riết tôn tạo, xây dựng nhằm biến các bãi đá và rặng san hô ngầm mà nước này chiếm đóng trái phép trên Biển Đông thành các đảo nổi nhân tạo.

Việt Nam đã nhiều lần khẳng định hành động của Trung Quốc xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, đồng thời kiên quyết bác bỏ và phản đối mạnh mẽ hành động “bất hợp pháp và vô giá trị” này. Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. “Việt Nam phản đối mạnh mẽ và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hành xử có trách nhiệm, chấm dứt ngay và không có những hành động đe dọa đến an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông hay làm gia tăng căng thẳng tại khu vực này”.

RELATED ARTICLES

Tin mới